1. Một kỷ lục mà có lẽ không một người Việt Nam tiến bộ nào muốn nhắc đến đó là dải đất hình chữ S được liệt vào hàng những quốc gia tiêu thụ rượu bia nhiều nhất thế giới. Thị trường rượu bia Việt Nam trở thành miếng mồi béo bở đối với nhiều ông trùm đồ uống khắp thế giới. Người ta uống bất kể lúc nào, vui uống, buồn cũng uống, không vui không buồn cũng uống. Cứ như thiếu rượu bia thì “huyết quản” của xã hội sẽ ngừng chảy, mạch ngầm… sáng tạo của cuộc sống sẽ nghẽn lại.
Ấy thế nhưng kể từ khi đại dịch Covid -19 bùng phát, hàng quán đóng cửa, bặt tiếng cụng ly, xã hội lại trở về đường ray như lẽ ra nó phải thế. Không thấy ai phàn nàn về việc không được tự do đàn đúm nhậu nhẹt, bù khú rượu bia. Có thể ngành công nghiệp đồ uống, con gà đẻ trứng vàng của chúng ta sẽ đứng trước nguy cơ suy sụp nhưng khi sự sống bị đe dọa đến mức báo động, chẳng có lợi ích nào đem ra đong đếm được. Một điều chắc chắn rằng, không có rượu, bia, thế giới vẫn tiến về phía trước nhưng thiếu sức đề kháng từ những cơ thể khỏe mạnh, chúng ta không đủ lực để chống chọi với Covid-19.
Có những thứ, chỉ khi đứng trước cuộc chiến sinh tử với dịch bệnh, người ta mới thấy nó đáng giá biết nhường nào.
Dịch bệnh lại là thứ khiến chúng ta nhắc nhớ về giá trị của hai chữ gia đình. Ảnh: Sơn Hải.
2. Một gia đình bị cách ly tại nhà 2 tuần. Thường ngày, 4 người trong số họ đều được liệt vào hàng ưa “xê dịch” hay… công dân toàn cầu. Công việc cuốn họ đi đến mức, cả tuần chỉ độ 1 – 2 bữa cơm có đông đủ thành viên. Thậm chí, có thời điểm, cả nhà phải ăn cơm “trực tuyến” để duy trì… không khí gia đình. Công nghệ đưa thế giới xích lại gần nhau nhưng làm cho con người dễ cách xa nhau. Thế nên, những ngày cách ly với họ không khác gì một cuộc sum họp. Những bữa cơm gia đình đều đặn rôm rả nói cười. Công việc vẫn trôi chảy thông qua thế giới Internet. Những đứa trẻ biết giành nhau nhặt rau, rửa bát, gom tiền mừng tuổi ủng hộ đồng bào. Anh đã biết học cách mặc tạp dề vào bếp. Chị biết trở lại với những dòng nhật ký trên trang giấy còn thơm mùi mực năm xưa…
Cuộc sống thời 4.0 của người Việt là một cuộc chạy đua. Không ít người nhầm tưởng đang cống hiến và đam mê nhưng thực sự đang trở thành nô lệ cho chính mình. Chỉ đến khi dịch bệnh cảnh tỉnh, họ mới chợt nhận ra rằng: giá trị của cuộc sống đâu chỉ có cơm ngon và áo đẹp…
3. Đường phố Thủ đô những ngày cao điểm chống dịch vắng lặng, đìu hiu. Ngày dài lê thê trong tiếng dương cầm gãy đổ vẳng buông trên từng nóc phố. Nhiều người ví Hà Nội như nàng Bân thiếu phụ ngồi đan áo cho chồng trong cái rét tháng Ba. Người ta bắt đầu tiếc cho một Hà Nội sôi động, ngút tầm mắt bởi những dãy nhà chọc trời. Người ta thèm một Hà Nội năng động, náo nhiệt bất chấp “đặc sản” tắc đường, ô nhiễm không khí bủa vây. Nhưng rồi người ta lại muốn níu giữ “những đêm dài xao xác hơi may”, thèm cái “im lặng đêm Hà Nội” để bước chân về gác trọ nghe tiếng dương cầm đổ. Chưa bao giờ Hà Nội hiện lên hai gương mặt một cách rõ rệt đến như vậy.
Rồi đây khi đại dịch qua đi, Hà Nội trở lại nhịp sống thường nhật, liệu có thể có một thủ đô phát triển mà trật tự, náo nhiệt mà êm đềm, hiện đại mà cổ kính hay không? Dịch bệnh đôi khi như một phép thử để nhận ra đâu là giá trị đích thực của cuộc sống để mà nỗ lực vươn tới.
4. Gần 1 tuần thực hiện giãn cách xã hội, cuộc sống dường như ngăn nắp hơn, điều mà lẽ ra nó phải thế. Không còn thấy phóng nhanh, vượt ẩu, lấn làn; không còn chen chúc, xô đẩy nhau tranh cướp lộc. Tai nạn giao thông giảm hẳn, gây gổ, đánh nhau cũng bớt lại… Dịch bệnh dạy cho con người ta học cách biết… sợ để mà sống chậm lại, sống có ý nghĩa hơn…
Sau chiến tranh, có lẽ chưa bao giờ ý niệm về đất nước, dân tộc, Tổ quốc, nhân dân, đồng bào được biểu thị nhiều như những ngày chống dịch bệnh Covid-19. Người Việt Nam là vậy, càng gian khó bao nhiêu, càng kiên cường và nhân văn bấy nhiêu. Những cựu chiến binh xung phong đi làm lá chắn thép. Những đứa trẻ còn chưa hiểu rõ nghĩa đồng bào đã gom tiền tiết kiệm đi làm từ thiện. Những bác sỹ, chiến sỹ bộ đội, công an, dân quân… nhường cơm, xẻ áo, sẵn sàng xung trận. Những chiến sỹ blouse trắng sống trong… ổ dịch vẫn rạng ngời niềm tin. Một đất nước còn nghèo, phương tiện y tế còn thiếu thốn nhưng vẫn có những đội quân đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà để chống dịch.
Cuộc chiến chống giặc Covid-19 có thể còn kéo dài, còn muôn vàn gian khó nhưng chúng ta có niềm tin chiến thắng bởi những giá trị được kết tinh từ truyền thống của dân tộc. Trân trọng những giá trị ấy cũng là một cách tiếp thêm niềm tin trong trận chiến đầy gian khổ này.