Câu chuyện nêu trên được Giám đốc Audi Hà Nội - Nguyễn Văn Dũng chia sẻ tại toạ đàm "Nhập ôtô: Giữ hay bỏ Thông tư 20" do Diễn đàn Đầu tư tổ chức sáng 11/8 tại Hà Nội.

Sự kiện này diễn ra trong bối cảnh những tranh cãi quanh tương lai của Thông tư 20/2011 của Bộ Công Thương, mà cụ thể là quy định về giấy ủy quyền chính hãng khi nhập xe, trở nên gay gắt suốt nhiều tháng qua.

Là đại diện của một doanh nghiệp nhập xe chính hãng, ông Dũng kể từng được doanh nghiệp bảo hiểm cho biết về tình trạng một chiếc xe Audi A8 ở Hà Nội gặp phải vấn đề về ngập nước.

Theo hồ sơ, chiếc xe này được mua không chính hãng với hóa đơn ghi giá 3 tỷ đồng (trong khi giá bán xe tại Mỹ khoảng 2,7 tỷ). Khi giải quyết, bên bảo hiểm đề nghị trả 3 tỷ đồng cho chủ xe và thu hồi lại tài sản thì không được chấp nhận vì giá trị thực của xe Audi A8 này lên tới 6 tỷ đồng.

Thực tế này khiến đại diện doanh nghiệp có giấy ủy quyền bày tỏ lo ngại việc thất thu thuế khi mở cửa cho các doanh nghiệp khác được nhập khẩu xe. 

Trên quan điểm bảo lưu những quy định của Thông tư 20, ông Dũng cho rằng việc này không những giúp Nhà nước quản lý, thu thuế đầy đủ, lành mạnh hơn, mà người mua cũng được tiếp cận với giá xe rõ ràng, không biến động theo thị trường và có hoá đơn đầy đủ. 

chiec-audi-6-ty-co-hoa-don-3-ty-gay-tranh-cai

Giám đốc Audi Hà Nội nêu ý kiến cần giữ Thông tư 20 vì lo ngại doanh nghiệp nhập khẩu không có uỷ quyền trốn thuế.

Giám đốc Audi Hà Nội cũng phân tích về việc một chiếc xe được ghi "Conduct for..." (sản xuất cho một thị trường nhất định) đồng nghĩa với việc nhà sản xuất đã nội địa hóa dòng xe đó để phù hợp với khí hậu, điều kiện đường sá, nhiên liệu... "Xe ở Mỹ đường đẹp nên giảm xóc không chú trọng, nhưng về Việt Nam đường xấu, nhiều ổ gà nên phải thiết kế giảm xóc phù hợp. Việc mua xe của doanh nghiệp có uỷ quyền đảm bảo người tiêu dùng không bị thiệt thòi", vị này nói.

Ông Dũng cũng nhấn mạnh việc bảo hành chính hãng một dòng xe cần yêu cầu kỹ thuật cao, phải có dụng cụ chuyên dùng và mỗi đời xe nhập về cần bộ dụng cụ khác nhau.

"Mới đây, có một chuyên gia tại Đức sang Việt Nam chỉ để bảo hành cho một xe của hãng. Ngoài ra, các doanh nghiệp được uỷ quyền còn phải đầu tư 4 triệu USD để xây dựng trang thiết bị cho hệ thống bán hàng.

Để đào tạo một kỹ thuật viên gòkhung sườn nhôm có trị giá 200.000 USD, doanh nghiệp phải mất 40.000 USD", ông liệt kê.

Về nghi ngại độc quyền, ông này cho rằng thị trường Việt Nam đủ chỗ cho 2-3 nhà phân phối và không có chuyện những nhà nhập khẩu chính hãng như ông được một mình một chợ. "Chúng tôi được chọn vì đáp ứng điều kiện của nhà sản xuất, minh bạch về tài chính doanh nghiệp", ông Dũng khẳng định.

Phản bác lại ý kiến trên, ông Nguyễn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thiên Phúc An - một doanh nghiệp không được cấp uỷ quyền - cho biết trường hợp chiếc xe 6 tỷ nhưng xuất hoá đơn 3 tỷ là có thực nhưng nó được nhập dưới dạng quà biếu tặng, Việt kiều gửi… Những doanh nghiệp như ông Tuấn cũng không được nhập khẩu những dòng xe này vì không có giấy uỷ quyền.

chiec-audi-6-ty-co-hoa-don-3-ty-gay-tranh-cai-1

Giám đốc Thiên Phúc An và nhóm doanh nghiệp ôtô nhỏ và vừa phản đối Thông tư 20 vì cho rằng tạo ra sự độc quyền, loại doanh nghiệp nhỏ ra khỏi cuộc chơi.

Ngược lại, vị này khẳng định việc quản lý thuế, tránh trốn thuế là trách nhiệm của cơ quan Nhà nước, không thể vì một vài doanh nghiệp trốn thuế mà "vơ đũa cả nắm", dùng Thông tư 20 để phân biệt đối xử với tất cả các doanh nghiệp ôtô nhỏ và vừa...

"Các anh nói không độc quyền tại sao lại treo biển, logo của hãng. Nếu không treo biển độc quyền, là một doanh nghiệp nhập xe bình thường, chúng tôi có thể bán hàng chục hãng như Porsche, Audi…", ông Tuấn nói và cho rằng Thông tư 20 đẩy doanh nghiệp nhỏ vào việc nhập khẩu xe cũ, đã qua sử dụng.

Vị giám đốc cho rằng nói xe nhập khẩu từ nước ngoài không phù hợp với địa hình và an toàn giao thông trong nước là chủ quan và chưa có một bằng chứng, nghiên cứu nào cho thấy điều đó.

"Xe phải đủ điều kiện thì mới được lưu thông ở nước ngoài chứ không phải xe thiết kế cho Việt Nam lại có chất lượng tốt hơn xe xuất xưởng ở Mỹ được", ông Tuấn tranh luận.

Ông Nguyễn Đình Quyết - Giám đốc Công ty Hưng Hà nhận định Thông tư 20 đã tạo ra sự độc quyền, nhóm lợi ích, ảnh hưởng đến giá cả xe. "Khi có sự cạnh tranh thì người tiêu mới có sự lựa chọn.

Nếu chỉ có mỗi các anh thì chỉ có một giá. Các anh cứ nói bảo vệ người tiêu dùng nhưng không phải. Độc quyền hay ủy quyền cuối cùng cũng chỉ là cách dùng từ nhưng bản chất không khác nhau", ông Quyết phản ứng.

Vị này cũng cho biết từng đề nghị Huyndai, Kia cung cấp uỷ quyền để nhập về Việt Nam nhưng họ từ chối vì đã cấp cho đơn vị khác rồi.

"Thông tư 20 có nhiều vấn đề và tôi chỉ chú trọng về lợi ích của người tiêu dùng, nhất là quyền lựa chọn của họ. Nếu trong thị trường chỉ có Porsche, Toyota... thì người ta thích đặt giá nào thì người tiêu dùng phải chịu là đương nhiên", ông Quyết nêu.

Ông Ngô Việt Dũng - Quản trị Diễn đàn Otofun với vai trò đại diện cho một cộng đồng sử dụng xe ôtô lớn cho biết người dùng không quan tâm đến nguồn gốc của sản phẩm được ủy quyền hay không ủy quyền.

Đồng thời, ông không cho rằng xe của công ty nhỏ lẻ nhập về không an toàn mà vấn đề là người tiêu dùng không được lựa chọn đầy đủ.

"Chẳng hạn, một xe model 2016 của Thái Lan ra đời cùng một thời điểm được lắp động cơ thế hệ mới, còn xe được lắp tại Việt Nam chỉ được lắp mới khung vỏ mới còn động cơ là thế hệ cũ", vị này dẫn chứng.

Ông Dũng đề xuất nếu sửa Thông tư 20, thay vì hướng vào đối tượng được nhập khẩu thì nên điều chỉnh tiêu chuẩn của xe.

Xe bán ra thị trường phải đáp ứng các điều kiện về bảo hành và cung cấp linh kiện, có khả năng hoạt động tốt. Đơn cử như xe của Mỹ phải có cảm biến áp suất lốp còn Việt Nam không có quy định tương tự.

"Cần làm sao để người tiêu dùng có đầy đủ thông tin và có nhiều lựa chọn. Các hãng xe cần đặt riêng một dòng xe phù hợp với các điều kiện của Việt Nam.

Với những tiêu chuẩn thấp hơn, các lựa chọn bị cắt giảm rất nhiều, nó ảnh hưởng rất nhiều đến người tiêu dùng. Hãy để họ có nhiều lựa chọn hơn. Các nhà quản lý hãy cố gắng xây dựng chính sách hướng vào chất lượng xe, người tiêu dùng chứ không phải là cuộc chiến bên này bên kia", ông Dũng nói.

Trước đó, đã có nhiều quan điểm trái chiều giữa các điều kiện nhập khẩu xe thuộc Thông tư 20. Tuy nhiên, phía Bộ Công Thương cho biết vẫn đang lắng nghe ý kiến của các bên và trình Thủ tướng phương án sửa đổi. Hiện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã gửi kiến nghị lên Thủ tướng đề xuất bãi bỏ Thông tư 20.

Sau hơn 5 năm thực hiện, Thông tư 20/2011 của Bộ Công Thương quy định về việc nhập khẩu ôtô chưa qua sử dụng vào Việt Nam vừa hết hiệu lực từ 1/7 vừa qua.

Tuy nhiên, hiện cơ quan quản lý mới đang trình Chính phủ đề xuất các quy định mới thay thế văn bản này. Khoảng trống về pháp lý cũng như thời gian chờ đợi quy định mới đang khiến nhiều doanh nghiệp lúng túng, đồng thời nảy sinh những tranh cãi quyết liệt về hướng sửa đổi quy định này.

Theo nội dung trước đó của Thông tư 20, các doanh nghiệp muốn kinh doanh ôtô nhập khẩu cần có 2 loại giấy xác nhận.

Một là giấy chỉ định (giấy uỷ quyền) nhập khẩu, phân phối của chính hãng sản xuất hoặc có hợp đồng đại lý của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ôtô đó, đã được cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài hợp pháp hoá theo quy định.

Hai là giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ôtô do Bộ Giao thông Vận tải cấp.

Theo Duy Phan tổng hợp/Gia Đình Việt Nam