Trong báo cáo thẩm tra về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và Luật quản lý thuế trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết: Các phương án sửa đổi thuế suất thuế TTĐB đối với ô tô dưới 24 chỗ ngồi trong Dự thảo luật được đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính Ngân sách cơ bản nhất trí.
Theo đó, mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe ô tô từ 9 chỗ trở xuống có dung tích xi lanh dưới 2.000 cm3 ở Việt Nam là 45%, cao hơn so với mức trung bình của một số nước trong khu vực như: Indonesia (20%), Singapore (20%), Thái Lan (30%), Campuchia (30%), Myanma (25%).
Để phù hợp với lộ trình giảm thuế tại các hiệp định thương mại tự do, Chính phủ đề xuất giảm thuế suất thuế tiêu thụ từ 45% xuống còn 20% từ năm 2019 đối với xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi trở xuống, dung tích dưới 1.000 cm3 đến 1.500 cm3.
Còn với dòng xe dung tích từ 1.500 cm3 đến 2.000 cm3 sẽ giảm từ 45% xuống còn 30% vào năm 2019.
Loại có dung tích xi lanh trên 2.000 cm3 đến 2.500 cm3 sẽ tiếp tục giữ thuế suất 50% như hiện hành.
Riêng dòng xe có dung tích xi lanh trên 2.500 cm3 đến 3.000 cm3 sẽ tăng từ 55% lên 60%, đối với các loại dung tích lớn hơn, thuế cao nhất có thể lên tới 150%.
Như vậy, đến năm 2019, mức thuế TTĐB đánh vào dòng xe dưới 9 chỗ động cơ dưới 2.0L tại Việt Nam mới ngang bằng mức thuế TTĐB của các nước khác trong khu vực ASEAN, trong đó có những nước đang là trung tâm lắp ráp xe ô tô mạnh nhất nhì khu vực, sản lượng xe xuất khẩu khá cao.
Tuy nhiên, tại báo cáo thẩm tra, ông Phùng Quốc Hiển cho biết, hiện vẫn coòn 1 số ý kiến trong Ủy ban Tài chính Ngân sách chưa hoàn toàn nhất trí với phương án phân loại quá chi tiết đối với các loại xe ô tô từ 9 chỗ trở xuống có dung tích xi lanh dưới 2.000 cm3 như Dự thảo luật.