Như đã đưa tin tối 11/10, khói bốc lên từ tầng hầm của toà nhà CT4A, khu đô thị Xa La, Hà Đông (Hà Nội). Nhiều người dân hoảng loạn tháo chạy. Sau gần 4h chữa cháy, cứu hộ, lực lượng chức năng đã cứu được hơn 200 người mắc kẹt ở các tòa nhà, trong đó có khoảng 10 người bị ngạt khói phải nhập viện.
Thông tin ban đầu được biết chưa có thiệt hại về người, tuy nhiên nhiều xe máy ở trong tầng hầm tòa nhà CT4A bị thiêu rụi.
Ai sẽ đứng ra bồi thường?
Cảnh sát PCCC Hà Nội thống kê ban đầu có khoảng hơn 300 xe máy, 1 ôtô, 45 xe đạp của dân để dưới hầm đã bị thiêu rụi. Những người dân bị thiệt hại tài sản có băn khoăn về việc ai sẽ là người đứng ra đền bù số tài sản trên cho họ?
Dù không nằm trong diện các khổ chủ bị cháy xe nhưng một cư dân mua nhà của chủ đầu tư này đặt vấn đề trên báo Gia đình và Xã hội: “Vụ cháy CT4 không có thiệt hại nào về người nhưng có một điều là những thiệt hại vật chất như xe cộ này sẽ được đền bù như thế nào?”.
Ý kiến này cho rằng, nếu như CT4 và tất cả các toà nhà khác trong đó có Đại Thanh đều không có một hợp đồng trông giữ xe nào được ký kết giữa ban quản lý tòa nhà và các chủ phương tiện thì câu chuyện đền bù thiệt hại nếu xét chiếu theo khía cạnh pháp lý sẽ nan giải và không hề đơn giản.
Nếu như có hợp đồng trông giữ xe, các thiêt hại thực tế sẽ được bồi thường theo đúng giá trị thoả thuận tại hợp đồng hoặc giá trị bị thiệt hại. Trong trường hợp việc bồi thường không thoả đáng hoặc không được bồi thường, chủ phương tiện có quyền khởi kiện để đảm bảo lợi ích hợp pháp của mình.
Cư dân này đưa ra nhận định, trong trường hợp của CT4, sẽ có thể có các khả năng sau xảy ra gồm: Chủ đầu tư (BQL) sẽ bồi thường giá trị thiệt hại cho chủ xe, giá trị bôì thường theo giá trị thực tế còn lại của xe. Chủ đầu tư sẽ hỗ trợ một phần thiệt hại cho chủ xe; Chủ đầu tư sẽ không đền bù.
Tất cả tình huống trên đều có thể xảy ra, nhưng nếu trường hợp mà có đủ hợp đồng trông giữ xe đã được ký kết thì tin rằng giả định đầu tiền sẽ khả thi hơn rất nhiều.
Băn khoăn của cư dân này cũng là nỗi niềm canh cánh của hàng vạn cư dân đã và đang mua nhà của chủ đầu tư này. Luật sư Nguyễn Phú Thắng (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, không có hợp đồng nhưng vé xe chính là dạng hợp đồng giản đơn.
Đây chính là hợp đồng gửi, giữ tài sản và người trông giữ xe hay đơn vị quản lý tòa nhà phải có trách nhiệm bảo vệ nguyên vẹn tài sản của người gửi.
Về vấn đề bồi thường thiệt hại, LS Thắng cho rằng, cần phải xem xét dựa trên kết quả điều tra của cơ quan công an. Mặt khác phải xem nguyên nhân gây cháy có nằm trong diện bất khả kháng hay không?
Nếu là nguyên nhân bất khả kháng thì trách nhiệm của đơn vị vận hành, quản lý, trông coi hoặc chủ đầu tư được loại trừ. Còn nếu nguyên nhân do các đơn vị này thì phải có bồi thường cho cư dân bị hại.
Việc bồi thường dựa trên thỏa thuận của hai bên, nếu cư dân thấy không thỏa đáng thì có thể khởi kiện để đòi quyền lợi. Tuy nhiên, ở trong trường hợp này thì cư dân nên có cái nhìn chia sẻ với chủ đầu tư, đơn vị vận hành thì kết quả xử lý mới có thể nhanh và hài hòa.
Cũng liên quan đến vụ cháy này, sau khi xảy ra sự cố ở tòa nhà nêu trên thì cư dân các tòa nhà khác bắt đầu nghĩ tới việc yêu cầu đơn vị vận hành phải có hợp đồng trông giữ xe để có cơ sở xử lý những thiệt hại tương tự.
Không đúng quy định, chủ đầy tư sẽ bị xử phạt
Chia sẻ trên Zing.vn, Luật sư Giang Hồng Thanh (Văn phòng luật sư Giang Thanh, Hà Nội) cho biết, cơ quan chức năng trước hết sẽ phải xác định rõ nguyên nhân gây cháy và các điều kiện về phòng, chống cháy được áp dụng, sử dụng tại khu chung cư này. Nếu như khu chung cư không được lắp đặt đầy đủ các trang thiết bị phòng cháy theo quy định của pháp luật, chủ đầu tư sẽ bị xử phạt hành chính.
Theo như Luật Phòng cháy và chữa cháy quy định:
"Điều 16. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong đầu tư xây dựng và sử dụng công trình
1. Chủ đầu tư thực hiện thủ tục trình duyệt dự án, thiết kế về phòng cháy và chữa cháy; chỉ được thi công khi thiết kế về an toàn phòng cháy và chữa cháy của công trình đã được duyệt; tổ chức kiểm tra, giám sát thi công, nghiệm thu và bàn giao công trình trước khi đưa vào sử dụng.
Trong quá trình thi công công trình, nếu có thay đổi thiết kế thì phải giải trình hoặc thiết kế bổ sung và phải được duyệt lại.
2. Trong quá trình thi công công trình, chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng phải bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy thuộc phạm vi trách nhiệm của mình.
3. Trong quá trình sử dụng công trình, cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thường xuyên kiểm tra, duy trì các điều kiện về phòng cháy và chữa cháy".
Ngoài ra, Điều 23 Luật này quy định về Phòng cháy đối với công trình cao tầng như sau:
"1. Công trình cao tầng phải có giải pháp chống cháy lan, chống tụ khói, lan truyền khói và hơi độc do cháy sinh ra; bảo đảm các điều kiện thoát nạn an toàn nhằm cứu người, tài sản khi có cháy xảy ra; trang bị hệ thống tự động phát hiện cháy, trang bị phương tiện, hệ thống chữa cháy bảo đảm khả năng tự chữa cháy; sử dụng vật liệu xây dựng khó cháy; không sử dụng vật liệu trang trí nội thất, vật liệu cách âm, cách nhiệt dễ cháy".
Như vậy, theo quy định của pháp luật, việc kiểm tra, duy trì điều kiện về phòng cháy và chữa cháy phải được tổ chức thường xuyên, định kỳ để phát hiện những nguy cơ, hỏng hóc có thể xảy ra khiến cho việc phòng cháy, chữa cháy hoạt động thiếu hiệu quả trong trường hợp có sự cố về cháy nổ.
Ông Thanh nhấn mạnh đối với các thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản (nếu có) của người dân sinh sống tại khu chung cư cũng như những người có mặt hợp pháp tại khu chung cư tại thời điểm xảy ra cháy, chủ đầu tư phải có trách nhiệm bồi thường đối với những thiệt hại này.
Tuy nhiên, qua sự việc trên, người dân cần ghi nhận sự tích cực của chủ đầu tư khi đã kịp thời bố trí nơi ở tạm khi họ không có chỗ ở do quá trình giải quyết đám cháy được tiến hành.
Đồng quan điểm, luật sư Phạm Huỳnh (Đoàn luật sư Tâm Đức - Hà Nội) cho rằng cần phải xem xét về lỗi kỹ thuật hay do điều kiện thiên tai để xác định trách nhiệm của chủ đầu tư. Nếu thuộc lỗi kỹ thuật, chủ đầu tư phải chịu hoàn toàn trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Trong trường hợp này, vé xe được coi là “hợp đồng” giữa chủ đầu tư và người sử dụng.
Theo Điều 605 Bộ luật Dân sự, người sử dụng sẽ được bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được quy định theo nguyên tắc sau:
1. Thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thoả thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
2. Người gây thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường, nếu do lỗi vô ý mà gây thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của mình.
3. Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì người bị thiệt hại hoặc người gây thiệt hại có quyền yêu cầu Toà án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.
Nếu thuộc lỗi bất khả xâm phạm (như thiên tai, lũ lụt…) chủ đầu tư có thể được loại trừ khả năng đền bù./.