Ảnh minh họa

Trong văn bản gửi đi, Bộ Tài chính đề nghị các đơn vị trên khẩn trương đề xuất phương án thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải. Đề xuất bao gồm đối tượng chịu phí, mức thu phí, cách thức tính phí, cơ chế thu nộp phí, quản lý và sử dụng phí...

Các đề xuất này gửi về Bộ Tài chính để nghiên cứu, trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định thu phí theo thẩm quyền. Đồng thời, Bộ Tài chính đề nghị các bộ phân công đơn vị chuyên môn phối hợp với bộ này trong quá trình nghiên cứu dự thảo Nghị định và trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định thu phí.

Trước đó, tháng 5/2016 Bộ Tài chính cũng đã có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị xây dựng đề án thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải, gửi về Bộ Tài chính để nghiên cứu, trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định thu phí. Tuy nhiên đến nay Bộ Tài chính vẫn chưa nhận được đề xuất phương án thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải của 2 bộ này. Cho nên Bộ Tài chính tiếp tục có công văn thúc giục như đã nói ở trên.

Theo Bộ Tài chính, ngày 16/10/2018, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, trong đó có nội dung Bộ Tài chính nghiên cứu kiến nghị của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Nghị định về phí bảo vệ môi trường đối với khí thải.

Ảnh minh họa

Việc thu phí khí thải không phải lần đầu tiên được đưa ra tại Việt Nam. Hồi tháng 7/2007, Bộ Tài nguyên & Môi trường cũng công bố chương trình xây dựng Nghị định thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải để trình Thủ tướng phê duyệt và có thể được áp dụng vào giữa năm 2008. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, các đơn vị, cá nhân thải ra môi trường các loại bụi, khí đốt hàng năm sẽ phải chịu trách nhiệm nộp phí theo quy định.

Bộ này kỳ vọng nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền sẽ tác động mạnh mẽ đến công tác bảo vệ môi trường. Đối tượng chịu phí, nộp phí ban đầu là những cơ sở, đơn vị trong quá trình sản xuất, kinh doanh; các tổ chức cá nhân sử dụng máy móc, thiết bị; các hộ gia đình... làm phát tán ra môi trường các loại bụi, khí SO2, NO2, CO do đốt các nhiên liệu hóa thạch.

Cách tính phí được đưa ra cụ thể là: 5 loại khí thải (bụi, SO2, NO, CO, VOC) sẽ là đối tượng chính được tính khi áp giá thu phí theo mức dao động 1.000- 5.000 đồng/kg. Trong đó bụi và SO2 sẽ áp ở mức cao nhất là 5.000 đồng/kg và thấp nhất là 2.000 đồng/kg.

Khối lượng các chất gây ô nhiễm sẽ được tính trên cơ sở loại hình và chất lượng nhiên liệu, khối lượng bị đốt cháy; công nghệ và trình độ công nghệ của máy móc, thiết bị và phương tiện sử dụng nhiên liệu. Số phí các đơn vị phải nộp sẽ được tính bằng tổng số phí phải nộp của từng chất gây ô nhiễm cộng lại. Đối với nguồn thải di động, phương tiện giao thông, việc thu phí không thể dựa vào lượng phát thải để thu trực tiếp.

Hiện nay, theo quy định tại Luật phí và lệ phí, có 2 khoản phí bảo vệ môi trường đang thu là: Phí bảo vệ môi trường đối với nước thải và Phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản, thuộc thẩm quyền của Chính phủ.

Năm 2015, số tiền thu được từ phí bảo vệ môi trường đối với nước thải là hơn 1.000 tỷ đồng. Đến năm 2017 con số này đã tăng lên được 2.100 tỷ đồng, chủ yếu là từ nước thải sinh hoạt.

Với phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản, năm 2015 thu được hơn 1.900 tỷ, đến năm 2017 thu được gần 2.500 tỷ đồng.

Phương Thảo

 

Theo congluan.vn