Hàng loạt vụ việc vi phạm an toàn thực phẩm bị đưa ra ánh sáng

Theo thông tin từ Truyền hình An ninh TV, mới đây, cơ quan chức năng đã bất ngờ kiểm tra chiếc xe đầu kéo kéo theo 2 container đang bốc dỡ hàng trên địa bàn phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Tại đây, cơ quan chức năng phát hiện trong thùng xe có hàng nghìn gói bánh gạo ăn dặm của Nhật Bản đã hết hạn sử dụng nhưng vẫn được các đối tượng vận chuyển từ cảng Hải Phòng vào sâu trong nội địa nhằm bán kiếm lời. Khi bị phát hiện, đối tượng vận chuyển lập tức thanh minh rằng, số hàng này mang đi tiêu hủy.

"Đối tượng khai nhận số hàng này mang đi tiêu hủy nhưng thực tế không phải như vậy. Đây là thủ đoạn mới để che mắt cơ quan chức năng nhằm đưa hàng hết hạn ra thị trường", Trung tá Linh Thu Huyền, Công an quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội cho biết.

Theo cơ quan công an, việc vận chuyển bánh hết hạn vào sâu trong nội địa là công đoạn đầu tiên. Sau đó, những lô hàng hết hạn sử dụng sẽ đến tay gian thương và những gói bánh sẽ qua nhiều bước "phù phép" để rồi có được lớp bao bì bên ngoài đáp ứng đầy đủ các quy định trước khi đưa ra thị trường.

Trung tá Đoàn Văn Đông, Đội trưởng Đội cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ, Công an quận Bắc Từ Liêm cho biết thêm: "Một là sản phẩm được quay vòng đưa về nơi sản xuất, xé bỏ nhãn mác để đóng nhãn mác mới vẫn còn thời hạn sử dụng. Hai là chuyển hóa thực phẩm sang dạng khác, thêm hóa chất tạo mùi nhằm đánh lừa người tiêu dùng".

Được biết, toàn bộ số bánh gạo ăn dặm hết hạn sử dụng đã bị tạm giữ để làm các thủ tục tiêu hủy theo quy định của pháp luật.

Trước đó, vào cuối tháng 5, Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) đã phát hiện, thu giữ số lượng lớn gà ủ muối nhập lậu tại phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm. Khi bị bắt giữ, đối tượng vận chuyển lô hàng đã không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Ngoài ra, tại cơ quan công an, đối tượng khai nhận số gà ủ muối trên được mua thu gom ở nhiều nguồn khác nhau, trị giá khoảng 30 triệu đồng, chủ yếu cung cấp cho các nhà hàng trên địa bàn Hà Nội, nếu trót lọt có thể thu lợi hàng trăm triệu đồng.

Chiều tối ngày 25/5, cơ quan Công an quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội cũng đã thu giữ gần 1 triệu chiếc khẩu trang N95 có xuất xứ từ nước ngoài. Dù trên nhãn mác sản phẩm có rất nhiều dòng chữ tượng hình, ngôn ngữ nước ngoài nhưng chủ lô hàng đã không xuất trình được bất cứ giấy tờ gì liên quan đến nguồn gốc xuất xứ của lô hàng. Toàn bộ số hàng cũng không được cơ quan y tế trong nước thẩm định, cấp phép.

Theo thông tin được biết, lô hàng với gần 1 triệu chiếc khẩu trang được nhập lậu về Việt Nam có giá khoảng 60 triệu đồng (tương đương khoảng 6.000 đồng/chiếc). Trong khi đó, giá khẩu trang N95 tại thị trường Việt Nam hiện tại khoảng 50.000 đồng/chiếc.

Nếu buôn lậu trót lọt, số hàng này có thể mang về khoản lợi nhuận bất chính không nhỏ, trong khi đó không có bất cứ cơ quan chức năng nào kiểm định chất lượng của những mặt hàng này.

Trung tá Đoàn Văn Đông cho hay: "Đối tượng khai nhận tại cơ quan công an lợi dụng dịch bệnh để buôn lậu, thu lợi bất chính. Chúng tôi sẽ tiếp tục điều tra mở rộng các đối tượng vận chuyển, kho bãi tập kết hàng hóa để xử lý nghiêm".

Mức "án" nào cho các hành vi vi phạm?

Đánh giá về những vi phạm trên, Luật sư Lê Văn Hồi, Giám đốc Công ty Luật My Way nhấn mạnh, luật pháp đã có những chế tài xử phạt rõ ràng và đầy đủ từ xử phạt hành chính cho tới xử lý hình sự đối với hành vi thay đổi nhãn hàng hoá, bao bì hoặc tẩy xoá, sửa chữa thời hạn sử dụng trên hàng hoá đã quá hạn sử dụng nhằm mục đích kinh doanh.

Cụ thể, Điều 17 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định về mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm về thời hạn sử dụng của hàng hóa như sau:

a. Phạt tiền (từ Điều 17.1 đến Điều 17.12 Nghị định 98/2020/NĐ-CP)

“1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị dưới 1.000.000 đồng:

a) Kinh doanh hàng hóa (trừ thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi) quá hạn sử dụng ghi trên nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa;

b) Đánh tráo, thay đổi nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa hoặc tẩy xóa, sửa chữa thời hạn sử dụng trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa hoặc thực hiện hành vi gian lận khác nhằm kéo dài thời hạn sử dụng của hàng hóa;


2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 1.000.000 đến dưới 3.000.000 đồng.

3. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng.

4. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng.

....

10. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 70.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.

11. Phạt tiền từ 40.000 000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên.

12. Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định từ khoản 1 đến khoản 11 Điều này đối với người sản xuất, nhập khẩu thực hiện hành vi vi phạm hành chính hoặc hàng hóa vi phạm thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc phòng bệnh và thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế;...

b. Hình thức xử phạt bổ sung (Điều 17.13 Nghị định 98/2020/NĐ-CP)

“a) Tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này, trừ trường hợp áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm a khoản 14 Điều này;

b) Tịch thu phương tiện là công cụ, máy móc được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.”

c. Biện pháp khắc phục hậu quả (Điều 17.14 Nghị định 98/2020/NĐ-CP)

“a) Buộc tiêu hủy tang vật vi phạm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a, b và c khoản 1 Điều này;

b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Điều này”

Bên cạnh đó, theo Luật sư Hồi, hành vi nêu trên có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại Ðiều 317 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 về tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm. Cụ thể như sau:

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

e) Thực hiện một trong các hành vi quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm đ khoản này hoặc chế biến, cung cấp, bán thực phẩm mà biết là thực phẩm không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của từ 05 người đến 20 người hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Làm chết người;

c) Gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của từ 21 người đến 100 người;

d) Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

đ) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
…..

Theo Đô Thị Mới

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/muc-an-nao-cho-hanh-vi-phu-phep-tai-tao-san-pham-het-han-20201231000002501.html