Dự án Khu đô thị mới Mai Pha có tổng diện tích đất sử dụng 91,73 ha, qui mô dân số 9.621 người. Trong đó, nhà ở liền kề 2.457 hộ, nhà ở biệt thự 264 hộ, nhà tái định cư 119 hộ, nhà ở xã hội 152 hộ thấp tầng theo kiểu chia lô và khoảng 2.100 căn hộ ở xã hội cao tầng và được thực hiện tại thôn Khòn Khuyên và Pò Đứa (xã Mai Pha, TP Lạng Sơn).
Tổng chi phí thực hiện dự án (không bao gồm chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng) là gần 2.894,3 tỉ đồng. Trong đó, giá trị nộp ngân sách nhà nước là 20 tỉ đồng.
Mục tiêu của dự án là tạo quĩ đất phục vụ nhu cầu nhà ở, tái định cư cho các dự án trên địa bàn thành phố, hình thành khu đô thị mới hiện đại, độc đáo trong thiết kế kiến trúc và không gian cảnh quan đô thị.
Thời gian và tiến độ thực hiện dự án trong vòng 6 năm kể từ ngày hợp đồng dự án có hiệu lực.
UBND tỉnh Lạng Sơn yêu cầu Liên danh Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát và Công ty TNHH Hà Sơn triển khai thực hiện dự án theo qui định tại hợp đồng, tuân thủ pháp luật về đầu tư, xây dựng, nhà ở và pháp luật khác có liên quan.
Ngay khi thông tin liên danh Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát và Công ty TNHH Hà Sơn trúng thầu đã khiến dư luận bất ngờ bởi không ít các dự án mà Hải Phát thực hiện trước đó đều "dính" không ít bê bối còn Công ty TNHH Hà Sơn (phường Chi Lăng, TP. Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn) là nhà đầu tư dính nhiều lùm xùm khi triển khai các dự án tại Lạng Sơn. Ngoài việc đổ đất đá trái phép nêu trên, doanh nghiệp này còn bị tố lợi dụng việc thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng trụ sở làm việc và xưởng sản xuất tại xã Mai Pha để tự ý khai thác trái phép hàng nghìn mét khối đất tại đồi Rọ Phải mang đi bán kiếm lời. Công ty TNHH Hà Sơn có vốn điều lệ 490 tỷ đồng, người đại diện theo pháp luật là ông Vũ Đình Hồng.
Ngày 6/6, PC03 phối hợp với Thanh tra Sở Xây dựng Ninh Thuận tiến hành kiểm tra hoạt động của Hải Phát Land - Chi nhánh Nha Trang về việc kinh doanh căn hộ tại dự án nói trên. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện Hải Phát Land chưa có giấy đăng ký kinh doanh hoạt động tại Ninh Thuận, chưa được chủ đầu tư cho phép huy động vốn. Thế nhưng, đến nay công ty này đã huy động vốn của 19 cá nhân dưới hình thức "đặt cọc thiện chí" số tiền 860 triệu đồng trái quy định.
Ngày 14/6/2018, Công an tỉnh Ninh Thuận đã có văn bản gửi Sở Xây dựng tỉnh, đồng thời cho biết, qua công tác nắm tình hình, Công an tỉnh Ninh Thuận (PC03) phát hiện một số dấu hiệu sai phạm trong hoạt động kinh doanh bất động sản liên quan đến dự án có tổng vốn đầu tư lên đến 4.500 tỉ đồng.
Dự án này đã tổ chức khởi công xây dựng, nhưng đến nay chưa có giấy phép xây dựng. Tuy nhiên, vẫn có 5 công ty bất động sản (Công ty Đất Vàng, Hải Phát Land, Công ty CP TM DV Tư vấn Bất động sản An Vượng Land, Công ty bất động sản TVN, Công ty TNHH Phú Gia Thịnh Land) và một số cá nhân rao bán căn hộ tại dự án này, huy động vốn trái phép dưới hình thức nhận tiền "đặt cọc thiện chí"
PC03 nhận định, hành vi của Công ty Hải Phát vi phạm Nghị định 139/2007 ngày 27/11/2017 của Chính phủ. Mặc dù vậy, thẩm quyền xử phạt theo Nghị định này thuộc Sở Xây dựng. Vì vậy, PC03 đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc Công ty Hải Phát đến Sở Xây dựng để xử lý theo thẩm quyền.
Không những thế, nhiều cư dân ở các dự án The Pride, HHB Tân Tây Đô đã tố cáo Hải Phát có dấu hiệu "lừa đảo", không thực hiện đúng như cam kết trong hợp đồng mua bán nhà.
Cụ thể, theo phản ánh của những cư dân ở The Pride, những bất cập về chất lượng dịch vụ tại đây vẫn tiếp diễn mà không được khắc phục. Ngoài ra, việc thành lập ban quan trị chung cư cũng không được chủ đầu tư dự án này tiến hành. Vì vậy, gần 70 tỷ đồng phí bảo trì của cư dân vẫn nằm trong tay chủ đầu tư Hải Phát.
Cùng với đó, ngày 13/6/2018, Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội đã tổ chức kiểm tra công tác quản lý sử dụng nhà chung cư HHB Tân Tây Đô và phát hiện hàng loạt sai phạm của chủ đầu tư.
Cụ thể là việc tòa nhà chưa được tổ chức nghiệm thu nhưng chủ đầu tư đã đưa dân vào ở nhiều năm qua; chủđầu tư “chây ì” bàn giao phí bảo trì, “chây ì” bàn giao hồ sơ tòa nhà cho ban quản trị chung cư…
Bên cạnh đó, dự án Hải Phát Plaza (Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội) là tòa nhà hỗn hợp 25 tầng và nhà ở thấp tầng. Hàng loạt căn hộ tại dự án này đã được thế chấp tại Ngân hàng TMCP Bản Việt (VietCapitalBank) - Chi nhánh Thăng Long vào ngày 10/6/2019, 20/08/2019, 17/09/2019. Trong khi đó, có những căn hộ đã được Hải Phát kí hợp đồng mua bán với các hộ dân. Ngoài ra, còn có các dự án được Hải Phát thế chấp lần 2 với các ngân hàng khác.
"Việc thế chấp những căn hộ này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến tính pháp lý về quyền sở hữu nhà ở của bên mua nhà ở? Việc giải chấp sẽ được thực hiện trong thời gian nào?" đang là những câu hỏi nhức nhối mà người mua nhà đặt ra với Hải Phát.
Theo luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh), Luật Kinh doanh bất động sản tại Điều 13 quy định rõ trách nhiệm của chủ đầu tư dự án kinh doanh bất động sản như sau: Chủ đầu tư phải đảm bảo nguồn tài chính để thực hiện dự án theo đúng tiến độ đã phê duyệt. Chủ đầu tư căn cứ vào thực tế doanh nghiệp để chọn nguồn vốn đầu tư cho hiệu quả nhất; có thể sử dụng vốn tự có, thế chấp tài sản vay vốn đầu tư hoặc vay của khách hàng bằng cách bán căn hộ hình thành trong tương lai.
Tuy nhiên, điều này khó tránh khỏi những rủi ro khôn lường.
Theo Điều 147 – Luật Nhà ở có hiệu lực từ 1/7/2015, chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở được thế chấp dự án hoặc nhà ở xây dựng trong dự án tại tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam để vay vốn cho việc đầu tư dự án hoặc xây dựng nhà ở đó. Khi chủ đầu tư đã chọn phương thức bán tài sản hình thành trong tương lai, thông qua bảo lãnh của ngân hàng và được Sở Xây dựng chấp thuận bằng văn bản, thì việc mang dự án, căn hộ hình thành trong tương lai thế chấp ngân hàng vay vốn thêm một lần nữa là vi phạm pháp luật.
Vì lúc này, tài sản hình thành trong tương lai không thuộc quyền sở hữu riêng của chủ đầu tư mà còn có quyền sở hữu của khách hàng, thể hiện bằng hợp đồng mua bán căn hộ. Những rủi ro pháp lý và thiệt hại vật chất mà khách hàng phải gánh chịu trong trường hợp này điều mà chúng ta dễ nhận thấy nhất là nguồn tài chính để đầu tư xây dựng chung cư thu từ khách hàng mua căn hộ thông qua chi trả của ngân hàng. Rồi chủ đầu tư lại thế chấp dự án, căn hộ, để vay tiền, sử dụng vào mục đích khác.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quí IV/2019 vừa công bố, Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest, Mã: HPX) ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 1.800 tỉ đồng, tăng 21% so với cùng kì. Giá vốn bán hàng ghi nhận 1.477 tỉ đồng (tăng 40% so với cùng kì) khiến lợi nhuận gộp HPX chỉ còn 322 tỉ đồng.
Doanh thu hoạt động tăng mạnh lên gần 369 tỉ đồng, trong khi quí trước chỉ ghi nhận 1,4 tỉ đồng và cùng kì năm 2018 ghi nhận hơn 1 tỉ đồng. Cùng với đó, chi phí tài chính và chi phí bán hàng cũng tăng đột biến lên lần lượt 75 tỉ đồng và 77 tỉ đồng khiến lợi nhuận thuần trong quí của doanh nghiệp đạt 471 tỉ đồng.
Hết quí IV/2019, lợi nhuận sau thuế HPX ghi nhận hơn 324 tỉ đồng, tăng 15% so với cùng kì và tăng hơn 800% so với quí III/2019. Đây cũng là quí lãi đột biến của Hải Phát Invest trong năm qua (lãi ròng các quí I,II,III ghi nhận lần lượt là 18 tỉ đồng, 49 tỉ đồng và hơn 33 tỉ đồng). Lũy kế cả năm 2019, doanh thu thuần của HPX đạt hơn 3.442 tỉ đồng, tăng 70% so với năm 2018 và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 451 tỉ đồng, xấp xỉ năm 2018.
Năm 2019, HPX đặt kế hoạch doanh thu thuần 4.294,2 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 720 tỉ đồng, tăng trưởng 59,3% so với năm 2018, tương đương con số tuyệt đối tăng là 267,7 tỉ đồng. Với kết quả này, doanh nghiệp mới thực hiện được 80% kế hoạch doanh thu và 62% kế hoạch lợi nhuận.