Rủi ro thiên tai được cảnh báo ở cấp 2-3

Trong 24 giờ qua (19 giờ 29/7 đến 19 giờ 30/7), ở Bắc Bộ tiếp tục có mưa diện rộng, có nơi mưa to đến rất to như Cửa Ông (Quảng Ninh): 250mm; Quảng Hà (Quảng Ninh): 170mm; Bắc Sơn (Lạng Sơn): 130mm; Sơn Động (Bắc Giang): 120mm.

Mực nước sông Thương đang lên nhanh. Lúc 19 giờ ngày 30/7, mực nước trên sông Thương tại Phủ Lạng Thương ở mức 3.8m (dưới mức báo động 1 là 0.5m). Mực nước sông Kỳ Cùng đang xuống chậm. Lúc 19 giờ ngày 30/7, mực nước trên sông Kỳ Cùng tại Lạng Sơn ở mức 251.46m (dưới báo động 1 là 0.54m).

Dự báo từ đêm nay (30/7) đến ngày 03/8, ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa vừa, mưa to diện rộng, có nơi mưa rất to (phổ biến 100-300mm cả đợt, cục bộ có nơi lớn hơn 400mm).

Khu vực mưa lớn tập trung ở các tỉnh Đông Bắc trong các ngày 30-31/7, sau đó có khả năng mở rộng thêm ra các tỉnh vùng núi Việt Bắc và Tây Bắc từ 1/8. Trên vịnh Bắc Bộ duy trì gió mạnh cấp 6-7, giật 8-9, sóng biển cao từ 2.0-3.0m, biển động mạnh.

Mưa lũ sắp tấn công miền Bắc, 31.000 bộ đội chuẩn bị ứng phó

Mực nước trên sông Thương sẽ biến đổi chậm trong 12 giờ tới. Từ ngày 31/7 đến 04/08, trên hệ thống sông Hồng-Thái Bình sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 3 đến 7 mét, ở hạ lưu từ 2 đến 4 mét. Đặc biệt, trong đợt lũ này mực nước thượng lưu hệ thống sông Thái Bình có khả năng lên mức báo động 2-3, sông Kỳ Cùng có khả năng lên lại và đạt mức báo động 2.

Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở tất cả các tỉnh vùng núi phía Bắc (đặc biệt là: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Giang, Bắc Cạn, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang) và ngập úng ở các vùng trũng, thấp, ven sông suối, ngập lụt ở đô thị Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định.

Cấp độ rủi ro thiên tai được cảnh báo ở cấp 2-3. Diễn biến về đợt mưa còn rất phức tạp, đề nghị theo dõi trong các bản tin tiếp theo.

31.000 bộ đội chuẩn bị ứng phó

Chiều 30/7, Ban chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai công tác ứng phó với mưa lũ lịch sử. Ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trưởng ban chỉ đạo đã nghe các đơn vị báo cáo kế hoạch ứng phó với đợt mưa lan rộng toàn miền Bắc sắp tới.

Ông Nguyễn Đức Long, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh - địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất cho biết, hiện còn gần 1.000 hộ dân bị ngập trong nước lũ. Xã Bản Sen (huyện Vân Đồn) vẫn trong tình trạng bị cô lập. Đến sáng nay, tỉnh đã sơ tán 229 hộ dân khỏi khu vực có bãi xỉ thải than Mông Dương phòng sạt lở.

Các chiến sĩ thuộc tiểu đoàn 15, sư đoàn 395, Quân Khu III đang dọn dẹp lại đống bùn đất ngổn ngang tại phường Hà Khánh (Quảng Ninh) sau khi nước rút - Ảnh: N.K

Các chiến sĩ thuộc tiểu đoàn 15, sư đoàn 395, Quân Khu III đang dọn dẹp lại đống bùn đất ngổn ngang tại phường Hà Khánh (Quảng Ninh) sau khi nước rút - Ảnh: N.K

"17 người chết chủ yếu do sạt đất ở những vị trí gần đồi, núi. Trước mắt, chính quyền cương quyết di dời người dân khỏi nơi dễ bị sạt lở. Về lâu dài, tỉnh sẽ tìm cách di dời hẳn nhân dân khỏi những khu vực này", ông Long cho biết.

Bà Lê Thị Thanh Nhàn, Giám đốc Sở Nông nghiệp Lạng Sơn cho biết, mưa từ ngày 27/7 đến nay khiến nước sông Kỳ Cùng dâng cao trên mức báo động 1 hơn một m, nhiều khối đất đá lớn bắt đầu rơi xuống Quốc lộ 279 gây khó khăn cho giao thông. Một người đã thiệt mạng.

Đại tá Vũ Thế Chiến - Phó Chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn -  Ủy ban Quốc gia TKCN- cho biết rút kinh nghiệm ở Quảng Ninh và chuẩn bị ứng phó với đợt mưa sắp tới, quân đội đã sẵn sàng  31.000 cán bộ chiến sĩ, 860 phương tiện ứng trực hỗ trợ các tỉnh miền núi phía Bắc.

Điều tàu hải quân ra Cô Tô đón 1500 du khách về bờ

TTXVN dẫn lời Bí thư Huyện ủy, kiêm Chủ tịch UBND huyện Cô Tô Hoàng Bá Nam cho biết: Trưa ngày 30/7, Bộ Tư lệnh Hải quân phối hợp với tỉnh Quảng Ninh đã điều động một tàu hải quân ra đảo Cô Tô để chuyển toàn bộ 1.500 khách du lịch đang mắc kẹt từ đầu tuần do mưa bão vào đất liền.

Do điều kiện thời tiết xấu, sóng to, biển động nên kế hoạch đưa toàn bộ khách du lịch từ đảo Cô Tô về đất liền không diễn ra như dự kiến. Chiều 30/7, chỉ có 280/1.500 khách du lịch được đưa từ Cô Tô về cảng Cái Rồng (Vân Đồn).

Dự kiến vào ngày 31/7, nếu thời tiết thuận lợi, tàu quân sự này tiếp tục làm nhiệm vụ vận chuyển hơn 1.200 khách du lịch còn lại về đất liền. Ông Nam công bố, toàn bộ khách du lịch nghỉ lại đảo Cô Tô đêm 30/7 được miễn phí thuê phòng và tiền ăn bữa tối.

Kêu gọi hỗ trợ

Trong thông báo mới nhất phát đi chiều tối 29/7, Tỉnh Quảng Ninh cho biết, trận mưa lũ lịch sử đã làm trên 3.700 hộ dân, trường học, bệnh xá bị ngập lụt, hàng trăm ngôi nhà bị sập đổ hoàn toàn; làm thiệt hại nhiều tài sản, hoa màu, lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản của người dân; hạ tầng kinh tế, giao thông bị tổn thất nặng nề, giao thông ách tắc, tê liệt nhiều giờ; nhiều khu vực người dân bị chia cắt, cô lập hoàn toàn.

Ước thiệt hại lên tới 1.500 tỉ đồng (ngành Than khoảng 500 tỉ). Nhiều gia đình trong cảnh màn trời, chiếu đất, thiếu lương ăn, nước uống, thiếu các vật dụng hàng ngày, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn; phải đối mặt với ô nhiễm môi trường, nguy cơ dịch bệnh và tiềm ẩn những bất ổn mới trong tình trạng thời tiết vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp.

Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Ninh tha thiết kêu gọi các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và các nhà hảo tâm; cán bộ, công chức, viên chức, các lực lượng vũ trang trong và ngoài tỉnh quan tâm chia sẻ, hỗ trợ thiết thực về tinh thần và vật chất để kịp thời động viên, giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả mưa lũ, từng bước ổn định cuộc sống./.

Trận lũ lịch sử cuốn trôi hơn 2.000 tỉ đồng

Tính đến chiều 30/7 trận mưa lũ lịch sử tại Quảng Ninh đã làm 23 người chết và mất tích, tổng thiệt hại lên tới hơn 2.000 tỉ đồng (trong đó ngành than thiệt hại hơn 1.000 tỉ đồng). Bên cạnh công tác khắc phục, tỉnh cũng khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó với đợt mưa lũ sắp tới.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) Tập đoàn Công nghiệp Than–Khoáng sản Việt Nam, mưa lớn đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất của tất cả các đơn vị thuộc Tập đoàn.... Mặc dù tổng thiệt hại các đơn vị chưa xác định hết nhưng con số đã lên tới 1.000 tỉ đồng.

Do ảnh hưởng của mưa lớn và các sự cố trên, TKV đã dừng mọi hoạt động sản xuất trên địa bàn tỉnh, tập trung vào phòng chống mưa lũ.

Ông Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn cho biết, đối với công tác ổn định đời sống, việc làm cho thợ mỏ, Tập đoàn sẽ trích từ quỹ lương dự phòng và sẽ họp bàn và đưa ra những giải pháp cụ thể cho từng đơn vị. Đối với những hộ tiêu thụ than lớn như Nhiệt điện Vũng Áng, Vĩnh Tân, Duyên Hải 1 ... Tập đoàn sẽ đề nghị các đơn vị này cân đối lại sản xuất và điều chỉnh lại nhịp độ cung cấp than.

 

Nhật Linh / Theo Ngày nay Online