Hà Nội: Báo động cấp 1 về đảm bảo điện cho sinh hoạt và chống ngập

Bà Nguyễn Thu Phương, Trưởng Ban quan hệ cộng đồng, Tổng công ty Điện lực Hà Nội, cho biết Điện lực Hà Nội đã ban hành lệnh báo động cấp 1 nhằm đảm bảo điện cho sinh hoạt cũng như hoạt động của các trạm bơm trên địa bàn trong thời điểm mưa lớn đang diễn ra tại Thủ đô.

Đặc biệt, tại các khu vực có đặt trạm bơm tiêu lớn như các trạm bơm Yên Sở, Bắc Thăng Long-Vân Trì hay các địa điểm đầu mối dễ xảy ra úng ngập trên địa bàn thành phố, Tổng công ty Điện lực đều bố trí hai nguồn điện lưới và máy phát điện dự phòng để kịp thời hoạt động chống úng ngập.

Mưa ngập trên phố Định Công.

Mưa ngập trên phố Định Công.

Mặt khác, Tổng công ty Điện lực Hà Nội cũng yêu cầu, các công ty điện lực, các bộ phận chuyên môn trực điều hành 24/24 giờ, kịp thời xử lý khi có tình huống xảy ra, đảm bảo cấp điện an toàn, liên tục cho sinh hoạt cũng như hoạt động của các trạm bơm tiêu trong những ngày mưa ở Hà Nội.

Thái Bình: Các địa phương tích cực, chủ động phòng, chống ngập úng

Do ảnh hưởng của rãnh thấp có trục đi qua Bắc Bộ kết hợp với vùng xoáy thấp nên từ sáng ngày 31/7 trên địa bàn tỉnh đã có mưa, nhiều nơi mưa vừa, mưa to.

Lượng mưa các nơi từ ngày 31/7 đến 7 giờ ngày 1/8 phổ biến từ 30 - 60mm, một số nơi có lượng mưa cao hơn như thành phố Thái Bình 107mm. Dự báo, trên địa bàn tỉnh mưa vừa, mưa to còn tiếp tục diễn ra từ ngày 1/8 đến ngày 3/8, tổng lượng mưa cả đợt phổ biến từ 100 -150mm, có nơi cao hơn.

Đề phòng ngập úng, hiện nay, các địa phương và các công ty, xí nghiệp khai thác công trình thủy lợi trong tỉnh đã chủ động chuẩn bị các điều kiện và triển khai ứng phó với tình trạng ngập úng nếu mưa lớn tiếp tục tiếp diễn ra.

Bắc Giang: Phát lệnh báo động số I trên sông Thương

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, mưa to đến rất to kéo dài trong khoảng 4-5 ngày tới, lũ trên sông tiếp tục lên cao, nguy cơ cao gây ngập lụt đến cây trồng vụ mùa.

Trước tình hình trên, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Bắc Giang phát lệnh báo động số I trên sông Thương. Theo đó, Ban chỉ huy PCTT-TKCN, hạt quản lý đê TP Bắc Giang, huyện Lạng Giang, Yên Dũng, Tân Yên cử lực lượng thường xuyên tuần tra, canh gác trên các tuyến đê, kịp thời phát hiện sự cố và sẵn sàng phương án xử lý ngay từ giờ đầu.

Để hạn chế thiệt hại, Sở Nông nghiệp và PTNT cũng có văn bản đề nghị các huyện, thành phố chủ động tiêu nước đệm, kênh mương nội đồng; khẩn trương chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện, khơi thông dòng chảy, kịp thời tiêu úng; có phương án chuẩn bị giống dự phòng để nhanh chóng khôi phục sản xuất do ngập úng.

Điện Biên: Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lò Văn Tiến kiểm tra tình hình mưa lũ tại huyện Tuần Giáo

Ngay sau khi nhận được thông báo về tình trạng mưa lũ đang diễn biến phức tạp tại huyện Tuần Giáo, sáng 1/8, đồng chí Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão - tìm kiếm cứu nạn tỉnh Điện Biên cùng đoàn công tác đã nhanh chóng có mặt tại huyện Tuần Giáo, kiểm tra hiện trường thiệt hại do mưa lũ tại các xã: Chiềng Sinh, Chiềng Đông và thị trấn Tuần Giáo; đồng thời họp khẩn cấp với Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão - tìm kiếm cứu nạn của huyện để khắc phục hậu quả mưa lũ.

Tại điện biên nhiều phương tiện bị cuốn trôi.

Tại điện biên nhiều phương tiện bị cuốn trôi.

 

Theo báo cáo sơ bộ, trận mưa kéo dài từ đêm 31/7 đã khiến địa bàn huyện Tuần Giáo xảy ra nhiều trận lũ ống, lũ quét, ảnh hưởng tới toàn bộ 19 xã, thị trấn, gây thiệt hại lớn về tài sản, nhà cửa, các công trình giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, công trình xây dựng và các công trình công cộng khác. Đã có hơn 200 nhà dân và 500ha lúa, hoa màu của người dân đã bị ngập úng, bồi lấp, xói lở, cuốn trôi. Ước tính ban đầu, tổng thiệt hại do mưa lũ khoảng trên 100 tỷ đồng.

Lạng Sơn: Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo công tác khắc phục và ứng phó với diễn biến tiếp theo của mưa, lũ.

Đồng chí Vy Văn Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo phải chủ động với tinh thần cao nhất để phòng chống, ứng phó với các diễn biến phức tạp tiếp theo. Đồng chí nhấn mạnh cần tăng cường tuyên truyền đến từng người dân, để mỗi người dân nâng cao ý thức, tích cực, chủ động phòng chống mưa lũ.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ đạo, ngoài việc khẩn trương khắc phục hậu quả, các cấp, ngành cần ra soát lại các điểm xung yếu; tổ chức di dời người dân đến nơi an toàn, trong trường hợp cần thiết phải cưỡng chế di dời. Quán triệt thực hiện nghiêm túc Công điện khẩn số 04 ngày 31/7/2015 của Chủ tịch UBND tỉnh về tiếp tục ứng phó với diễn biến mưa lũ.

Quảng Ninh: TP Uông Bí 500 nhà dân bị ngập lụt; xã Thượng Yên Công đang bị chia cắt

Trận mưa lớn đêm ngày 1 và sáng 2/8 đã khiến nhiều nơi trên địa bàn TP Uông Bí bị ngập sâu trong nước. Hiện trên toàn thành phố chưa có thiệt hại về người.

Tính đến 9h sáng 2/8, 500 nhà dân ở khu vực trung tâm thành phố bị ngập sâu trong nước. Do mưa lớn kéo dài nên đã bị ngập cục bộ; lũ tràn cao qua các đập, ngầm ở xã Thượng Yên Công.

Khu vực trung tâm thành phố nước đang dâng cao.

Khu vực trung tâm thành phố nước đang dâng cao.

 

Thành phố đã huy động trên 50 chiến sỹ lực lượng bộ đội và công an cùng các lực lượng của phường Vàng Danh, xã Thượng Yên Công và Ban quản lý Di tích và Rừng Quốc gia Yên Tử tổ chức, bố trí lực lượng kiểm soát, cắm các biển báo và huy động 120m rào chắn; bố trí 6 Barie tại các đập tràn xung yếu; 60m Barie di động để hướng dẫn giao thông tại các khu vực nước ngập sâu, chảy xiết; huy động trên 2.000m2 vải bạt để che các bờ Taluy có nguy cơ sạt lở;

Hỗ trợ giúp 10 hộ dân sơ tán ra khỏi khu vực nguy hiểm. Hiện nay lũ tràn cao qua các đập tràn, giao thông bị chia cắt, xã Thượng Yên Công đang bị cô lập, các lực lượng đã được huy động bố trí tại các khu vực nguy hiểm.

Công ty Than Uông Bí, sạt lở trên 50m đường tại cọc + 370 tuyến đường Đồng Vông - Uông Thượng; Công ty cổ phần Than Vàng Danh có  4 phân xưởng vị trí sản xuất bị ảnh hưởng mưa lớn, dẫn đến ngấm nước một phần. Hiện để đảm bảo an toàn sản xuất Công ty đã cho tạm ngừng sản xuất để củng cố khai thông thoát nước lò.

Theo ông Phan Xuân Thủy, Giám đốc Công ty, ngày hôm qua lượng mưa lớn trên 120mm, do vậy đã làm ảnh hưởng đến 4 vị trí sản xuất trên, tuy nhiên hệ thống các thiết bị bơm thoát nước của đơn vị hoạt động tốt, công tác củng cố khai thông thoát nước hiệu quả.

Khu vực đập tràn sông Uông Bí (Trung tâm TP Uông Bí) nước sông đang dâng lên rất nhanh. (Ảnh: Huy Toàn - CTV)

Khu vực đập tràn sông Uông Bí (Trung tâm TP Uông Bí) nước sông đang dâng lên rất nhanh. (Ảnh: Huy Toàn - CTV)

 

Hiện thời điểm hiện nay (9h30' ngày 2-8) đang tạnh mưa, với tình hình mưa nhỏ như trên ngày 3-8 Công ty sẽ tiếp tục hoạt động sản xuất.

Nước đã ngập đến cửa nhà dân.

Nước đã ngập đến cửa nhà dân.

Trước diễn biến về tình hình mưa lụt tại TP Uông Bí, sáng 2/8 đồng chí Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã trực tiếp đi kiểm tra và chỉ đạo công tác ứng phó.

Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh quyết định về mức hỗ trợ các hộ dân khắc phục hậu quả mưa lụt

Để sớm khắc phục hậu quả do mưa lũ, sớm ổn định đời sống, sinh hoạt và sản xuất của nhân dân, sáng 1/8 Thường trực Tỉnh ủy có Thông báo số 1724 về mức hỗ trợ cho nhân dân bị thiệt hại khắc phục hậu quả do đợt mưa kéo dài trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể: Đối tượng hỗ trợ là các hộ dân có nhà bị ảnh hưởng do mưa, lũ cuối tháng 7 đầu tháng 8 năm 2015.

Mức hỗ trợ:

1. Hỗ trợ kinh phí xây nhà mới cho đối tượng là nhà dân có nhà bị đổ, sập, trôi, mức hỗ trợ tối đa 50 triệu đồng/nhà.

2- Hỗ trợ kinh phí sửa chữa nhà cho đối tượng là nhà dân có nhà bị hư hỏng nặng, mức hỗ trợ tối đa 25 triệu đồng/nhà.

3- Hỗ trợ kinh phí dọn dẹp, sửa chữa nhỏ nhà cho đối tượng là nhà dân có nhà bị ngập nước từ 1 m trở lên, mức hỗ trợ tối đa 5 triệu đồng/nhà.

4- Hỗ trợ kinh phí thuê nhà mức tối đa 2 triệu đồng/tháng:

- Hỗ trợ đối tượng mục 1, thời gian hỗ trợ 3 tháng.

- Hỗ trợ các gia đình phải di dời theo yêu cầu để đảm bảo an toàn, thời gian hỗ trợ 01 tháng. Trường hợp thời gian di dời trên 1 tháng, thực hiện theo thời gian thực tế.

Toàn bộ số tiền hỗ trợ được sử dụng từ nguồn thu ủng hộ, đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân. Thường trực Tỉnh ủy giao Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh chủ trì, phối hợp Ban cứu trợ tỉnh và các ban, ngành liên quan khẩn trương phân bổ, chuyển kinh phí hỗ trợ cho các địa phương, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện kịp thời, đúng đối tượng./.

Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin...

Đêm qua và sáng nay (02/8), ở Bắc Bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to đến rất to. Lượng mưa đo được trong 12 giờ qua (tính đến 07h ngày 02/8) ở Điện Biên 100mm, Mộc Châu (Sơn La) 80mm, Uông Bí (Quảng Ninh) 130mm, Phủ Liễn (Hải Phòng) 100mm, Chí Linh (Hải Dương) 70mm,…

Mực nước trên sông Đà, sông Thương đã lên nhanh, đạt đỉnh và đang xuống. Đỉnh lũ trên sông Đà (tại Mường Tè) ở mức 286,9 m vào 22 giờ ngày 1/8 (dưới báo động 2 là 0,6m); trên sông Thương (tại Phủ Lạng Thương): 4,8 m vào 15 giờ ngày 1/8 (trên báo động 1 là 0,3m).

Mực nước trên sông Thao và sông Bằng Giang đang lên nhanh: Lúc 7 giờ ngày 2/8, trên sông Bằng Giang (tại Bằng Giang) ở mức 180,7 m (trên báo động 1 là 0,2m); trên sông Thao (tại Yên Bái): 29,5 m (dưới báo động 1 là 0,5m).

Dự báo từ hôm nay (02/8) đến 04/8, ở các tỉnh Bắc Bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to diện rộng. Tổng lượng mưa trong 2 ngày (đến 03/8) ở khu vực Đông Bắc và đồng bằng Bắc Bộ 50-100mm (riêng vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Nam Định 150-250mm).

Tổng lượng mưa cả đợt ở khu vực Việt Bắc và Tây Bắc 150-250mm; có nơi trên 300mm.

Từ ngày 02-04/8, trên hệ thống sông Hồng-Thái Bình sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 3 đến 5 mét, ở hạ lưu từ 2 đến 3 mét. Mực nước sông Thao (tại Yên Bái) lên trên mức báo động 1; sông Thương (tại Phủ Lạng Thương): báo động 2; sông Cầu (tại Đáp Cầu) và sông Lục Nam (tại Lục Nam): báo động 1; sông Giang (tại Bằng Giang): báo động 2. Dòng chảy lớn nhất đến hồ Sơn La đạt mức 8000 m3/s, dòng chảy lớn nhất đến hồ Hòa Bình đạt mức 5500 m3/s.

Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở tất cả các tỉnh vùng núi phía Bắc (đặc biệt là: Quảng Ninh, Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình) và ngập úng ở các vùng trũng, thấp, ven sông suối; ngập lụt đô thị ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định.

Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 2.

Diễn biến về đợt mưa còn rất phức tạp, đề nghị theo dõi trong các bản tin tiếp theo.

Nhật Linh (Tổng hợp) / Theo Ngày nay Online