Theo Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ về các khoản chi phí cho xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng trong những năm gần đây với tổng mức đầu tư lên đến 5,7% GDP. Con số này cao gấp ba lần so với Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Philippines, đồng thời đứng thứ hai chỉ sau Trung Quốc.
Về trung hạn, cam kết này chắc chắn sẽ vẫn tiếp tục. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ nay cho đến năm 2020, Việt Nam phải huy động khoảng 480 tỷ USD để tài trợ vốn cho các dự án đầu tư cần được triển khai cấp bách. Bên cạnh đó, sẽ có thêm nhiều dự án nữa sẽ được triển khai trong những năm tới.
Một trong những dự án quan trọng bậc nhất là tuyến cao tốc 10 làn đường dài 1.800 km nối liền thủ đô Hà Nội và TP.HCM với tổng số vốn thực hiện dự kiến khoảng 13 tỷ USD. Đây sẽ được coi là dự án lớn nhất từ trước tới nay và có tác dụng tăng cường hơn nữa tính liên kết giữa các tỉnh thành trong nước.
Một số dự án khác cũng khá quan trọng đó là 11 nhà máy phát điện với tổng công suất lên đến 13,2 GW; mạng lưới đường sắt liên tỉnh và ít nhất 1.380 km đường cao tốc.
Mặc dù mức đầu tư cơ sở hạ tầng cao, tuy nhiên sự tham gia của khu vực tư nhân lại rất thấp. Theo thống kê của ADB, tổng giá trị đầu tư tư nhân vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng tại Việt Nam có thể dưới con số 10% trên toàn bộ giá trị đầu tư toàn quốc gia. Con số này còn khá khiêm tốn so với mức 30% của Ấn Độ.
Lý do khiến các nhà đầu tư tư nhân tỏ ra chẳng mấy mặn mà với các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng nằm ở đặc thù về thời gian thi công và hoàn thiện của các dự án này. Chính vì thế mà thời gian thu hồi vốn sẽ chậm hơn so với việc đầu tư vào các loại tài sản khác.
Nhu cầu về vốn từ khu vực tư nhân sẽ ngày càng áp lực hơn nữa trong thời gian tới trong bối cảnh ngân sách nhà nước chỉ đủ để tài trợ cho 1/3 tổng số vốn cần huy động thêm là 480 tỷ USD.
Theo báo cáo mới được phát hành của tập đoàn tư vấn chiến lược kinh doanh hàng đầu thế giới, McKinsey, để có thể thu hút được nguồn vốn dồi dào từ khu vực tư nhân, việc đầu tiên mà Việt Nam nên làm đó là đẩy mạnh cấu trúc thị trường vốn.
Báo cáo này cho rằng Việt Nam cần phải làm nhiều hơn nữa để thu hút được các dòng tiết kiệm cá nhân, từ đó góp phần mở rộng nguồn tài trợ vốn cho các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng đồng thời giảm bớt sự phụ thuộc vào khu vực công.
Thứ hai đó là phát triển thị trường vốn. Hiện nay, Việt Nam là nước có thị trường vốn nhỏ nhất về cả quy mô và thời hạn trong tổng số 12 nước được báo cáo này nêu tên. Trong khi tổng giá trị trên thị trường vốn tại Nhật Bản đạt tới 400% GDP, thì con số này của Việt Nam chỉ khoảng 50%. Khoảng cách này chính là nguyên nhân gây ra những bất lợi cho Việt Nam trong việc tìm kiếm nguốn vốn từ khu vực tư nhân.
Một cách nữa để tăng cường khả năng tiếp cận với nguồn tài trợ tư nhân đó là trái phiếu chính phủ. Thị trường trái phiếu chính phủ tại Việt Nam thì không còn gì là lạ, tuy nhiên chính phủ cần phải có sự thay đổi, trong đó thay thế việc bán trái phiếu với số lượng ít và không thường xuyên là rất cần thiết.
Quỹ hưu trí cũng là một giải pháp khá hay trong việc huy động thành công nguồn vốn tư nhân. Thông qua việc ưu đãi thuế đầu tư khi đầu tư vào các quỹ hưu trí, chính phủ có thế phát triển một hình thức góp vốn mới trên thị trường vốn. Hình thức này không chỉ giúp làm giảm gánh nặng cho các ngân hàng, chuyển bớt gánh nặng từ khu vực công sang khu vực tư mà còn có thể được dùng để tài trợ dài hạn cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng.
Thu Thủy (Nguồn: Oxford Business Group)