Theo quan niệm dân gian, hàng nằm cứ đến ngày 23 tháng Chạp, Táo quân sẽ cưỡi cá chép lên thiên đình để bẩm báo với Ngọc Hoàng mọi việc tốt xấu trong năm của từng người trong gia đình.
Cá chép được coi là “phương tiện” để ông Táo di chuyển về trời. Vì vậy, vào ngày này hàng năm, mọi gia đình lại thành kính sắm sửa lễ vật để tiễn ông Táo chầu trời.
Những ngày này, tại chợ cá làng Sở Thượng (Hoàng Mai, Hà Nội) tấp nập kẻ mua, người bán cá chép để chuẩn bị cho ngày Tết ông Công, ông Táo.
Hàng chục tấn cá vàng từ khắp các tỉnh như Phú Thọ, Nam Định, Hải Dương, Bắc Ninh… đổ về đây để phục vụ nhu cầu của người dân Thủ đô trong dịp lễ này.
Là chợ cá lớn nhất Hà Nội, chợ cá làng Sở Thượng trong những ngày giáp với Tết ông Công, ông Táo, nhiều tiểu thương tranh thủ nhập thêm cá chép vàng bán.
Cũng như mọi năm, thị trường cá chép được bán ra với hai loại là cá chép vàng và cá chép đỏ.
Theo nhiều tiểu thương, những năm gần đây, cá chép đỏ được nhiều người chọn mua hơn cá chép vàng.
Giá cả tùy theo loại cá đẹp và bình thường. Cá chép vàng loại nhỏ bán lẻ từ 10.000-25.000 đồng/con, bán buôn giá 100.000-150.000 đồng/kg, cá ngũ sắc 10.000-15.000 đồng/con.
Người mua lựa chọn những con cá khỏe...
Đa số khi mua cá chép vàng về cúng, người dân thường muốn chọn được con cá đẹp và khỏe nên phải phân loại to nhỏ khác nhau phù hợp với mức giá bán.
Theo các chủ cửa hàng kinh doanh cá chép cho biết, khách tới chợ mua đông thường từ 21 đến cuối ngày 22 tháng Chạp vì đây là chợ bán buôn.
Cá chép được bán với số lượng lớn cho các thương lái, sau đó được bán lẻ ở các chợ nhỏ trên toàn Thủ đô.
Trong ngày 21 tháng Chạp, số lượng cá chép bán ra là khoảng vài tấn.
Theo đánh giá của các tiểu thương, năm nay thị trường cá chép có vẻ không được sôi động như mọi năm. Giá cá chép cũng không có nhiều biến đổi so với năm 2016.
Theo Hà Anh/Reatimes
Like Page để nhận được nhiều thông tin tiêu dùng hữu ích 24/24h