Tại Diễn đàn “Phát triển thị trường vốn - Cơ hội trong kỷ nguyên mới” diễn ra ngày 30/3, các nhà quản lý, chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp đã chia sẻ những đánh giá của mình về 20 năm phát triển thị trường vốn vừa qua.
Thị trường vốn Việt Nam đang phát triển
Tính từ đầu năm đến hết tháng 2/2021, vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 5.600 nghìn tỷ đồng (tương đương 89% GDP năm 2020) với 880 mã cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội và Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh, 909 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM.
Hàng trăm nghìn tỷ đồng đã được các doanh nghiệp, các ngân hàng huy động qua thị trường chứng khoán, tạo nên bức tranh cân đối của thị trường vốn Việt Nam.
Thị trường trái phiếu Việt Nam cũng đang phát triển rất mạnh mẽ, khép lại năm 2020 với tốc độ tăng trưởng được đánh giá cao nhất trong khu vực Đông Á mới nổi. Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt khoảng trên 10,86% GDP.
Đặc biệt, kênh dẫn vốn qua ngân hàng vẫn đóng vai trò chủ đạo cung cấp nguồn vốn trên thị trường, chiếm tới 70%.
Tại diễn đàn, các chuyên gia cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam đến nay đã có sự phát triển vượt bậc so với những năm đầu mở cửa.
Sau hơn 20 năm Việt Nam xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán, cấu trúc thị trường vốn Việt Nam đã được định hình rõ nét gồm hai cấu phần chính là thị trường chứng khoán và thị trường tín dụng trung, dài hạn. Sự phát triển của thị trường chứng khoán trong 2 thập kỷ đầu tiên phải trải qua nhiều thăng trầm, nhưng đã tạo nên một kênh dẫn vốn hữu hiệu cho Chính phủ, cho các doanh nghiệp và nền kinh tế.
Nếu như năm 2000, khi thị trường chứng khoán mới mở cửa, vốn hóa thị trường chỉ đạt 986 tỷ đồng, tương đương 0,28% GDP, các doanh nghiệp hầu như phải huy động vốn qua kênh tín dụng ngân hàng, thì sau 2 thập kỷ, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu Việt Nam tính đến cuối năm 2020 tương đương 83% GDP năm 2019. Hàng trăm ngàn tỷ đồng đã được các doanh nghiệp, các ngân hàng huy động qua thị trường chứng khoán, tạo nên bức tranh cân đối của thị trường vốn Việt Nam, bên cạnh kênh tín dụng ngân hàng cũng có sự phát triển mạnh mẽ trong 20 năm qua.
Theo các nhà phân tích, phát triển thị trường vốn sẽ góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp nhà nước sớm hoàn thành quy trình quản trị công ty minh bạch, rõ ràng, đặc biệt là các công ty đại chúng có vốn nhà nước; qua đó thúc đẩy tăng khối lượng giao dịch trên thị trường, tăng tính thanh khoản cho cổ đông nhà nước.
Thách thức cho thị trường vốn Việt
Các chuyên gia đánh giá, thị trường vốn đang thuận lợi để phát triển nhưng thị trường cũng đang phải đối diện với nhiều thách thức.
Trước hết, trên thị trường tín dụng, các ngân hàng khó tăng năng lực tài chính, trong khi nguy cơ nợ xấu ngày một dày lên, do hầu hết các hoạt động sản xuất kinh doanh đều chịu ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19.
Cùng với đó, nhiều hình thái tín dụng, thanh toán gắn công nghệ với tài chính xuất hiện, trong khi Việt Nam chưa có chính sách để quản lý.
Trên thị trường chứng khoán, Luật Chứng khoán mới có hiệu lực thi hành từ đầu năm 2021 với nhiều chính sách được cải thiện nhằm nâng tầm thị trường. Tuy nhiên, tình trạng nghẽn lệnh trên sàn chứng khoán tạo nên thách thức hiện hữu cho các mục tiêu lớn và dài hạn, như nâng hạng thị trường, tăng quy mô, tăng tính chuyên nghiệp và thu hút dòng vốn nước ngoài vào thị trường vốn Việt Nam.
Vì vậy, các ý kiến cho rằng cần sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để thị trường hoạt động bền vững.
Tại diễn đàn, TS. Cấn Văn Lực đánh giá về thị trường chứng khoán rằng, để phát triển bền vững, đòi hỏi những nỗ lực nâng tầm quản trị doanh nghiệp, tính chuyên nghiệp của cộng đồng nhà đầu tư và khả năng điều hành thị trường của cơ quan quản lý.
Ông Lực dự báo, con người - công nghệ là 2 đột phá và tính minh bạch, chuyên nghiệp là kim chỉ nam cho sự phát triển tới đây trên thị trường vốn Việt Nam.
Tiếp tục phân tích về thị trường tiền tệ, TS. Nguyễn Tú Anh - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương đánh giá, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nên tiếp tục duy trì môi trường lãi suất thấp, khuyến khích phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp các hoạt động khởi nghiệp trong môi trường vốn rẻ. Việc duy trì lãi suất thấp và tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp cho phép doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, qua đó cũng sẽ giảm áp lực lên lạm phát khi nền kinh tế đang hoạt động dưới mức sản lượng tiềm năng.
Bên cạnh đó, môi trường lãi suất thấp có thể giúp các ngân hàng thương mại đang thiếu vốn có điều kiện thuận lợi tăng vốn đáp ứng các yêu cầu đủ vốn theo nguyên tắc Basel II.
Để làm được điều này, các chính sách của NHNN một mặt cần duy trì môi trường lãi suất thấp, mặt khác cũng cần phải củng cố uy tín, độ tin cậy của NHNN trong việc bảo vệ ổn định giá cả và điều hành chính sách tiền tệ.
Ở khía cạnh khác, môi trường lãi suất thấp cũng khuyến khích các hoạt động đầu cơ vào thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán và có thể tạo ra các “bong bóng tài sản”, tiềm ẩn bất ổn trong tương lai. Do đó, cùng với các chính sách duy trì lãi suất thấp, Chính phủ cũng cần phải có các giải pháp đồng bộ để thực hiện kiểm soát thị trường bất động sản.
Nguồn: https://congly.vn/buc-tranh-thi-truong-von-viet-nam-trong-ky-nguyen-moi-184138.html