Với quy mô dân số gần 10 triệu người, Hà Nội thực sự đã trở thành siêu đô thị, mỗi ngày người dân thủ đô tiêu thụ 1.000 tấn thịt, 600 tấn cá, 3.200 tấn rau nhưng chỉ có 7 điểm bán đồ chuẩn sạch.
Cụ thể, theo danh sách 69 điểm cung cấp sản phẩm nông sản đã được xác nhận kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi trong lĩnh vực nông nghiệp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố, tại Hà Nội có 7 địa điểm, bao gồm: Cửa hàng Công ty TNHH Thực phẩm sạch BigGreen Việt Nam; 3 cửa hàng của Công ty Cổ phần Thủy Thiên Nhu; 2 cửa hàng thực phẩm sạch số 01 của Công ty Cổ phần Thực phẩm T&T; Công ty Cổ phần Xây dựng và Xuất nhập khẩu Tổng hợp.
Theo thông tin từ Trung tâm xúc tiến thương mại Hà Nội, thành phố hiện có hơn 10 triệu dân, bao gồm cả lao động, học sinh, sinh viên ngoại tỉnh cư trú và làm việc. Nhu cầu thực phẩm của Hà Nội là rất lớn.
Để đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho hơn 10 triệu người, thị trường Hà Nội một ngày tiêu thụ khoảng 1.000 tấn thịt, 600 tấn cá, 3.200 tấn rau các loại.
Song, hiện nay sản xuất nông nghiệp của Hà Nội mới đáp ứng được 58% nhu cầu thịt các loại, 70% cá các loại; 90% trứng gia cầm, 65% rau củ tươi…Số thực phẩm còn lại do các tỉnh, thành phố khác cung cấp cho Hà Nội.
Câu hỏi đặt ra là: Liệu rằng với 7 điểm bán hàng nông sản an toàn theo công bố của Bộ NN&PTNT, thực chất là 4 nhà cung cấp nói trên, đủ cung ứng bao nhiêu % nhu cầu cho hơn 10 triệu dân thủ đô, hay chỉ như “muối bỏ bể”?
Và những địa điểm bán hàng khác thì sao, có đảm bảo chất lượng không? Nếu không đảm bảo, có chế tài nào đối với các địa điểm kinh doanh này? Hay cứ bán thực phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường trước đã, bất kể chất lượng ra sao?
Ăn sạch, uống sạch là nhu cầu tất yếu của mỗi người. Tuy nhiên, so với nhu cầu của người dân thủ đô thì số cơ sở này còn quá ít. Rõ ràng, nhu cầu được ăn thực phẩm sạch của các cư dân Thủ đô vẫn còn là một bài toán nan giải.
Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, thời gian tới, để đáp ứng nhu cầu về thực phẩm sạch của người dân thủ đô, Sở Công thương sẽ tăng cường đầu tư ngân sách Nhà nước cho công tác an toàn thực phẩm; duy trì, xây dựng mô hình quản lý thực phẩm theo chuỗi từ sản xuất đến kinh doanh.
Phấn đấu đến cuối năm nay sẽ có 80% cơ sở kinh doanh thực phẩm thuộc diện được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo đúng quy định của pháp luật.
Bà Trần Thị Phương Lan cũng khuyến cáo người tiêu dùng nâng cao trách nhiệm của mình, phải tẩy chay những thực phẩm bẩn, bỏ thói quen tiện đâu mua đấy và chỉ mua thực phẩm ở những cơ sở được công bố là thực phẩm an toàn.