Có thể nói, đây chính là cơ sở để các lực lượng chức năng duy trì, tạo chuyển biến căn cơ, góp phần tô điểm diện mạo Thủ đô ngày càng văn minh.
Nhiều cách làm hiệu quả
Những ngày này, khi đến phường Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy) có thể thấy “bộ mặt” trật tự đô thị tại khu vực chợ ngõ 800A Hoàng Quốc Việt, ngõ 81 Lạc Long Quân hay xung quanh chợ Nghĩa Đô… chuyển biến rõ rệt. Ông Vũ Văn Linh (trú ở phường Nghĩa Đô) cho biết, trước đây, để bảo đảm trật tự đô thị, lực lượng chức năng của phường phải tổ chức nhiều đợt ra quân xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhưng chỉ được một vài ngày là đâu lại vào đó. “Đến nay, chúng tôi rất vui vì tình trạng vi phạm giảm hẳn”, ông Vũ Văn Linh nói.
Để có được hiệu ứng tích cực đó, Chủ tịch UBND phường Nghĩa Đô Chử Mạnh Hùng cho biết, Đảng ủy phường đã yêu cầu các đảng viên có nhà mặt phố kinh doanh hoặc cho thuê làm nơi kinh doanh phải có trách nhiệm nêu gương, không được lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi bày hàng hóa. Đảng viên nào không thực hiện nghiêm sẽ chịu trách nhiệm trước chi bộ, Đảng ủy phường.
Tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh tại khu vực giáp ranh từ trước đến nay luôn là vấn đề khó giải quyết, tuy nhiên sự phối hợp đồng bộ giữa các địa phương đã tạo nên hiệu quả tích cực. Tại khu vực đường Hoàng Hoa Thám, Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Phúc (quận Ba Đình) Ngô Thị Thúy Lan cho biết, để xử lý triệt để tình trạng các hộ kinh doanh hoa, cây cảnh, vật liệu xây dựng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, phường Vĩnh Phúc đã phối hợp với phường Bưởi (quận Tây Hồ) tuần tra, kiên quyết xử lý mái che, biển quảng cáo sai quy định…
Nắm bắt sự chuyển biến tích cực về trật tự đô thị, trật tự công cộng trong thời gian thực hiện phòng, chống dịch Covid-19, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương ở các quận Ba Đình, Đống Đa, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Long Biên… tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân.
Thông tin thêm về vấn đề này, Thượng úy Phạm Đức Ngọc, Đội phó Đội Cảnh sát Giao thông - Trật tự (Công an quận Hai Bà Trưng) cho biết: "Trong tháng 4-2020, Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, nên trật tự đô thị, trật tự công cộng được bảo đảm. Phát huy kết quả này, đơn vị đã và đang phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, giảm tình trạng kinh doanh, họp chợ lấn chiếm lòng đường, vỉa hè".
Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác chỉ đạo, điều hành công tác trật tự đô thị, trật tự công cộng. Như tại các quận Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa…, đã đẩy mạnh, triển khai có hiệu quả nhóm thông tin về chỉ đạo, điều hành qua mạng xã hội Zalo, Facebook. Trong đó, các vi phạm về trật tự đô thị, vệ sinh môi trường đã được nhân dân, thành viên các tổ công tác phản ánh bằng hình ảnh (ảnh, video) để chính quyền kịp thời xử lý.
Tạo những bước chuyển dài hơi
Theo Công an thành phố Hà Nội, từ đầu năm 2020 đến nay, lực lượng Cảnh sát Trật tự của thành phố đã huy động 57.737 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia tuần tra, kiểm soát, xử lý 27.857 trường hợp vi phạm trật tự đô thị, trật tự công cộng, tạm giữ 577 phương tiện các loại, 8.087 giấy tờ xe, 512 đồ vật khác, 772 lều quán có mái che, mái vẩy... Nhờ đó, tình hình trật tự đô thị, trật tự công cộng từ đầu năm đến nay đã có nhiều chuyển biến tích cực; diện mạo đô thị cơ bản khang trang, xanh, sạch, đẹp, văn minh hơn.
Tuy nhiên, để tạo được sự bền vững trong quản lý trật tự đô thị, trật tự công cộng, Đại tá Ngô Duy Thắng, Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an thành phố Hà Nội) cho rằng, phải lan tỏa được quy định của pháp luật đến từng khu dân cư, từng hộ gia đình. Trong đó, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc trên tinh thần rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm. Trong xử lý vi phạm, yêu cầu đặt ra là phải mềm dẻo nhưng cương quyết, kiên trì, không bỏ sót vi phạm, không có ngoại lệ.
Về vấn đề này, theo Đại tá Nguyễn Văn Viện, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, mặc dù thấy rõ những hiệu quả, chuyển biến tích cực về trật tự đô thị, trật tự công cộng trong thời gian gần đây, tuy nhiên chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cần có cái nhìn toàn diện hơn, từ đó tạo những chuyển biến bài bản, dài hơi.
Dưới góc độ địa phương, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Đặng Hồng Thái cho biết, quận tiếp tục duy trì thực hiện các mô hình đã chứng minh được tính hiệu quả, như: Camera giám sát an ninh, trạm tuần tra lưu động, lực lượng bảo vệ dân phố tuần tra bằng xe đạp và tổ tự quản tại các địa bàn "nóng" về vi phạm. "Các mô hình này đã và đang mang lại hiệu quả tích cực trong công tác xử lý trật tự giao thông, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường...", ông Đặng Hồng Thái nói.
Thời gian tới, các cơ quan chức năng của thành phố sẽ mở các đợt cao điểm tập trung bảo đảm trật tự an toàn xã hội, trật tự công cộng. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị số 07/CT-UBND ngày 28-4-2020 của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội “Về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới”, nhằm xử lý triệt để các hành vi lấn chiếm lòng đường, hè phố để kinh doanh buôn bán... Từ đó, tạo lập và nền nếp hóa các thói quen, hành vi văn minh đô thị.