Sử dụng nhiên liệu sạch để đun nấu (bếp điện, bếp từ)
Để có một môi trường trong lành trong chính ngôi nhà của bạn, PGS.TS Phan Thu Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai khuyên người dân nên sử dụng nhiên liệu sạch để đun nấu (bếp điện, bếp từ); hạn chế tối đa sử dụng bếp than tổ ong, phân loại rác thải tại nguồn, không vứt rác bừa bãi, không vứt rác nơi công cộng cũng góp phần hạn chế bớt nguồn thải gây ô nhiễm không khí.
Bác sĩ khuyên nên sử dụng bếp từ, bếp điện để đun nấu
Quét nhà thường xuyên, trồng cây có khả năng thải oxy ngay cả ban đêm
Nếu không có máy lọc không khí và máy điều hòa, để không khí trong nhà luôn thông thoáng, sạch sẽ, không bụi bặm, theo TS Nhiên, cần thường xuyên quét nhà, lau sàn, lau sạch bếp, hút bụi giúp ngăn chặn vi khuẩn sinh sôi.
Ngoài ra, việc trồng thêm nhiều cây xanh xung quanh nhà hoặc trong nhà cũng làm giảm thiểu các chất ô nhiễm, đặc biệt là các chất có nguồn gốc hữu cơ như: NO, CO, CO2, SO2... Đặc biệt là các loại cây có khả năng thải oxy ngay cả ban đêm như trầu bà, lưỡi hổ...
Cây trầu bà dễ trồng, có tác dụng hút khí độc
Theo NASA, bạn nên trồng một số loại cây như lô hội, cọ cảnh, thường xuân, vạn lộc... để vừa giúp làm sạch không khí, vừa giúp giảm bớt tình trạng căng thẳng, mất ngủ và tăng cường sức đề kháng cho cơ thể từ bên trong.
Dùng máy lọc không khí cũng cần lưu ý
Với việc sử dụng máy lọc không khí, TS Nhiên cho rằng, máy lọc không khí tốt cần có bộ lọc đầy đủ gồm có 3 màng lọc: màng lọc thô - lọc bụi lớn, phấn hoa...; màng thứ hai - cũng là lớp quan trọng nhất - lọc bụi mịn (bụi PM2.5) thường là loại lọc chuẩn HEPA; màng thứ ba thường là carbon hoạt tính giúp hấp thụ mùi, vi khuẩn gây hại, nấm mốc.
Trong các máy lọc không khí hiện đại thì màng lọc số 3 có thể thêm tính năng khác (công nghệ ion, công nghệ than hoạt, công nghệ chọn lọc các khói ô nhiễm độc hại như khói thuốc...). Với từng loại máy, lõi 1 và 2 thường cố định với các máy lọc khí tiêu chuẩn.
Các máy lọc không khí chỉ có tác dụng trong một phạm vi nhất định, thường trong khoảng 20-30m2. Cần chú ý sắp xếp các vật dụng trong phòng gọn gàng để tăng hiệu quả của máy. Ngoài ra, cần chú ý kiểm tra để súc rửa hoặc thay thế các màng lọc theo định kỳ hoặc màng ngoài đã bám quá nhiều bụi bẩn.
PGS.TS Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Sức khỏe lao động và môi trường, Bộ Y tế cho hay khi lựa chọn thiết bị lọc không khí, cần đáp ứng các yếu tố sau: Thứ nhất, thiết bị đó phải lọc sạch không khí theo tỉ lệ do nhà sản xuất công bố;
Thứ hai, thiết bị đó có chức năng khử mùi, khử khuẩn, vì khi xảy ra ô nhiễm thường có khả năng ô nhiễm bụi, ô nhiễm mùi và nguy cơ về nhiễm khuẩn. Ngoài ra có thể lựa chọn những thiết bị có thêm những chức năng khác như tạo độ ẩm, hẹn giờ, tuỳ theo điều kiện kinh tế của gia đình để lựa chọn.
Tuy nhiên, khi mua các thiết bị, gia đình cần mua ở các cơ sở có uy tín, có bảo hành, ngoài ra cần kiểm chứng về những thông tin mà cơ sở bán máy công bố.
Không để ngôi nhà có khói thuốc lá
Hút thuốc lá không chỉ gây ảnh hưởng mạnh tới sức khoẻ người hút mà còn tác động tới người hít phải khói thuốc. Giữ ngôi nhà không có khói thuốc là cách để đảm bảo không khí trong lành.
BS Trần Quốc Khánh, Bệnh viện Việt Đức cho rằng, để "thanh lọc" hệ hô hấp có nhiều biện pháp. Suốt một tuần sống và làm việc trong nội đô, cuối tuần người dân nên tạo thói quen ra ngoại ô, vùng biển hoặc lên núi đồi, nơi nhiều cây xanh. Nếu phải sống gần các khu công nghiệp, các nhà máy hoặc làm việc trong những môi trường nguy cơ cao bị ô nhiễm thì luôn nhớ trang bị bảo hộ lao động đúng tiêu chuẩn và tích cực kiểm tra sức khỏe định kỳ. Ngoài ra, những môn thể thao, như: Yoga, thiền… giúp cải thiện hữu hiệu đường hô hấp.