Sáng 26/3, ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì phiên làm việc đầu tiên của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch tả lợn châu Phi.
Theo đó, từ ngày 20/3, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã và đang có chiều hướng lây lan nhanh, ở phạm vi rất rộng. Dù Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ nhưng dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn biến phức tạp, nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành hàng chăn nuôi lợn.
Trưởng phòng Dịch tễ, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Văn Long cho biết, dịch bệnh đã xảy ra tại 447 xã, 84 huyện của 21 tỉnh, thành phố gồm: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình, Điện Biên, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Ninh Bình, Nam Định, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Sơn La, Nghệ An, Bắc Ninh, Thừa Thiên - Huế, Lai Châu và Bắc Giang, với tổng số lợn bệnh và tiêu hủy là 64.879 con. Trong đó đã có hộ chăn nuôi lớn với tổng đàn 4.500 (gồm 500 nái và 4.000 lợn thịt) tại xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên bị bệnh.
Như vậy, dịch bệnh đã xâm nhiễm vào trại có điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học tốt hơn các hộ dân. Bởi giai đoạn đầu, bệnh dịch tả lợn châu Phi chủ yếu xuất hiện tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, điều kiện vệ sinh và an toàn sinh học không tốt.
Dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện ở 21 tỉnh, thành phố
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, diễn biến dịch bệnh đang phức tạp nếu không có biện pháp quyết liệt khẩn trương ngăn chặn thì bệnh dịch sẽ còn tiếp tục lây lan. Bệnh dịch này tồn tại lâu dài trong môi trường nên công tác phòng, chống ứng phó dịch cần phải kiên trì, nỗ lực, khẩn trương, quyết liệt hơn nữa, nhằm ngăn chặn hiệu quả.
Bên cạnh chống dịch, ngành nông nghiệp còn phải tổ chức sản xuất chăn nuôi, sẵn sàng các phương án để tái đàn, nhất là không để người tiêu dùng quay lưng với thịt lợn. Để làm được điều này đòi hỏi sự vào cuộc của các bộ ngành, địa phương. Đây cũng là lí do mà Chính phủ thành lập Ban chỉ đao quốc gia phòng chống dịch tả lợn châu Phi.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, thời gian tới Việt Nam sẽ triển khai nhiều giải pháp chống dịch, trong đó có việc nghiên cứu vắcxin dịch tả lợn châu Phi. Ông Cường cho biết, Để đảm bảo sự phát triển ổn định lâu dài của ngành chăn nuôi, trong đó có chăn nuôi lợn, Việt Nam đang nghiên cứu sản xuất vắcxin với sự phối hợp giữa Bộ Nông nghiệp, Bộ Khoa học Công nghệ và Bộ Y tế. Ban chỉ đạo sẽ mời thêm các trung tâm nghiên cứu, nhà khoa học và đơn vị liên quan để cùng nghiên cứu.
Ngoài ra, ngành nông nghiệp cũng đang xây dựng mô hình an toàn sinh học, bắt nguồn từ con giống và khép kín các khâu sản xuất, phân phối; thúc đẩy chăn nuôi trâu bò, gia cầm, trứng sữa phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu.