Ngoài ra, hổ con hay một số bộ phận cơ thể khác của hổ thường dùng để ngâm rượu. Các tiêu bản hổ nhồi bông, các bộ phận khác như da, móng, hoặc nanh hổ cũng được coi là các đồ trang trí và trang sức có giá trị cao.

Cuộc khủng hoảng tuyệt chủng các loài động thực vật hoang dã lớn trên thế giới đã được đề cập trong một báo cáo của Liên hợp quốc (UN report) công bố vào tháng 5/2019. Báo cáo này chỉ ra rằng, các loài động vật, thực vật hoang dã đang bị suy giảm với một tốc độ chóng mặt chưa từng xảy ra trong lịch sử loài người. Bởi vậy, thế giới cần bảo tồn hươu cao cổ, voi, tê giác, sư tử, bò sát, ếch, cá mập trước khi quá muộn.

buc thu keu cuu thong thiet cua chu ho con

Tăng cường mạnh mẽ các hoạt động tuyên truyền có liên quan đến vấn đề bảo vệ hổ. Ảnh: ENV

Riêng đối với loài hổ, mối đe dọa lớn nhất đối với hổ tại Việt Nam là hoạt động săn bắn và buôn bán hổ trái phép cũng như việc mất môi trường sống. Hổ bị buôn bán phần lớn để lấy xương bào chế các loại thuốc cổ truyền. Ngoài ra, hổ con hay một số bộ phận cơ thể khác của hổ thường dùng để ngâm rượu. Các tiêu bản hổ nhồi bông, các bộ phận khác như da, móng, hoặc nanh hổ cũng được coi là các đồ trang trí và trang sức có giá trị cao.

Quần thể hổ hoang dã của Việt Nam cũng bị đe dọa bởi việc mất môi trường sống mà nguyên nhân chính là do nạn chặt phá rừng cũng như sự suy giảm nghiêm trọng của nguồn thức ăn cho hổ như bò rừng, hươu nai.

Trước thực trạng đáng báo động như trên đối với các loài động thực vật hoang dã nói chung và loài hổ nói riêng, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) làm việc với các cơ quan thực thi pháp luật, các nhà lập pháp và cộng đồng để chấm dứt hoạt động buôn bán hổ, đồng thời ngăn chặn sự phát triển của hoạt động gây nuôi hổ vì mục đích thương mại tại Việt Nam.

buc thu keu cuu thong thiet cua chu ho con
Bức ảnh kêu cứu của... những chú hổ con đã gây rúng động dư luận xã hội trong nhiều ngày qua. Ảnh: ENV

Mới đây, ENV đã gửi thông điệp bảo vệ loài hổ thông qua một bức thư vô cùng thống thiết, "mượn lời" của chú hổ con đã bị đông lạnh gửi cho "hổ mẹ". Đây là những cá thể đang được các đối tượng chuyển đi tiêu thụ và được cơ quan chức năng phát hiện và thu giữ kịp thời. Nguyên văn bức thư như sau:

"Mẹ ơi, hôm nay con bị đông lạnh rồi!

Sau khi chứng kiến những bạn khác bị giết hại, đông lạnh và buôn bán, cuối cùng cũng đến lượt con mẹ ạ. Trong quãng thời gian đó, con đã hy vọng rất nhiều, hy vọng người ta sẽ không dùng cao hổ nữa, không dùng chúng con ngâm rượu nữa. Con nghĩ rằng, chỉ cần như thế, chúng con sẽ thoát được.

Nhưng con thật ngây thơ, đúng không mẹ?

Vì nếu họ nghĩ như vậy, loài hổ đã không trở nên đáng thương như hôm nay. Con từng tự hào vì sinh ra với dòng màu của chúa sơn lâm nhưng rừng rậm đã khác xưa, chúng ta cũng trở thành một món hàng.

Ở đây chúng con đều bị giết, mổ bụng và đông lạnh. Con không biết "giá" của mình là bao nhiêu, nhưng có lẽ đó là số tiền lớn, đủ để con người bất chấp tất cả. Cứ mỗi lần họ làm việc, chúng con giãy giụa, đau đớn, kêu gào nhưng họ cũng chẳng nương tay. Nhát dao lạnh lùng hạ xuống, một sinh mạng ra đi và trên Facebook lại xuất hiện thêm một món hàng nữa.

Ngày mai, ảnh của con cũng sẽ được đăng lên đó. Thôi thì mọi thứ cũng chấm dứt rồi, nhưng nếu được sinh ra lần nữa, con vẫn muốn làm hổ, sẽ cho con người thêm cơ hội để bảo vệ chúng ta!".

Hơn 30 năm qua, quần thể hổ đã suy giảm một cách đáng kể tại Việt Nam cũng như tại các vùng phân bố khác của hổ. Liên minh bảo tồn hổ quốc tế (ITC), đại diện cho các tổ chức bảo tồn hổ trên khắp thế giới, ước tính chỉ còn khoảng 3.500 cá thể hổ hoang dã trên thế giới. Các chuyên gia cũng ước tính, tại Việt Nam chỉ còn khoảng 30 cá thể hổ còn lại trong tự nhiên.  

(Nguồn: ENV)

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/buc-thu-keu-cuu-thong-thiet-cua-chu-ho-con-8906.html
 

Theo Kinh Tế Môi Trường