Chị Nguyễn Thị Hồng, 39 tuổi, phường Đức Giang (Long Biên, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi mua xôi ruốc của một quán ăn gần nhà. Tuy nhiên, khi ăn ruốc cảm thấy ruốc không thật. Nó không có mùi thơm của thịt, cũng không có màu sắc tự nhiên như ruốc mình tự làm tại nhà. Ăn ruốc đó có vị ngọt nhờ nhợ. Hỏi người bán hàng thì họ bảo ruốc họ tự làm. Nhưng tôi biết, hiện nay có rất nhiều người bán xôi mua ruốc được làm sẵn về bán kèm chứ không phải họ tự làm. Mua quán đó vài lần đều bị như vậy nên tôi không quay trở lại đó mua nữa”.

Thực tế, có nhiều trường hợp người dân mua phải ruốc giả, ruốc kém chất lượng, thậm chí có nhiều người sử dụng một thời gian dài mới nhận ra mình mua phải hàng giả.

Ruốc giả thường được làm từ nguyên liệu sắn dây tẩm ướp gia vị và hóa chất. Ruốc kém chất lượng được làm bằng nguyên liệu là thịt bẩn không rõ nguồn gốc.

Ruốc giả không mang lại chất dinh dưỡng mà còn gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng như có thể gây nên tình trạng rối loạn tiêu hóa, làm chậm quá trình tiêu hóa, có thể dẫn đến viêm loét dạ dày, viêm đại tràng... Đó là chưa kể đến, các chất bảo quản có trong ruốc giả rất dễ gây dị ứng với người tiêu dùng, nhẹ có thể gây dị ứng da, nổi mề đay, nặng hơn thì có thể dẫn đến một số biến chứng khác.

Người sử dụng ruốc thường là trẻ em nên các bà nội trợ phải đặc biệt cẩn trọng khi mua ruốc bên ngoài. Tốt nhất chúng ta nên làm ruốc tại nhà hoặc trong trường hợp quá bận rộn, hãy tìm những địa chỉ tin cậy, uy tín để mua.

Sợi ruốc thật (trái) bông tơi, có màu vàng tự nhiên so với sợi ruốc giả dài, màu nhờ nhờ (phải)

Sau đây là cách nhận biết ruốc giả và ruốc thật:

- Màu sắc: Ruốc thật có màu vàng tự nhiên của thịt, đôi khi có màu trắng giống thịt luộc (nếu như người dùng xao ruốc không quá kỹ). Ruốc giả có màu nhờ nhờ, nhìn không được vàng tự nhiên và không thơm như ruốc thịt thật.

- Hình dạng: Ruốc thật có sợi nhỏ, có độ tơi vừa phải. Sợi ruốc sắn dây không có độ bông tơi, thường to, tròn hơn so với ruốc thật.

- Mùi vị: Ruốc thật có mùi thơm, vị béo đặc trưng của thịt lơn và có vị ngọt của thịt luộc. Ruốc giả khi ăn có vị hơi chát hoặc ngọt lợ của hương liệu và bột ngọt.

- Khi cho vào nước hoặc lấy tay xoa xoa: Ruốc thật sẽ rời ra, nhưng không chuyển màu mà lộ rõ màu của thịt thăn khi luộc. Còn sợi ruốc giả làm từ bã sắn dây sẽ đổi màu thành màu trắng bợt của bã sắn dây.

- Khi nhai: Ruốc sắn dây rất khó tan và dai, càng nhai càng dai, còn ruốc thịt thật sẽ dễ dàng tan khi có nước bọt.

Cách làm ruốc thịt vừa nhanh, vừa ngon:

-Thịt thăn mua về rửa sạch, để ráo nước, thái miếng quân cờ, dọc thớ.

-Cho thịt vào nồi nước đun sôi tầm 3-5 phút sau đó vớt ra, đem kho với 3 thìa canh nước lọc, 2 thìa canh nước mắm, 1 thìa hạt nêm. Có thể gia giảm độ mặn cho phù hợp với khẩu vị của gia đình. Kho thịt đến khi cạn nước thì lấy ra đĩa cho nguội.

-Xé thành dạng sợi. Cho vào chảo đảo với lửa nhỏ đến khi ruốc vàng.

- Sau đó cho vào máy xay sinh tố xay để đánh bông ruốc.

-Đổ phần ruốc heo đã xay lại chảo, cho thêm 2 thìa canh dầu ăn để sợi ruốc bóng đẹp và không bị khô, đảo lại cho đến khi có độ vàng như ý.

-Lấy ruốc ra đĩa, để nguội rồi cất vào lọ kín để dùng dần. Ruốc ăn với cơm nóng sẽ rất thơm ngon.

Cách bảo quản ruốc: Bạn nên để ruốc vào một lọ thủy tinh, đậy kín nắp để tránh hỏng ruốc. Khi ăn, bạn nên dùng phần đũa khô gắp một lượng vừa đủ ăn, tránh làm ruốc trong lọ bị chảy nước. Ngoài ra, trong những ngày thời tiết nồm, ẩm, bạn nên bảo quản ruốc trong tủ lạnh để ruốc luôn ngon.

Theo Pháp luật & Xã hội