Nhiều người bị lừa tiền khi mua vé máy bay Tết Đinh Dậu 2017

Hiện nay có khá nhiều người Việt Nam đã sang Nhật để du học, sống và làm việc nên khi Tết đến, nhu cầu mua vé máy bay về nước cũng cao. Hơn nữa vé máy bay cũng đắt và hiếm (vé trung bình trên 9 man – tương đương gần 19 triệu đồng). Từ đó, nhiều người Việt Nam tại Nhật đã săn vé máy bay giá rẻ trên mạng và gặp không ít “đại lý ma” trên Facebook.

Trang booking lừa đảo đã được cộng đồng người Việt tại Nhật phát hiện

Trang booking lừa đảo đã được cộng đồng người Việt tại Nhật phát hiện

 

Theo phản ánh của một số người bị lừa hoặc suýt bị lừa, các trang bán vé máy bay giả mạo này thường có đặc điểm rất khó nhận biết.

  • Đầu tiên là do việc sử dụng hình ảnh hiển thị của hãng Vietnam Airlines (hãng phổ biến và quen thuộc đối với người Việt Nam).
  • Thứ hai là có hàng chục nghìn lượt like trên facebook tạo tâm lý yên tâm khi tìm kiếm.
  • Thứ ba là do các đối tượng thường xuyên thay đổi trên trang đặt vé với chiêu thức tinh vi nên người mua mặc dù cảnh giác nhưng vẫn bị lừa.
  • Thứ tư là do bọn lừa đảo nắm được tâm lý săn tìm vé máy bay giá rẻ trên mạng nên chỉ cần vài thủ thuật tâm lý đã tạo sự hấp dẫn và lôi cuốn cho người mua.
  • Thứ năm là khi thanh toán, đối tượng lừa đảo còn nhiệt tình hướng dẫn hành khách thanh toán chuyển khoản cho tài khoản mà mình chỉ định. Thời gian thanh toán cũng khá gấp gáp. Chỉ cần ai có kinh nghiệm mua vé máy bay mới thấy nghi ngờ.

Những chiêu thức lừa đạo tinh vi khác

Là một trong những người Việt Nam suýt bị lừa, anh B.N.H, người từng sống và làm việc tại Nhật chia sẻ, khi tìm thấy trang facebook “Vietnam Airlines Booking” quảng cáo giá vé từ Haneda – Hà Nội chỉ 5 man (tương đương khoảng 10 triệu). Vì giá rẻ lại thấy nhiều người like nên anh đã liên hệ. Sau đó anh được facebook yêu cầu gửi email về địa chỉ [email protected] để xác nhận.

Sau khi cung cấp thông tin cá nhân, anh B.N.H được yêu cầu thanh toán sớm vì thời gian book (đặt vé) và thanh toán chỉ là 12 giờ. “Đại lý ma” này còn cung cấp code “ZKQJWP” cho anh để lấy lòng tin. Tuy nhiên, khi gọi xác nhận đến tổng đài của Vietnam Airlines, mã code đó không tồn tại.

Người thứ hai là một nữ du học sinh. Vì không có máy tính nên sau khi đặt vé ở trang giả mạo, chủ trang Vietnam Airlines giả cũng cung cấp code vé rồi yêu cầu mua thẻ “webmoney” (một loại thẻ thanh toán của Nhật Bản), rồi vào trang Vietnamairlines thanh toán. Sau đó, cô đã tin tưởng gửi thông tin mã thẻ cho đại lý nhập lệnh thanh toán giúp. Đến khi gọi đến số điện thoại trên web để nhận vé thì không bắt máy, thậm chí bị khóa địa chỉ của cô.

Du học sinh kể rằng vì họ gửi lịch trình trông giống như của VNA nên cô cũng như đa số người đặt đều dễ tin và làm theo yêu cầu thanh toán nhanh, đến lúc chuyển tiền xong thì số tiền gửi cũng bay luôn.

Sau một loạt các vụ lừa đảo, đại diện hãng hàng không Vietnam Airlines chia sẻ rằng các “Dịch vụ hàng không Airserco” đang nở rộ qua trang mạng xã hội lớn nhất hiện nay là facebook. Tính đến thời điểm hiện tại đã có 65 trường hợp bị lừa. Nhiều trang facebook ma lừa đảo khác cũng tiếp tục mọc lên.

Để tránh bị lừa, các hãng hàng không khuyến cáo hành khách nếu không đặt vé trên trang web của các hãng hàng không thì tốt nhất là cần đến các phòng vé, đại lý chính thức, cầm phiếu thu hoặc hóa đơn khi mua vé. Chỉ như thế mới bảo vệ được quyền lợi của mình và dễ xử lý khi có trục trặc.

Theo Tường Vy / Gia đình Việt Nam