Chương trình sẽ tái hiện lại những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào Cơ Tu. Đây cũng là sự kiện thể hiện sự gắn kết, sẻ chia giữa đồng bào Cơ Tu với cộng đồng người Kinh nhân dịp kỷ niệm 46 năm Ngày giải phóng TP. Đà Nẵng.

Theo đó, những truyền thống đặc sắc của đồng bào Cơ Tu như: lễ dựng cây nêu, điệu múa dâng trời tung-tung da-dá, tục đi Sim, lễ cưới Cơ Tu, … sẽ được tái hiện trong chương trình “Toom Sara Fest Mùa yêu” với sự cố vấn văn hóa từ già làng BhR’iu Pố (Già làng Cơ Tu cấp tỉnh – tỉnh Quảng Nam) và ông Đỗ Thanh Tân (Trưởng phòng Văn hóa Thông tin H. Hòa Vang).

“Toom Sara Fest Mùa yêu” được tổ chức trong 2 ngày 27 – 28/3 tại Làng Toom Sara.
“Toom Sara Fest Mùa yêu” được tổ chức trong 2 ngày 27 – 28/3 tại Làng Toom Sara.

Già làng BhR’iu Pố phấn khởi: “Theo tôi thì cái gì có đắt tiền đến mấy nếu mà gom góp thì cũng mua lại được, nhưng văn hóa mất thì không thể mua lại được. Bản thân tôi hiện nay cũng là một trong những già làng Cơ Tu, tôi thấy việc tổ chức những lễ hội kết hợp với du lịch như thế này rất đáng mừng. Một mặt du lịch sẽ tạo được công ăn việc làm cho người Cơ Tu chúng tôi. Và cái chính khi kết hợp giữa văn hóa và du lịch nói chung, du lịch sinh thái nói riêng thì sẽ quảng bá được văn hóa của chúng tôi đến với đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế. Bản thân chúng tôi tham gia vào đây cũng là để các em, các cháu thấy được ý nghĩa và tầm quan trọng của văn hóa dân tộc mình, nhận thức được mất văn hóa là mất cội nguồn, từ đó ý thức được lợi ích của việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của người Cơ Tu”

Cùng chung tâm trạng phấn khởi đó, Blăng Thị Lan (23 tuổi) - người đã đi theo những già làng để tái hiện, trình diễn các nét truyền thống Cơ Tu từ năm 12 tuổi trên nhiều vùng miền đất nước - cho biết: “Em rất là vui và hãnh diện khi mình được tham gia những lễ hội như thế này. Những chương trình như thế này sẽ làm cho nhiều người biết đến vẻ đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc em. Em muốn được tham gia nhiều hơn những chương trình như thế này, được đi đến nhiều hơn những thành phố, vùng miền trên đất nước để tuyên truyền cho mọi người biết về dân tộc em”

Đến với “Toom Sara Fest Mùa yêu” lần này, du khách sẽ được nghe những bài dân ca Cơ Tu như Cô gái trên nương, … kết hợp với đó là điệu múa dâng trời tung-tung da-dá của đồng bào Cơ Tu trong những bộ thổ cẩm đặc sắc. Bên cạnh đó, du khách cũng sẽ bị mê mẩn với ẩm thực của đồng bào nơi đây với những món thưởng thức dù chỉ mới một lần nhưng cũng để nhung nhớ dài lâu như ếch nướng ống tre, bánh sừng trâu, cơm lam…

 Điệu nhảy Tung-tung da-dá được đồng bào Cơ Tu tái hiện sinh động.
Điệu nhảy Tung-tung da-dá được đồng bào Cơ Tu tái hiện sinh động.

Ngồi ở làng Toom Sara, thưởng thức món ếch thơm ngon kết hợp một chút muối tiêu xanh, nhấm nháp những chum rượu cần và ngắm nhìn những cô gái, chàng trai Cơ Tu nhảy điệu tung-tung da-dá giữa núi rừng đại ngàn, cảm giác ấy thì còn gì bằng?

Cô Nguyễn Thị Tạo (TP. Đà Nẵng) chia sẻ: “Tôi rất thích đến đây, cảm giác được thoải mái. Đồng bào ở đây trình diễn rất đẹp, dễ thương và ẩm thực rất ngon và hấp dẫn. Những sự kiện như thế này mang ý nghĩa văn hóa rất cao. Đến đây thì tôi mới hiểu hơn về văn hóa của đồng bào Cơ Tu so với những hiểu biết trước đây khi xem qua truyền hình”.

Trước nguy cơ ngày càng mai một văn hóa của đồng bào Cơ Tư, sự hiện đại hóa của một bộ phận lớn những bạn trẻ Cơ Tu thì những chương trình như “Toom Sara Fest Mùa yêu” – Khu du lịch sinh thái Suối Hoa (xã Hòa Phú,) hay Dự án bảo tồn văn hóa Cơ Tu hướng tới phát triển du lịch cộng đồng tại Khu du lịch sinh thái – văn hóa cộng đồng Cơ Tu (xã Hòa Bắc)… trên địa bàn H. Hòa Vang đã và đang góp phần giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa đồng bào Cơ Tu, bên cạnh đó còn góp phần nâng cao đời sống của người Cơ Tu đang sinh sống trên địa bàn.

Kết hợp hài hòa truyền thống và hiện đại

Trong chương trình “Toom Sara Fest Mùa yêu”, bên cạnh những nét truyền thống đặc sắc của đồng bào Cơ Tu là những trò chơi giải trí mang tính đồng đội cao như bắn cung đối kháng; chiếu phim ngoài trời với chủ đề Hồi ức cùng những khoảnh khắc đẹp của con người, cảnh vật Đà Nẵng xưa, những ký ức một thời của đạn bom, chinh chiến khắp cõi quê hương; giao lưu cùng những nghệ sĩ quốc tế đang sinh sống tại Đà Nẵng với tên gọi Không biên giới; đêm nhạc Mùa yêu của Hoàng Dũng – Văn Mai Hương.

Anh Võ Quảng – đại diện Khu du lịch sinh thái Suối Hoa, cho hay: “Chúng tôi muốn du lịch văn hóa cộng đồng của đồng bào Cơ Tu sẽ là điểm chính để phát triển du lịch tại đây. Vừa gìn giữ bản sắc dân tộc cho đồng bào Cơ Tu, vừa tạo ra công việc, thu nhập cho đồng bào nơi đây”.

 Sự phấn khởi hiện lên trên từng nét mặt của đồng bào Cơ Tu.
 Sự phấn khởi hiện lên trên từng nét mặt của đồng bào Cơ Tu.

Với việc nhận định phát triển du lịch văn hóa cộng đồng trong giai đoạn đầu sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc thu hút du khách nên “Toom Sara Fest Mùa yêu” lần này sẽ là sự kết hợp giữa văn hóa và những trò chơi hấp dẫn, chương trình ca nhạc với sự góp mặt của những ca sĩ nổi tiếng – chủ nhân của những bản hit đang được giới trẻ quan tâm như Hoàng Dũng, Văn Mai Hương. “Sau khi thực hiện chương trình này và đã có hình ảnh, thu hút được du khách rồi thì chúng tôi sẽ tập trung mạnh trong việc phát triển du lịch văn hóa”, ông Quảng, cho biết thêm.

Du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái là một trong những chiến lược thu hút du khách trong năm 2021 của TP. Đà Nẵng. Những mô hình phát triển du lịch như thế này không những góp phần tạo nên những chương trình du lịch đặc sắc, thu hút lượng lớn du khách đến tham quan, trải nghiệm mà còn góp phần gìn giữ những nét văn hóa truyền thống của các dân tộc. Bên cạnh đó cũng tạo ra nguồn sinh kế bền vững cho đồng bào miền núi phía Tây, phù hợp với chính sách phát triển kinh tế, an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.

 Du lịch văn hóa cộng đồng đang là một hướng phát triển đúng đắn, tạo sự bền vững.
 Du lịch văn hóa cộng đồng đang là một hướng phát triển đúng đắn, tạo sự bền vững.

Tung-tung da-dá là điệu nhảy truyền thống của người Cơ Tu. “Tung-tung” là điệu múa của người đàn ông, thể hiện sự hùng dũng, khỏe khoắn, bảo vệ buôn làng, bảo vệ quê hương đất nước; “Da-dá” là điệu múa của người phụ nữ, thể hiện sự chung thủy, nâng đỡ những người yếu thế trong xã hội, thủy chung với gia đình, với chồng con, yêu thương quê hương đất nước. Khi múa thì những người phụ nữ sẽ múa ở vòng trong, những người đàn ông sẽ múa ở vòng ngoài thể hiện sự bảo vệ, che chở của người đàn ông đối với người phụ nữ. Đặc biệt, khi múa sẽ múa ngược chiều kim đồng hồ thể hiện sự hoài niệm của người Cơ Tu, dù có phát triển đến đâu thì luôn luôn hướng về cội nguồn văn hóa, truyền thống của dân tộc mình.

Theo Đông Duy - Ngọc Trâm/Đô thị mới

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/da-nang-giu-gin-van-hoa-dong-bao-co-tu--20201231000001435.html