Bộ Công Thương đang xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu.

Theo cơ quan soạn thảo, sau hơn 5 năm ban hành và triển khai, Nghị định số 83/2014/NĐ-CP đã tạo cơ sở pháp lý để Liên Bộ Công Thương – Tài chính điều hành thị trường xăng dầu trong nước bảo đảm nguồn cung phục vụ sản xuất, tiêu dùng, góp phần kiểm soát lạm phát, tạo sự bình đẳng cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.

Tuy nhiên, thời gian vừa qua đã có sự thay đổi trong cơ cấu sản xuất và kinh doanh mặt hàng xăng dầu trong nước (hiện nguồn cung từ sản xuất trong nước chiếm 70-75% tổng nguồn cung) nên công thức tính giá cơ sở dựa trên số liệu từ nguồn nhập khẩu không còn phù hợp.

Việc tham gia các hiệp định thương mại FTAs dẫn đến có nhiều mức thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu khác nhau từ các thị trường, khu vực được hưởng ưu đãi về thuế quan, những thay đổi về chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt… đặt ra yêu cầu phải rà soát, sửa đổi bổ sung Nghị định số 83/2014/NĐ-CP.

Theo Bộ Công Thương, cần rà soát, sửa đổi một số nội dung về kinh doanh xăng dầu

Dự thảo Tờ trình của Bộ Công Thương cho biết, theo Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, khái niệm về xăng dầu thuộc đối tượng quản lý chỉ bao gồm các sản phẩm từ quá trình lọc dầu thô, dùng làm nhiên liệu, không bao gồm các thương nhân sản xuất xăng dầu từ quá trình tái chế rác thải. Do đó, cần xem xét lại và đưa loại hình này vào đối tượng quản lý.

Trên thực tế hiện nay, sau quá trình cổ phần hóa, nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư, nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước đã trở thành doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, do đó trong nội dung sửa đổi Nghị định số 83/2014/NĐ-CP cần rà soát và có nội dung quy định cụ thể về vấn đề này.

Để bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho các địa bàn vùng sâu, vùng xa (ít được các doanh nghiệp đầu tư cây xăng do kém hiệu quả về kinh tế), địa bàn quá chật hẹp (tại các thành phố lớn, khu trung tâm, phố cổ không đủ mặt bằng để đầu tư cây xăng theo quy định), cần rà soát xem xét quy định đối với nội dung này theo hướng cho phép áp dụng thí điểm các máy bán xăng dầu mini (đã được kiểm định an toàn theo quy định).

Qua rà soát và ý kiến kiến nghị của một số địa phương, doanh nghiệp và Hiệp hội Xăng dầu, một số quy định về điều kiện đơn vị cho thuê kho, cầu cảng; quy định về sở hữu, đồng sở hữu cửa hàng xăng dầu; quyền mua bán xăng dầu của các thương nhân kinh doanh xăng dầu; quy định về phòng thử nghiệm… còn có nội dung chưa rõ ràng hoặc chưa thống nhất, gây khó khăn doanh nghiệp, gây lãng phí nguồn lực xã hội, cần nghiên cứu cắt giảm bớt.

Hiệp Hội xăng dầu cho rằng quy định về việc thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu khi thực hiện pha chế xăng dầu phải có phòng thử nghiệm đủ năng lực để kiểm tra chất lượng xăng dầu theo quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia là gây lãng phí và khó khăn cho doanh nghiệp, buộc doanh nghiệp phải đầu tư chi phí lớn trong khi thực tế các đơn vị kiểm tra chất lượng xăng dầu như Quatest 1, 2, 3… đều có phòng thử nghiệm đủ năng lực kiểm tra chỉ tiêu xăng dầu phù hợp với quy định.

Do vậy, cần nghiên cứu, xem xét sửa đổi quy định cho phép các thương nhân được thuê phòng thử nghiệm đủ năng lực để kiểm tra chất lượng xăng dầu nhưng phải cân nhắc đến việc bảo đảm sự quản lý Nhà nước và trách nhiệm của thương nhân trong kiểm soát chặt chẽ đối với chất lượng xăng dầu lưu thông trên thị trường.

Bên cạnh đó, Dự thảo Tờ trình của Bộ Công Thương cũng cho hay, cơ chế phối hợp giữa hai Bộ Công Thương – Tài chính theo hình thức ban hành thông tư liên tịch như hiện nay không còn phù hợp với quy định hiện nay của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cần được rà soát lại… để phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Theo Pháp luật & Xã hội