Hé lộ góc khuất ngành đăng kiểm

Khủng hoảng của ngành đăng kiểm khởi đầu từ 26/10/2022 khi CSGT TP HCM chặn một xe tải, phát hiện sai số trong dữ liệu đăng kiểm và thủ đoạn phi pháp của các trung tâm.

Trong 4 tháng, công an cả nước liên tiếp mở rộng điều tra, khám xét hơn 70 trung tâm, khởi tố gần 500 người liên quan đến sai phạm trong lĩnh vực đăng kiểm. Những người này bị khởi tố về các tội: “Môi giới hối lộ”; “Đưa hối lộ”; “Nhận hối lộ”; “Giả mạo trong công tác”; “Sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật”.

“Khủng hoảng” đăng kiểm  Cơ hội đổi mới
Nhãn

Qua điều tra, nhà chức trách đánh giá "thủ đoạn nhận hối lộ" của các trung tâm đăng kiểm khá giống nhau. Với xe không có lỗi, đăng kiểm viên sẽ gợi ý chi tiền bồi dưỡng từ 50.000 đến 200.000 đồng. Chủ xe không tham gia "luật chơi" sẽ bị gây khó dễ, kéo dài thời gian đăng kiểm.

Với phương tiện có lỗi, nếu chủ xe chịu chi tiền, nhân viên, đăng kiểm viên sẽ bỏ qua các lỗi vi phạm bằng các thủ đoạn như làm ngơ các lỗi vi phạm khi kiểm tra thủ công; cho thuê phụ tùng đảm bảo tiêu chuẩn để thay tạm khi kiểm định xe; dùng phần mềm can thiệp vào hệ thống đăng kiểm để thay đổi thông số kiểm định khí thải… Chủ xe không đồng ý chi sẽ phải đưa ôtô về sửa chữa, đạt yêu cầu mới quay lại đăng kiểm. Cuối ngày, các trung tâm tập hợp tiền nhận hối lộ, chia cho nhau theo quy ước nội bộ. Bộ Công an cho rằng số tiền nhận có thể lên tới nhiều chục tỷ đồng.

Thực tế, cuộc “đại phẫu thuật” ngành đăng kiểm cho thấy đây là những sai phạm, vi phạm mang tính hệ thống, không chỉ do thiếu kiểm tra, giám sát. Đây được coi là sai phạm nghiêm trọng nhất từ trước đến nay trong lĩnh vực đăng kiểm bị phanh phui, khi mà hai đời cục trưởng đều bị khởi tố.

Rõ ràng hệ thống đăng kiểm đang rối do có nhiều vi phạm pháp luật kéo dài mang tính hệ thống. Nhưng sai phải sửa, không thể trút gánh nặng sang cho người dân và càng không thể bao biện bằng hoàn cảnh. Chắc chắn hoạt động đăng kiểm ô tô không thể bị gián đoạn, gãy đổ chỉ vì nhiều sai phạm. Dư luận xã hội từ nhiều năm nay đòi hỏi Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng như Bộ Giao thông vận tải phải khắc phục ngay những tồn tại hạn chế.

Từ gần 20 năm nay, dư luận, các chuyện gia và một số cơ quan chức năng đã có nhiều ý kiến, đóng góp xây dựng gửi tới ngành đăng kiểm là “phải thay đổi” cho phù hợp với thời đại mới nhưng “đâu vẫn hoàn đấy”, một lĩnh vực được coi như “bất khả xâm phạm” của Bộ Giao thông vận tải từ bấy lâu nay luôn tìm lí do để “chậm thay đổi”. Cho đến khi, Bộ Công an quyết tâm vào cuộc để làm rõ những góc khuất trong ngành đăng kiểm và bắt giữ, tạm giam hàng trăm bị can, đóng cửa hàng chục trung tâm đăng kiểm trên khắp cả nước thì Bộ Giao giông vận tải mới có những biến chuyển “vì dân” nhiều hơn.

Việc hơn 400 lãnh đạo, đăng kiểm viên bị khởi tố và bắt tạm giam, đã gây ra tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nhân sự, không đáp ứng được nhu cầu của các phương tiện hết hạn đăng kiểm chỉ là một phần của hoạt động đăng kiểm nhìn rộng ra đó là câu chuyện vi phạm đạo đức công vụ nghiêm trọng của một bộ phận không nhỏ cán bộ quản lý.

Trong thực tế cũng có không ít địa phương, không ít ngành ban hành văn bản, chỉ thị hoặc đưa ra những nội quy, quy định nhằm chấn chỉnh, quy chuẩn lại đội ngũ, nhưng vì thiếu kiểm tra, giám sát, thiếu quyết liệt và xử lý vi phạm theo kiểu “nửa vời" nên sự “xộc xệch” của cán bộ, công chức “đâu lại hoàn đấy". Việc làm này đã tạo ra tiền lệ xấu trong đội ngũ cán bộ công chức, làm giảm uy tín người lãnh đạo và giảm tính nghiêm minh của pháp luật trước các vi phạm, sai phạm của cán bộ, công chức.

Nỗ lực thay đổi

Tại hội nghị tổng kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông hồi đầu tháng 2, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng đã nhìn nhận thẳng thắn về tiêu cực trong ngành đăng kiểm.
Ông cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến tiêu cực là do đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho Sở GTVT các địa phương nhưng không đi cùng giám sát, kiểm tra. Việc nở rộ các trung tâm đăng kiểm, cho thành lập các trung tâm đăng kiểm vô tội vạ dẫn đến việc một số trung tâm không đủ doanh thu để bù đắp chi phí, nên dẫn đến tiêu cực.

“Khủng hoảng” đăng kiểm  Cơ hội đổi mới
Ngày 22/3/2023, Bộ trưởng Bộ GTVT đã ban hành Thông tư số 02/2023/TT-BGTVT về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 16/2021/TT-BGTVT về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ dù có phần chậm trễ khi mà hậu quả trước đó là hết sức nghiêm trọng, nhưng xét cho cùng trong cơn khủng hoảng đăng kiểm hiện nay là cấp thiết. Đó thực sự là bước đột phá, gỡ khó cho ngành đăng kiểm trước vô vàn khó khăn; cũng là gỡ khó cho dân với việc hàng triệu người được hưởng lợi.

Theo tính toán của Cục Đăng kiểm Việt Nam, số xe được giãn chu kỳ kiểm định sau khi sửa đổi, bổ sung Thông tư 16 vào khoảng 3.073.629 xe. Riêng số ô tô mới năm 2022, khoảng 455.000 xe; năm 2023, có khoảng 500.000 xe mới được miễn kiểm định lần đầu. Đó là con số cực lớn, đặc biệt ý nghĩa khi mà hoạt động đăng kiểm suốt thời gian qua trục trặc, ùn ứ số xe phải đăng kiểm, khiến các chủ xe bất an. Việc thông thoáng thủ tục về lâu dài còn hạn chế được tiêu cực, chặn nạn vòi vĩnh, đòi lót tay, bôi trơn…

Luật sư Nguyễn An Bình, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội, nhìn nhận, cách tiếp cận của Thông tư 02 đã theo sát thông lệ quốc tế, cập nhật kinh nghiệm chu kỳ kiểm định của các nước và phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Chỉ riêng chính sách miễn kiểm định lần đầu đối với ôtô mới, mỗi năm, có thể giúp tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng cùng với thời gian, công sức của nhiều người. Thực tế, trước đây, việc miễn đăng kiểm lần đầu với các phương tiện chưa qua sử dụng đã được đưa ra bàn bạc, phân tích, tranh luận khá nhiều. Thông tư 02 ra đời với các nội dung mới sẽ là căn cứ pháp lý cụ thể, rõ ràng bảo đảm hoạt động của các chủ thể liên quan trong hoạt động kiểm định.

Cơ hội “lột xác” sau khủng hoảng

Tuy nhiên, trong bối cảnh chung hiện nay, việc ban hành một thông tư sẽ không thể giải quyết rốt ráo được vấn đề. Việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật mới về đăng kiểm nên và cần thiết phải có sự so sánh, tham khảo các quy định của các quốc gia trong khu vực, cả về thủ tục và các nguyên tắc hoạt động kiểm định, loại bỏ các quy định cảm tính, chỉ chấp nhận các quy định, tiêu chuẩn có tính định lượng, khoa học. Các quy định mới cũng cần có cách tiếp cận khác, như thế giới đang làm, và như cách tiếp cận hiệu quả của hệ thống pháp luật về kiểm soát chất lượng sản phẩm của chính nước ta vốn đã thay đổi vài chục năm nay.

Thay vì quản lý, soi xét việc kiểm định từng chiếc xe, từng sản phẩm, xây dựng các văn bản pháp luật kiểm soát quy trình và hoạt động của các đơn vị thực hiện, cung cấp các dịch vụ kiểm định. Việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật mới như vậy, bởi những con người vốn đứng sau các văn bản pháp lý hiện hữu, với đầy rẫy các yếu tố tham nhũng chính sách, chắc chắn chẳng thể nhanh được, kể cả khi áp dụng các quy trình rút gọn.

Chính phủ có lẽ cũng cần và nên có yêu cầu phải xây dựng một hệ thống các văn bản đồng nhất, hiệu quả về kiểm định kỹ thuật và kiểm định khí thải với các loại phương tiện. Không nên để tình trạng các quy định cơ bản về đăng kiểm thì được quy định bởi một thông tư của Bộ Giao thông Vận tải, trong khi điều kiện về doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đăng kiểm thì quy định bởi nghị định.

Cần thiết và nên có một nghị định về đăng kiểm với đầy đủ các quy định về hoạt động kiểm định, với nguyên tắc rõ ràng là tách bạch hoạt động quản lý nhà nước và dịch vụ, ngăn chặn các yếu tố tham nhũng chính sách ngay từ khi xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Cũng cần có cái nhìn rộng hơn - đó là cùng với “khủng hoảng” sẽ là cơ hội để lĩnh vực đăng kiểm “lột xác”.

Để thực hiện được điều này, có ý kiến cho rằng, bản chất của dịch vụ đăng kiểm là dịch vụ công nên doanh nghiệp có thể cung cấp dịch vụ trên cơ sở đáp ứng các điều kiện mà cơ quan chức năng đưa ra. Do đó, có thể nghiên cứu các điều kiện cần thiết để các cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa ô tô thực hiện việc đăng kiểm nếu đáp ứng đủ các điều kiện.

Đại diện Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cũng cho rằng, cần tiếp tục chủ trương xã hội hóa dịch vụ đăng kiểm, đồng thời nâng cao vai trò quản lý Nhà nước đối với dịch vụ kiểm định, nhất là các sở GTVT. Sở GTVT phải tham gia vào quá trình cho phép thành lập mới các cơ sở kiểm định; phải tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động kiểm định trên địa bàn vì chỉ có cơ quan này mới có lực lượng thanh tra đủ và có thẩm quyền để thanh tra, kiểm tra, giám sát.

Thông tư 02/2023/TT-BGTVT được ban hành theo trình tự rút gọn là cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tế. Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt hiện nay là công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đăng kiểm còn bị buông lỏng.

Để khắc phục tình trạng này, trước tiên phải tách bạch khâu quản lý Nhà nước và dịch vụ đăng kiểm. Vai trò quản lý Nhà nước phải phân định rõ. Phải xác định vấn đề quan trọng nhất đối với cơ quan quản lý Nhà nước ở tầm vĩ mô là xác định vai trò quản lý của các cục quản lý chuyên ngành. 

Đặc biệt, phải làm rõ trách nhiệm của cơ quan tổ chức và người đứng đầu vì không thể có chuyện những sai phạm như vậy lại có thể diễn ra trong một thời gian dài, trên một phạm vi rộng.

Theo thuongtruong.com.vn

Nguồn: https://thuongtruong.com.vn/news/co-hoi-de-nganh-dang-kiem-lot-xac-sau-khung-hoang-100495.html