Theo hồ sơ tố tụng, tháng 8/2017, Việt thành lập Cty TNHH kinh doanh TM&DV Tiến Mạnh (Cty Tiến Mạnh) và thuê Lê Văn Mạnh (1990, trú P.Trương Định, Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội) đứng tên làm giám đốc. Đồng thời, Việt thuê Nguyễn Văn Cường làm nhân viên kinh doanh của công ty và mở tờ khai Hải quan với mục đích nhập lậu ĐTDĐ iPhone từ Hồng Kông về Việt Nam, qua Cửa khẩu Sân bay Quốc tế Đà Nẵng để tiêu thụ.

Thành lập công ty xong, Việt chủ động truy cập Internet để tìm kiếm các cửa hàng bán ĐTDĐ iPhone tại Hồng Kông và trực tiếp liên lạc để trao đổi việc mua bán. Sau khi thống nhất số lượng ĐTDĐ cần mua và giá cả, Việt nhờ người chuyển tiền vào số tài khoản ngân hàng do bên bán cung cấp. Sau khi bên bán nhận tiền thì Việt gửi thông tin công ty Tiến Mạnh để bên bán xuất hóa đơn và lập vận đơn. Tuy nhiên, Việt yêu cầu bên bán phải ghi thông tin hàng hóa trên hồ sơ là bộ lưu điện UPS với mục đích trốn thuế nhập khẩu.

Buôn lậu 200 điện thoại iPhone từ Hồng Kông về Đà Nẵng

Bị cáo Việt và Cường

Sau khi nhận được hình ảnh của vận đơn và thông tin lô hàng được bên bán gửi qua email, Việt gửi cho Cường và chỉ đạo Cường dùng tư cách pháp nhân của công ty Tiến Mạnh làm các thủ tục mở tờ khai hải quan với thông tin hàng hóa nhập khẩu là bộ lưu điện UPS. Từ việc kê khai gian dối này, Việt đã trốn được nghĩa vụ nộp thuế nhập khẩu cho Nhà nước.

Sau khi hàng được thông quan, Cường liên hệ làm thủ tục nhận rồi báo lại cho Việt biết. Cường là người phân chia và trực tiếp đi giao lại cho các đầu mối tiêu thụ theo sự chỉ đạo của Việt rồi thu tiền về đưa lại cho Việt. Ngày 29/9/2017, 200 ĐTDĐ loại iPhone 6 có tổng trị giá hơn 3 tỷ đồng được nhập lậu qua Sân bay Đà Nẵng của Việt đã bị bắt giữ. Ngoài lô hàng bị bắt này công ty Tiến Mạnh nhập 4 lô hàng khác vào Việt Nam cũng qua cửa khẩu sân bay Quốc tế Đà Nẵng với 617 ĐTDĐ iPhone 8.

Việt và Cường khai, Việt có chuyển tiền và chỉ đạo Cường đưa tiền bồi dưỡng cho ông Lê Nho Phước- Chi Cục phó Chi cục cửa khẩu sân bay Quốc tế Đà Nẵng, với số tiền 300 triệu đồng để bồi dưỡng cho ông Phước vì đã giúp đỡ làm thủ tục nhập khẩu và thông quan các lô hàng nhập lậu. Tuy nhiên, quá trình xét hỏi và làm rõ tại tòa, các bị thừa nhận có đưa tiền bồi dưỡng nhưng ông Phước không nhận số tiền này mà chỉ hướng dẫn Việt và Cường cách làm thủ tục nhanh hơn mà thôi.

Bị cáo Việt cho rằng Phạm Văn Hiển là người giới thiệu Việt gặp ông Phước để bàn bạc về cách thức nhập lậu ĐTDĐ iPhone từ Hồng Kông về Việt Nam qua cửa khẩu sân bay Quốc tế Đà Nẵng. Hiển là người cùng hùn vốn với số tiền 1 tỷ đồng cùng Việt để thành lập công ty Tiến Mạnh và thông qua công ty này nhập lậu các mặt hàng ĐTDĐ hiệu iPhone vào Việt Nam tiêu thụ kiếm lời.

Lợi nhuận sẽ chia 50/50 sau khi trừ chi phí…, bị cáo Việt đề nghị làm rõ trách nhiệm hình sự của Hiển về tội đồng phạm cùng với hai bị cáo trong vụ án này. Tuy nhiên, quá trình điều tra, không có tài liệu chứng minh, đồng thời bị cáo Việt không đưa ra được chứng cứ gì mới nên HĐXX cho rằng không đủ cơ sở để xem xét trách nhiệm hình sự của Hiển.

Sau khi xem xét, HĐXX TAND TP Đà Nẵng đã tuyên phạt bị cáo Việt mức án 8 năm tù và Việt 6 năm tù cùng về tội “Buôn lậu”.

Theo congly.vn