Công ty Tây Hồ báo cáo thành phố thế nào?
Mặc dù chính quyền sở tại và chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đô thị Tây Hồ mới đang tổ chức lấy ý kiến cộng đồng, về việc nghiên cứu đề xuất dự án Bãi đỗ xe ngầm tại một phần phía Đông Bắc Công viên Cầu Giấy có kết hợp dịch vụ thương mại - gọi tắt là Dự án,nhưng đã vấp phải sự phản ứng quyết liệt của người dân.
Họ lo ngại việc “xẻ thịt” Công viên Cầu Giấy sẽ tác động tiêu cực đến môi trường, cảnh quan đô thị và đời sống người dân. Trong khi đó, trên địa bàn thành phố đang có hàng loạt bãi đỗ xe “chết yểu” hàng chục năm không triển khai và bị biến tướng sử dụng đất sai mục đích.
Trước sự phản đối gay gắt của người dân, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đô thị Tây Hồ - gọi tắt là Công ty Tây Hồ cho rằng việc này là vì “lợi ích nhóm”. Điều này càng khiến cho những tranh luận giữa người dân và chủ đầu tư trở lên “nóng” hơn. Cụ thể, Công ty Tây Hồ đã gửi báo cáo tới lãnh đạo Thành ủy, UBND TP. Hà Nội nhờ ngăn chặn, xử lý các đối tượng phản đối, gây cản trở dự án xây dựng bãi đỗ xe ngầm tại Công viên Cầu Giấy.
Báo cáo nêu rõ, việc triển khai đầu tư xây dựng bãi đỗ xe ngầm tại Công viên Cầu Giấy là để khắc phục tình trạng thiếu chỗ đỗ ôtô của người dân, giảm thiểu ùn tắc, ô nhiễm môi trường và đúng chủ trương của TP. Hà Nội. Đơn vị này cũng khẳng định sau gần 1 tháng lấy ý kiến, đa phần các tổ chức, cá nhân và người dân đều ủng hộ và mong sớm triển khai nhanh Dự án.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dự án có nhiều người chống đối. Công ty Tây Hồ cho rằng một số cá nhân trong Ban quản trị tòa nhà N0-10, N08B, N04-B1, N04-B2... đứng sau việc phản đối vì lợi ích nhóm khi đang sử dụng hành lang, vỉa hè, lòng đường, khu vui chơi của cư dân làm nơi mở quán ăn, trông giữ xe thu phí trái phép, bừa bãi.
“Những người này khi thấy dự án xây dựng bãi đỗ xe ngầm thì sẽ không được trông giữ xe và thu phí trái phép nữa nên đã có hành vi chống đối. Họ tổ chức phát tán tờ rơi kêu gọi phản đối, viết đơn kêu gọi cùng khiếu kiện…”, văn bản báo cáo nêu.
Công ty Tây Hồ cũng cho rằng, dự án bãi đỗ xe nổi (5 tầng) cạnh tòa nhà N09-B1 là sai phép trên vườn hoa tòa nhà. Do đó, cư dân không thể cho rằng có bãi đỗ này mà không cần bãi đỗ xe ngầm nữa. Từ đây, Công ty này đề nghị UBND TP. Hà Nội, các cơ quan công an và chính quyền địa phương ngăn chặn các đối tượng xấu đang trực tiếp thực hiện và kích động cư dân, gây mất ổn định và cản trở tiến trình đầu tư dự án.
Tuy nhiên, ngay sau khi nắm bắt được những nội dung trong báo cáo trên của Công ty Tây Hồ, người dân đã bày tỏ sự không đồng tình. Cùng với đó họđề nghị được làm rõ và sau đó UBND phường Dịch Vọng đã phải tổ chức cuộc họp 3 bên, vào ngày 23/3/2019. Đến nay, câu chuyện tranh cãi về việc thực hiện Dự án vẫn chưa đến hồi kết.
Xây bãi đỗ xe ngầm để “hoàn thiện hạ tầng khu đô thị”?
Có thể nói, kể từ khi Khu đô thị mới Dịch Vọng được triển khai đầu tư xây dựng và sự xuất hiện của Công viên Cầu Giấy đã đem lại bộ mặt sáng sủa cho địa phương. Thế nhưng, những năm qua nhiều nhà cao tầng mọc lên, cộng với các khu dân cư bao quanh phần nào khiến không gian khu vực này trở lên chật chội.
Nhiều người dân chia sẻ, Công viên Cầu Giấy nằm giữa khu đô thị nhiều năm qua đã góp phần giải tỏa bớt áp lực. Công viên không chỉ là nơi vui chơi giải trí cho người dân phường Dịch Vọng mà cả các vùng lân cận. Chính vì vậy, việc Công ty Tây Hồ được chấp thuận cho nghiên cứu, đề xuất Dự án đã vấp phải sự phản đối của người dân.
Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên một dự án xây dựng bãi đỗ xe ngầm kết hợp dịch vụ thương mại muốn xén đất công viên, vườn hoa và tạo ra cuộc tranh luận gay gắt. Đặc biệt, việc thực hiện dự án liên quan đến các vấn đềđiều chỉnh quy hoạch và có nguy cơ tác động tiêu cực đến hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội khu vực.
Trả lời PV Reatimes, ông Bùi Đắc Huy - Chánh văn phòng Công ty Tây Hồ cho biết, do quy mô các dự án đã nằm trong quy hoạch không đáp ứng yêu cầu nên đơn vị này đã xin xén công viên làm bãi đỗ xe ngầm. “Việc xây dựng bãi đỗ xe ngầm đòi hỏi có diện tích lớn. Các ô đất quy hoạch không đáp ứng được”, ông Huy cho hay.
Trao đổi về những ý kiến trái chiều trong các nội dung trong báo cáo mà Công ty Tây Hồ gửi thành phố, ông Huy cho biết: “Sau khi nghe thông tin từ người dân xung quanh và tìm hiểu cũng không phức tạp lắm. Trước mắt nghe người dân nói, công ty báo cáo nhờ chính quyền kiểm tra giúp thôi”.
Lý giải về những nội dung cho rằng việc phản đối là vì "lợi ích nhóm", ông Huy cho hay, theo đồ án quy hoạch bến, bãi đỗ xe, thì trong vòng bán kính 500m không cho phép khai thác sử dụng các bãi đỗ xe, điểm đỗ xe tạm thời ở lòng đường, hoặc vỉa hè. Vì thế, sau khi đơn vị xây xong bãi đỗ xe ngầm, thì xung quanh các bãi đỗ xe tự phát không hoạt động được nữa, nên sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của những người dân đang kinh doanh bãi đỗ xe tự phát.
“Nhà đấy (nhà để xe 5 tầng được nhắc trong báo cáo - PV) đáp ứng nhu cầu khu đó, cũng tốt vì không còn lộn xộn. Chỉ có dưới chân mấy khu quanh tòa nhà xe đỗ lộn xộn, phương tiện đi lại khó khăn”, ông Huy nói thêm.
Theo tìm hiểu được biết, trước đó Công ty Tây Hồ đã xin đầu tư xây dựng bãi đỗ xe ngầm phía dưới công viên cây xanh trong các khu đô thị tại quận Cầu Giấy và quận Thanh Xuân. Sau đó, UBND Thành phố đã đồng ý về chủ trương giao Công ty Tây Hồ nghiên cứu đề xuất dự án đầu tư xây dựng 5 bãi đỗ xe ngầm (trong đó có bãi đỗ xe ngầm tại Công viên Trung Yên – nay được đổi vị trí tại Công viên Cầu Giấy). Ngoài ra, đơn vị này còn đang triển khai thi công xây dựng dự án bãi đỗ xe ngầm tại phường Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).
“Mấy bãi đỗ xe ngầm bên quận Thanh Xuân công ty chúng tôi đang thiết kế, xong thì sẽ thi công. Đây (dự án Bãi đỗ xe ngầm tại một phần phía Đông Bắc Công viên Cầu Giấy có kết hợp dịch vụ thương mại – PV) là dự án thiên về hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho khu đô thị. Còn bên bãi đỗ xe ngầm tại Mễ Trì Hạ đang triển khai, cơ bản đã hoàn thiện”, ông Huy thông tin.
Theo tìm hiểu của PV Reatimes, Công ty Tây Hồ được đăng ký lần đầu ngày 18/3/2016 (đăng ký thay đổi lần thứ 3 ngày 12/3/2018). Ông Chu Văn Lý là Chủ tịch HĐQT và ông Lê Quang Trường là Giám đốc công ty. Công ty Tây Hồ có tổng vốn điều lệ 255 tỷ đồng. Đáng lưu ý, số lượng lao động mà công ty đăng ký chỉ vỏn vẹn 5 người.
Reatimes sẽ tiếp tục đưa tin./.
Trần Tiến