Đại diện Báo GD&TĐ nêu 4 vấn đề, 12 câu hỏi về dấu hiệu tội phạm của bà Nguyễn Thị Thúy Hồng, nguyên Trưởng cơ quan thường trú của Báo tại Đà Nẵng và bà Trương Thị Ngọc Lan, kế toán văn phòng; cũng như những vi phạm các quy định trong Bộ Luật TTHS của CQĐT, nhưng Đại tá Trần Phước Hương - Trưởng Công an quận Hải Châu không giải đáp được như đã hứa. Nhiều mâu thuẫn kỳ lạ trong việc giải trình của CQĐT khiến dư luận hết sức nghi ngờ về cách đánh giá tài liệu, chứng cứ trong quá trình xử lý đơn tố giác tội phạm.

Phát biểu của ông Triệu Ngọc Lâm - TBT Báo Giáo dục và Thời đại tại buổi làm việc với CQĐT.
Đại tá Trần Phước Hương – Trưởng CAQ. Hải Châu chủ trì cung cấp thông tin với báo chí.

Đã quá thời hạn vẫn tiếp tục xác minh

Chiều 7/10/2019, trước thông tin phản ảnh về việc CAQ Hải Châu vi phạm về thời hạn xử lý đơn tố giác về tội phạm và có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm”, Đại tá Trần Phước Hương, Trưởng CA quận Hải Châu đã có buổi làm việc với Báo GD&TĐ và nhiều cơ quan báo chí khác.

Cuộc họp này, CQĐT thông tin về các vấn đề liên quan tới việc Báo Giáo dục & Thời đại tố giác hành vi của bà Nguyễn Thị Thúy Hồng, sinh năm 1959, trú tại 22 Phạm Tứ, phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, nguyên Trưởng văn phòng Đại diện Báo GD&TĐ tại Đà Nẵng và bà Trương Thị Ngọc Lan, sinh năm 1977, trú tại 71/18 Trần Cao Vân, phường Tam Thuận, quận Thanh Khê, kế toán kiêm thủ quỹ văn phòng về hành vi có dấu hiệu tham ô tài sản nhà nước.

Theo Đại tá Trần Phước Hương và Thượng tá Đặng Bảo Tùng – Phó trưởng CAQ Hải Châu, sau khi nhận đơn, CQĐT đã tiến hành xác minh 4 nội dung mà báo GD&TĐ đề nghị theo quy trình xác minh tố giác tội phạm.

Cụ thể, Tổng Biên tập  Báo GD&TĐ  kiến nghị CQĐT làm rõ việc người ký nhận tiền khác với người nhận tiền trên chứng từ của các khoản chi của Văn phòng trong khoảng thời gian từ 2009 đến 2013; chi phí mâu thuẫn về nội dung chứng từ kèm theo; việc ký chi lương cho chồng bà Hồng hàng tháng khi không có hợp đồng của Ban Biên tập; một số khoản chi không có hóa đơn chứng từ kèm theo như điện, nước, điện thoại, cước bưu cục… với số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng.

Theo CQĐT, về nội dung chi lương thường xuyên cho cộng tác viên Nguyễn Thanh Huế (chồng của bà Hồng) mỗi tháng khi không có hợp đồng với Ban Biên tập, kết quả xác minh bước đầu cho thấy các Tổng Biên tập tiền nhiệm của ông Lâm khai nhận có việc ký hợp đồng và thanh lý hợp đồng với ông Huế.

Về vấn đề này, CQĐT tiếp tục xác định sự trung thực của các lời khai trên cũng như chứng minh các hành vi chiếm đoạt như thế nào để có kết luận cuối cùng. Tuy nhiên CQĐT cũng khẳng định các bên liên quan không đưa ra được bản hợp đồng nào thể hiện việc Báo có ký hợp đồng cộng tác viên đối với ông Huế.

Bên cạnh đó, Thượng tá Đặng Bảo Tùng khẳng định, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong vụ việc này, CQĐT sắp tới sẽ tiến hành nhiều biện pháp nghiệp vụ để xác định vụ việc một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, nhằm chứng minh tội phạm và người phạm tội, quyết tâm không để lọt tội phạm và oan sai cho người vô tội. Hiện vẫn chưa kết luận được là bà Hồng và bà Lan có phạm tội hay không.

Điều kỳ lạ là cho đến nay, CQĐT vẫn chưa có quyết định phục hồi xử lý đơn tố giác tội phạm thì căn cứ pháp lý nào để tiếp tục xác minh như phát ngôn của ông Đặng Bao Tùng? Hơn nữa, đơn tố cáo của báo GD&TĐ đã gửi từ ngày 20/11/2018 cho đến nay mà CQĐT vẫn chưa có kết luận cuối cùng thì trách nhiệm này thuộc về ai? Việc vi phạm Luật TTHS của CQĐT Công an Hải Châu sẽ được xử lý thế nào? Hơn nữa ông Tùng cũng chưa cam kết được rằng bao giờ sẽ có kết luận cuối cùng liên quan tới nội dung tố cáo.

Những biểu hiện bất thường của CQĐT

Thượng tá Đặng Bảo Tùng thông tin kết quả xác minh ban đầu về vụ việc.

Phát biểu trong buổi làm việc với CQĐT CAQ Hải Châu, ông Triệu Ngọc Lâm – Tổng Biên tập Báo Giáo dục & Thời đại cho rằng đây không phải vấn đề nội bộ của tòa soạn mà là việc bảo vệ, thu hồi tài sản nhà nước đã bị xâm phạm. Ông Lâm khẳng định việc trả lời của Thượng tá Đặng Bảo Tùng như trên là chưa thỏa đáng và chưa kết luận được điều gì trước nội dung tố cáo của tòa soạn. Việc CQĐT chỉ dựa vào lời khai của những người có trách nhiệm trong việc buông lỏng quản lý dẫn tới việc bà Hồng và bà Lan có cơ hội chiếm đoạt tiền nhà nước để bước đầu cho rằng chưa có căn cứ xử lý sai phạm là không thỏa đáng. Khi không đưa ra cho CQĐT bất cứ bản hợp đồng hay quyết định nào của lãnh đạo báo cho phép việc trả lương thường xuyên hàng tháng cho ông Huế thì lời khai của những người này là vô căn cứ. Việc bà Hồng đã tự ý dùng tiền ngân sách chi trả lương cho chồng mình trong suốt thời gian 5 năm là chiếm đoạt tài sản nhà nước.

Tổng Biên tập Triệu Ngọc Lâm khẳng định, Báo GD&TĐ  đã giao nộp cho Cơ quan Điều tra cuốn sổ văn thư viết tay thể hiện từ thời điểm năm 2005 đến năm 2015, không có văn bản nào thể hiện việc ký hợp đồng hoặc quyết định trả lương hàng tháng cho ông Huế của lãnh đạo báo qua các thời kỳ. Ông Lâm cũng đề nghị Cơ quan điều tra cần phải xem xét hành vi buông lỏng quản lý trong giai đoạn này, để cho bà Hồng tự ý trả lương cho chồng mình nếu những người liên quan vẫn tiếp tục khai báo gian dối về việc này.

Về vấn đề bà Hồng và bà Lan có dấu hiệu chiếm đoạt số tiền chênh lệch giữa các phiếu chi tiền điện, nước, điện thoại và các chi phí khác ở văn phòng và hóa đơn thực tế phát sinh, CQĐT cũng có nhiều lập luận đáng ngạc nhiên…Do đó, ông Lâm đề nghị cơ quan điều tra cần phải làm rõ vì sao trong hồ sơ có đến 206 phiếu chi do bà Hồng ký không có bất cứ một chứng từ gốc nào kèm theo.

Theo ông Lâm, lý do không có hóa đơn, chứng từ gốc này là vì bà Hồng và bà Lan đã phối hợp với nhau để chiếm đoạt khoản tiền chênh lệch. Trên thực tế, có những tháng tiền điện thoại bàn của văn phòng chỉ thực chi theo hóa đơn bưu điện không đến 200.000 đồng nhưng tháng nào trong suốt thời gian bà Hồng phụ trách văn phòng, bà Lan làm thủ quỹ kiêm kế toán mỗi tháng tiền điện thoại vẫn được chi đều đặn 1 triệu đồng (trong khi cơ quan khoán 700 nghìn/ tháng). Tiền điện, tiền nước, tiền chi phí văn phòng, tiền nhuận bút, tiền công tác phí cũng có những dấu hiệu bị chiếm đoạt như vậy.

Đại diện Báo GD&TĐ chất vấn CQĐT rằng, khoản tiền chênh lệch giữa phiếu chi và hóa đơn gốc đã đi đâu? Tài sản nhà nước có bị chiếm đoạt hay không? Nếu không phải bà Hồng và bà Lan thì ai là thủ phạm tư túi tiền nhà nước? Theo quy định của pháp luật, tất cả các khoản này phải chi theo thực tế phát sinh được thể hiện trên hóa đơn. Việc bà Hồng ký phiếu chi các khoản thanh toán trong nhiều năm liền mà không có hóa đơn, không có chứng từ gốc kèm theo với các khoản tiền lớn hơn thực tế phát sinh, rõ ràng có dấu hiệu của sự chiếm đoạt.

Ngoài ra, trên rất nhiều phiếu chi nhuận bút cho cộng tác viên của báo ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên, do bà Hồng ký duyệt thì bà Lan là người ký nhận. Khoản tiền từ các phiếu chi này có năm lên đến gần 100 triệu đồng. Ông Lâm kiến nghị cơ quan điều tra cần phải làm rõ, số tiền nhuận bút ấy đã đến được tay người nhận hay chưa? Cụ thể là những ai nhận, ai chưa được nhận? Và số tiền chưa chi cho cộng tác viên thì hiện ai là người chiếm đoạt, sử dụng trái phép?

Vì những khuất tất trên đây, ông Triệu Ngọc Lâm – Tổng Biên tập Báo Giáo dục & Thời đại cho rằng cơ quan điều tra – CAQ Hải Châu phải tiếp tục làm rõ những hành vi có dấu hiệu tham ô của bà Nguyễn Thị Thúy Hồng và bà Trương Thị Ngọc Lan theo đơn tố giác về tội phạm này. Báo GD&TĐ kiến nghị CQĐT khắc phục ngay những vi phạm Bộ Luật TTHS và khẩn trương ra quyết định phục hồi việc xử lý đơn tố giác tội phạm.

Trước chất vấn của Tổng Biên tập Báo GD&TĐ, ông Trần Phước Hương không trả lời bất cứ câu hỏi nào của tòa soạn. Tuy nhiên ông Hương cũng khẳng định CQĐT sẽ tiếp tục làm rõ việc bà Hồng và bà Lan có phạm tội hay không. Việc điều tra vẫn tiếp tục diễn ra với sự giám sát của Viện KSND quận Hải Châu. Ông Hương cho rằng sẽ có kết luận sớm nhất về vấn đề này và chịu trách nhiệm trước quyết định của mình.

Ngày 20/11/2018, Báo GD&TĐ đã có đơn tố giác về tội phạm bằng văn bản số 836/GD&TĐ, đề nghị Công an TP Đà Nẵng xử lý hành vi của bà Nguyễn Thị Thúy Hồng, sinh năm 1959, trú tại 22 Phạm Tứ, phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, nguyên Trưởng văn phòng Đại diện Báo Giáo dục & Thời đại tại Đà Nẵng và bà Trương Thị Ngọc Lan, sinh năm 1977, trú tại 71/18 Trần Cao Vân, phường Tam Thuận, quận Thanh Khê, kế toán kiêm thủ quỹ văn phòng về hành vi có dấu hiệu tham ô tài sản nhà nước với số tiền hàng trăm triệu đồng.

Đơn tố giác về tội phạm này đã được Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng và buôn lậu (PC03), Công an TP. Đà Nẵng thụ lý. Sau đó, vì lý do phân cấp điều tra, vụ việc đã được chuyển đến CAQ Hải Châu, TP. Đà Nẵng thực hiện việc điều tra. Cho đến thời điểm này, CQĐT Công an quận Hải Châu đã có nhiều dấu hiệu vi phạm điều 147 quy định về thời hạn xử lý đơn tố giác tội phạm cũng như điều 149 về việc tạm đình chỉ xử lý đơn tố giác tội phạm của Bộ Luật TTHS.


Theo PV/Đô Thị Mới