Trong một báo cáo mới công bố, nhà hải dương học Anela Choy và các nhà khoa học của Viện Hải dương học Scripps (Đại học California, San Diego, Mỹ) cho biết, tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa ở đại dương đang rất báo động. Qua quá trình nghiên cứu, họ tìm thấy nhiều nút chai, que nhựa, túi nhựa, hạt nhựa siêu nhỏ… trong dạ dày của các loài sinh vật biển sống dưới đáy biển sâu.

bao dong sinh vat song duoi day bien cung an nhua
Các nhà khoa học tìm thấy hạt nhựa trong dạ dày của các loài vật sống dưới đáy đại dương. 

Nghiên cứu này được tiến hành tại vịnh Monterey (Mỹ). Đây là môi trường sống của nhiều loài cá voi, cá mập, rái cá… Theo các nhà khoa học, ở độ sâu 200 – 300 mét dưới đáy biển, mật độ các hạt nhựa siêu nhỏ (microplastic) cao gấp bốn lần so với mặt biển. Con số này tương đương, thậm chí là cao hơn kết quả nghiên cứu về rác thải nhựa ở Thái Bình Dương.

Các báo cáo khoa học trong thời gian gần đây cho thấy, các hạt nhựa siêu nhỏ đang xuất hiện ở khắp mọi nơi; từ đỉnh núi, rừng sâu,.. cho đến đồ ăn, nước uống, không khí, muối ăn… Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên chúng được tìm thấy ở các độ sâu khác nhau trong lòng đại dương.

Các nhà khoa học đã thực hiện nghiên cứu bằng cách sử dụng tàu không người lái, lấy mẫu nước tại các độ sâu khác nhau, nơi sâu nhất lên tới 5.000 mét. Đồng thời phân tích các cá thể sinh vật biển, trong đó có cua đỏ và ấu trùng khổng lồ (sinh vật giống nòng nọc). Chúng đều là động vật ăn lọc (ăn các loại thức ăn thông qua việc lọc các hạt vật chất và thực phẩm trôi nổi trong nước). Trong quá trình kiếm ăn, cua đỏ và ấu trùng cần di chuyển từ mặt nước xuống đáy đại dương.

Qua nghiên cứu, các hạt microplastic được tìm thấy trong hệ tiêu hoá của tất cả các mẫu vật. Những hạt nhựa này đến từ đất liền, là các mảnh siêu nhỏ của hộp nhựa, chai nhựa,… do con người thải ra.

Ông Kyle Van Houtan, nhà khoa học đứng đầu Khu Thuỷ cung vịnh Monterey cho biết: "Ô nhiễm nhựa ở độ sâu này là việc không mong muốn nhất với bất cứ nhà khoa học nào. Điều này cho thấy, rác thải nhựa đang dần xâm lăng lòng đại dương trên khắp thế giới. Đây là vấn đề rất nghiêm trọng, liên quan đến sự sống còn của cả hệ sinh thái chứ không chỉ đơn giản là những mảnh rác trôi nổi trên mặt biển mà chúng ta vẫn thấy bằng mắt thường".

Theo bà Choy, những con vật nhỏ như cua đỏ và ấu trùng là con mồi của những loài sinh vật biển lớn hơn. Cứ như vậy, những hạt nhựa dần xâm nhập chuỗi thức ăn, âm thầm “tìm đến” con người và gây ra những tác hại vượt sức tưởng tượng. Quan niệm coi biển sâu là một “thế giới” tách biệt là hoàn toàn sai lầm. Xã hội loài người vẫn đang được nuôi dưỡng hàng ngày bởi đại dương. Do vậy, bảo vệ đại dương và giảm thiểu ô nhiễm nhựa là nhiệm vụ sống còn của mỗi quốc gia.

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/ca-voi-ca-map-song-duoi-day-bien-cung-an-nhua-5424.html 

Theo Kinh Tế Môi Trường