Vi phạm tràn lan
Thị trường TPCN đã và đang còn tồn tại nhiều vấn đề nhức nhối, đặc biệt là những vi phạm về quảng cáo. Điển hình là trường hợp quảng cáo sản phẩm Hoàng Thống Phong của Công ty TNHH dược phẩm Á Âu có địa chỉ 171 -173 phố Chùa Láng, Đống Đa, Hà Nội.
Cụ thể, theo điều tra của PV, hiện trên website http://duocphamaau.com/ của Công ty TNHH dược phẩm Á Âu hiện có đăng tải video quảng cáo cho sản phẩm TPCN Hoàng Thống Phong mà thoạt nghe sẽ rất nhiều người nhầm lẫn đây là một loại thuốc. Đoạn hội thoại quảng cáo có nội dung như sau:
"Từ xa xưa, cơn gout cấp hay còn gọi là thống phong được ví như cơn đau của vua, vua của đau. Phòng ngừa sự tái phát các cơn đau do gout, hỗ trợ giảm axit uric máu, hỗ trợ tăng cường chức năng gan thận. TPCN Hoàng Thống Phong - tôi không sợ gout".
Rõ ràng, nội dung kịch bản quảng cáo này đã đưa Hoàng Thống Phong – thực tế là một loại TPCN, không phải là thuốc chữa bệnh gout – có thể hiểu nhầm rằng, đây là một loại thuốc.
Bởi, theo Nghị định số 181/2013/NĐ-CP của Chính phủ, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo, khi tiến hành quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng bắt buộc phải có nội dung khuyến cáo "Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh". Tuy nhiên trong nội dung quảng cáo sản phẩm TPCN Hoàng Thống Phong hoàn toàn không đề cập đến nội dung này.
Chưa hết, trên website này còn đăng tải nhiều câu hỏi của khách hàng và phần tư vấn của các "chuyên viên cơ xương khớp". Đáng chú ý, có nhiều khách hàng đặt câu hỏi như: "Tôi đã uống được 5 hộp thuốc Hoàng Thống Phong rồi ..."; "Tôi muốn hỏi mua thuốc Hoàng Thống Phong có trị dứt điểm được không ..."...
Đáp lại các các câu hỏi trên, "chuyên viên cơ xương khớp" của Công ty TNHH dược phẩm Á Âu hoàn toàn không có một lời giải thích và khẳng định với khách hàng đây không phải là loại thuốc chữa bệnh. Việc đăng tải các câu hỏi này của khách hàng có thể gây hiểu lầm cho những khách hàng khác đọc được.
Rõ ràng, điều này đã vi phạm Thông tư số 08/2013/TT-BYT ngày 13 tháng 03 năm 2013 Bộ Y tế Hướng dẫn về quảng cáo thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế.
Cụ thể, khoản 3, Điều 3: Các hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo thực phẩm của Thông tư này quy định: Cấm quảng cáo thực phẩm chức năng có tác dụng như thuốc chữa bệnh.
Cần bác sỹ chuyên khoa tư vấn, theo dõi
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Mạnh (53 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) – một bệnh nhân bị gout cho biết: “Tôi bị bệnh đã gần 10 năm, chữa nhiều nơi nhưng bị bệnh guot mà ăn nhậu thoải mái thì quả là điều vô lý. Bản thân tôi hàng ngày phải kiêng khem khổ sở, tích cực tập luyện, ăn uống điều độ theo đúng sự chỉ dẫn của bác sỹ vẫn chưa đỡ được bao nhiêu”.
Theo Th.s. Bác sỹ. Vũ Xuân Tuấn, Bệnh viện Bưu Điện thì bệnh gout là bệnh viêm khớp gây ra bởi sự lắng đọng của tinh thể urat ở phần sụn khớp, gân, mô.
Nguyên nhân là do ăn thừa chất đạm (purin) như ăn nhiều thịt, các loại cá như cá hồi, cá thu, tôm, cua… Liên quan giữa rượu, bia và bệnh Gút đã được nói đến từ thời xa xưa, trong đó bia là yếu tố nguy cơ mạnh nhất nhất với bệnh Gút. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra có tới 75-84% bệnh nhân Gút uống rượu bia thường xuyên trung bình từ 7-10 năm.
“Đặc biệt, uống bia làm tăng gấp đôi nguy cơ đối với những người dễ mắc bệnh gout. Lúc này, bia sẽ là chất xúc tác mà khi người bệnh uống nó không chỉ làm tăng mức độ uric acid mà còn ngăn cản cơ thể loại bỏ chất này ra khỏi cơ thể. Rượu cũng không tốt cho tất cả mọi người và đặc biệt đối với những người mắc bệnh gout. Chính vì vậy, phải kiêng rượu, bia hoàn toàn.” bác sỹ Tuấn khuyên.
Cũng theo bác sỹ Tuấn, ngoài việc điều chỉnh bằng chế độ ăn cần tránh béo phì, tránh dùng các thuốc làm tăng acid uric máu như lợi tiểu hypothyazid, lasix; thuốc corticoid; aspirin, ethambutol, một số thuốc điều trị ung thư.
Do đó, người mắc bệnh gút cần được thầy thuốc chuyên khoa tư vấn, theo dõi, đặc biệt ở giai đoạn sớm để ngăn bệnh tiến triển thành mạn tính, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống người bệnh./.
Công ty TNHH Dược phẩm Á Âu từng bị Thanh tra Bộ TT&TT xử phạt 25 triệu đồng vì vi phạm quảng cáo các sản phẩm thực phẩm chức năng: Cốt Thoái Vương, Ích Giáp Vương, Nattospes, Ích Thận Vương… trên trang web: duocphamaau.com. Ngày 6/2/2015, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), cho biết vừa xử phạt vi phạm hành chính tám cơ sở vi phạm về quảng cáo Thực phẩm chức năng với tổng số tiền phạt 130 triệu đồng. Trong đó, có Công ty TNHH Dược phẩm Á Âu bị xử phạt do lỗi quảng cáo khi chưa được cơ quan có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi quảng cáo. |
Tiêu dùng + sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này./.