Cụ thể, liên quan đến việc một khách hàng tại Đà Nẵng phản ánh về vấn đề bảo hành bồn nước inox Sơn Hà, Công ty Cổ phần Quốc tế Sơn Hà xác nhận có trường hợp trên đồng thời cung cấp những thông tin chính thức cho cơ quan báo chí xung quanh sự việc này.
Được biết, ngày 24/01/2019, khách hàng H.P (Đà Nẵng) đã mua 02 bồn nước inox Sơn Hà loại ngang 2.000 lít (SHN2000F1140) tại đại lý Bông Mỹ (Quận Sơn Trà, Đà Nẵng). Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng (sau 6 tháng), do phát hiện lỗi rò rỉ nước nên ngày 26/6/2019, chị P. đã báo lên đại lý để được bảo hành. Tối ngày 26/6/2019, đại lý đã báo lên chi nhánh Sơn Hà tại Đà Nẵng.
Đến ngày 27/6/2019, chi nhánh Sơn Hà tại Đà Nẵng nhận được thông tin bảo hành và đã cử nhân viên xuống trực tiếp kiểm tra sản phẩm ngay trong ngày. Qua kiểm tra lần 1, sản phẩm được xác định bị 2 lỗi: ố vàng tại đường hàn và đáy bồn (nguyên nhân do nguồn nước có phèn, nhưng chưa gây rò rỉ) và lỗi rò nước do nứt lơ xả đáy 27 (nhận định của nhân viên bảo hành: lắp đặt của thợ điện nước nhà khách hàng chưa đúng kĩ thuật, gây nứt). Vì vậy, nhân viên bảo hành của Sơn Hà đã kiến nghị phương án xử lý: vệ sinh, quét keo bảo vệ phần đường hàn và thay lơ mới, đảm bảo sản phẩm không bị rò nước. Tuy nhiên, khách hàng không đồng ý với phương án giải quyết mà đề nghị đổi bồn nước inox mới.
Theo đại diện Công ty Cổ phần quốc tế Sơn Hà, tới ngày 28/6/2019, chi nhánh đã đồng ý với phương án đổi mới, tuy nhiên, khách hàng lại thay đổi mong muốn xử lý vụ việc, đề nghị Công ty đến làm việc vào ngày 29/6 để lấy lại sản phẩm và hoàn tiền. Ngày 29/6/2019, nhân viên bảo hành Sơn Hà tiếp tục đến làm việc lần 2 nhằm thỏa thuận thu hồi lại sản phẩm và hoàn tiền. Tuy nhiên, khách hàng không đồng ý thu hồi ngày hôm đó và đề nghị bồi thường thêm tiền vật tư, nước thất thoát, nhân công… (cùng với tiền mua sản phẩm mới).
Đại lý và khách hàng tiếp tục thỏa thuận với nhau về phương án bồi thường thêm tiền này. Đến ngày 03/7/2019, khách hàng hẹn ngày 04/7/2019 đến hạ bồn và thanh toán chi phí. Ngày 04/7/2019, nhân viên bảo hành đến theo hẹn để tháo bồn thì khách hàng tiếp tục đưa ra danh sách tiền cần bồi thường. Nhân viên bảo hành đề nghị được kiểm tra các yêu cầu bồi thường nhưng không được chấp nhận. Khách hàng từ chối liên lạc tiếp với nhân viên bảo hành của Sơn Hà.
Tính đến thời điểm này, chi nhánh Sơn Hà tại Đà Nẵng và khách hàng (chị P.) chưa thống nhất được phương án giải quyết nên khiến khách hàng bức xúc, phản ánh lên các cơ quan báo chí để mong được đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng.
Được biết đến là một trong những doanh nghiệp cung cấp sản phẩm bồn nước uy tín trên thị trường nhưng việc Công ty Cổ phần Quốc tế Sơn Hà để xảy ra sai sót kỹ thuật, thực tế sử dụng tỉ lệ nghịch với cam kết, chính sách hậu mãi của các đại lý phân phối chưa tốt, ảnh hưởng đến quyền lợi trực tiếp của khách hàng dẫn đến việc doanh nghiệp này bị "mất điểm" với người tiêu dùng.
Chúng tôi đề nghị Công ty Cổ phần Quốc tế Sơn Hà nói chung và chi nhánh Đà Nẵng nói riêng có động thái rõ ràng, giải quyết dứt điểm sự việc trên để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
Trước đó, theo phản ánh của khách hàng, mặc dù đã bỏ 12 triệu đồng để mua hai chiếc bồn inox chứa nước của Công ty Cổ phần Quốc tế Sơn Hà nhưng sau thời gian ngắn sử dụng đã có hiện tượng rò rỉ nước và bên trong bồn đã xuất hiện những vết ố vàng, điều này đã gây ra vấn đề chất lượng nước không đảm bảo cho người dân sinh hoạt.
Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin./.
Căn cứ theo Điều 8, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định về quyền của người tiêu dùng quy định người tiêu dùng có 8 quyền cơ bản sau đây: 1. Được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp. 2. Được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch và thông tin cần thiết khác về hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng đã mua, sử dụng. 3. Được lựa chọn hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ theo nhu cầu, điều kiện thực tế của mình; quyết định tham gia hoặc không tham gia giao dịch và các nội dung thỏa thuận khi tham gia giao dịch với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. 4. Được góp ý kiến với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ về giá cả, chất lượng hàng hóa, dịch vụ, phong cách phục vụ, phương thức giao dịch và nội dung khác liên quan đến giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. 5. Được tham gia xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. 6. Được yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết. 7. Được khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan. 8. Được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn kiến thức về tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ. |