Việt Nam là một trong những nước tiêu thụ mỳ tôm nhiều nhất thế giới. Mỳ tôm trở thành món ăn quen thuộc hàng ngày của nhiều người đặc biệt là sinh viên và người lao động.
Mặc dù biết mỳ tôm không hề bổ béo và có bất cứ chất dinh dưỡng có lợi gì, ngược lại còn chứa rất nhiều chất độc hại có khả năng gây bệnh nhưng người tiêu dùng Việt vẫn đang ngày ngày ăn mỳ tôm.
Chưa kể đến các tác hại về hóa chất khi ăn mỳ tôm, chỉ riêng các vụ việc xuất hiện sinh vật lạ, mỳ tôm bị mốc, bị hỏng dù còn hạn sử dụng ... cũng đã đủ khiến chúng ta nên có sự lo ngại và giảm thiểu tỷ lệ tiêu thụ mỳ tôm.
Hãy cùng nhìn lại một vài "phốt" nổi bật của các hãng mỳ tôm Việt trong thời gian qua:
1. Mỳ Tiến Vua mốc
Ngày 19/07/2010, chị Nguyễn Thị Tường Vy (TP.HCM) mua tại BigC Gò Vấp 10 gói mỳ Tiến Vua tôm sú chua cay, trọng lượng tịnh 75g/gói, đề ngày sản xuất 5/7/2010, hạn sử dụng 5 tháng kể từ ngày sản xuất.
Từ ngày 20/7-23/7/2010 gia đình chị Vy đã dùng hết 6 trong số 10 gói mỳ Tiến Vua mua về. Đến tối 24/7, để làm món mỳ xào giòn, chị Vy cho bóc 3 gói để ngâm nước lạnh.
"Ngâm được khoảng 10 phút, tôi vớt mỳ ra rổ thì thấy lẫn giữa những sợi mỳ có rất nhiều đốm mốc màu đen. Khi xới vắt mỳ và giơ lên cao, nấm mốc được ngâm nước nở to ra, rơi lả tả xuống nước, mùi nấm mốc xộc lên mũi", chị Vy kể.
Công ty Masan - nhà sản xuất mỳ Tiến Vua đã gửi công văn thông báo kết quả kiểm nghiệm đối với sản phẩm bị nghi nhiễm nấm mốc như sau:
"Các chỉ tiêu vi sinh cơ bản đều nằm trong giới hạn cho phép của tiêu chuẩn VN TCVN 5777:2004 và phù hợp với tiêu chuẩn cơ sở sản phẩm mỳ Tiến Vua tôm sú chua cay TCCS 15:2010/MSF do Công ty Masan công bố ngày 22/3/2010 và được Cục An toàn vệ sinh thực phẩm - Bộ Y tế công nhận".
2. Mỳ Omachi mốc đen
Chị Nguyễn Thị Lan (Kim Mã Thượng, Hà Nội) mua một số gói mỳ Omachi loại xốt bò hầm tại một tiệm tạp hóa gần nhà.
Chị Lan cho biết, khi mua về bề ngoài gói mỳ hoàn toàn bình thường. Bao bì cũng ghi rõ ngày sản xuất là 19/7/2012 và ngày hết hạn là 18/1/2013.
Tuy nhiên, ngày 20/12/2012, chị Lan bóc gói mỳ để sử dụng thì thấy bề mặt vắt mì có nhiều đốm đen, cẩn thận kiểm tra lại, chị Lan phát hiện đó là những vết nấm mốc, cùng đó là mùi hôi khó chịu.
Công ty cổ phần thực phẩm Masan – nhà sản xuất mì gói Omachi giải thích, vì mì mua ở tiệm tạp hóa nên rất khó để xác định được gói mì có được bảo quản đúng cách hay không. Nếu không, gói mì rất dễ bị hư hỏng và thay đổi mùi vị.
3. Mỳ 3 miền có sinh vật lạ
Sáng 16/11/2012, bà Nguyễn Thị Minh (Quảng Bình) phát hiện sinh vật lạ đang ngọ nguậy trong bát mỳ đang ăn dở.
Khi đang ăn dở bà Minh thấy lợn cợn trong miệng nên không ăn nữa và đổ ra thau nhôm thì hoảng hồn khi phát hiện một sinh vật lạ dài 2-3 cm, có màu đen như con đỉa bò trong đó.
Đặc biệt, dù mỳ được pha với nước sôi nhưng sinh vật lạ vẫn ngọ nguậy, rất lâu sau mới chết. Bà Minh đã báo lên Công an xã Phúc Trạch. Gói mỳ bà Minh ăn ghi ngày sản xuất 22/9/2012 và hạn sử dụng 20/4/2013.
Ông Nguyễn Văn Lương, Chủ tịch UBND xã cho biết, sinh vật lạ được bà Minh phát hiện là con nhớt, sinh vật có rất nhiều ở địa phương.
Ông Lương cũng khẳng định, có khả năng do sơ suất mà bà Minh để con nhớt rơi vào hoặc con nhớt đã có trước khi bà Minh đổ số mỳ ăn liền thừa vào đó.
Về sự việc này, công ty Việt Hưngkhẳng định: Không có sinh vật lạ này trong các gói mỳ tôm 3 Miền mà bà Minh phát hiện. Đó có thể là do trong quá trình sử dụng sinh vật từ bên ngoài vào.
4. Mỳ tôm 3 miền có sán
Ngày 16/08/2013, bà Nguyễn Thị Xuân, (Hà Tĩnh) phát hiện thấy sán khi pha mỳ tôm 3 Miền cho con trai ăn. K
hi con trai ăn không hết, bà Xuân vớt váng mỡ trong bát mỳ tôm ra sân, sau 2 phút thì phát hiện một vật thể lạ dài khoảng 1cm, màu trắng, thỉnh thoảng vật này có thể co giãn.
Thấy thế bà Xuân gọi con trai, cháu nội lấy vật thể lạ đó cho vào bát khác và báo cáo chính quyền địa phương ngay trong ngày 16/8.
Sau quá trình kiểm tra và xét nghiệm, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Tĩnh kết luận, sinh vật lạ được bà Xuân phát hiện là đốt sán dây, được xâm nhập từ môi trường ngoài vào trong quá trình sử dụng.
Cơ quan này lý giải, trong quá trình chế biến mỳ tôm có thể xử lý ở nhiệt độ trên 100 độ C và bao gói kín nên các sinh vật không thể sống được.
Mặt khác khi pha mỳ tôm phải sử dụng nước sôi, trong khi sán dây chỉ sống được ở nhiệt độ đến 60 độ C.
5. Mỳ Hảo Hảo có dị vật
Tháng 3/2012, khách hàng tại Mễ Trì, Từ Liêm, Hà Nội phát hoảng khi thấy có nhiều vật lạ màu đen trên miếng mì tôm Hảo Hảo chua cay (của công ty cổ phần Acecook Việt Nam).
Theo thông tin trên bao bì, sản phẩm sản xuất ngày 23/02/2012 và thời hạn sử dụng là 5 tháng kể từ ngày sản xuất.
Sau sự việc đáng lo ngại này, phía công ty Acecook Việt Nam có hứa sẽ cho nhân viên đến lấy mẫu về để phân tích và “có câu trả lời” sau về vụ việc.
6. Mỳ Kokomi có sán
Ông Lê Ngọc Quang (Thanh Hóa) cho biết, ngày 11/11/2015, khi ăn mì Kokomi, ông phát hiện một số sinh vật lạ cựa quậy. Sau đó, ông Quang ra cửa hàng tạp hóa mua thêm 3 gói về bóc ra pha thì vẫn phát hiện sinh vật lạ như trên.
Theo trình bày của ông Quang, sinh vật có chiều dài từ 4 đến 8 mm, trên đầu có chấm đen. Nhận tin báo công an xã đã xuống nhà ông Quang để xác nhận sự việc.
Ông Lê Quang Vương, Phó công an xã cho biết, kiểm tra thì phát hiện sinh vật lạ trên vẫn còn sống trong bát mì tôm đã pha. Công an xã mang bát mì tôm này về trụ sở để bảo quản và trình báo, chờ cơ quan chuyên môn về giải quyết.
Trước đó 4 ngày (7/11), chị Lê Thị Liên, trú thôn 11, xã Ngọc Lĩnh, huyện Tĩnh Gia cũng đã phản ánh với báo chí về việc phát hiện sinh vật lạ giống như những con sán sau khi nấu mì cho con trai ăn.
Kết quả kiểm nghiệm của Trung tâm kiểm nghiệm tỉnh Thanh Hoá và báo cáo của Chi cục ATVSTP tỉnh Thanh Hoá ngày 16/11/2015 cho thấy, sản phẩm mì Kokomi tôm chua cay đạt các tiêu chuẩn kiểm nghiệm như công bố, không có vật lạ như thông tin trên.
Mặc dù hầu hết các vụ lùm xùm với các hãng mỳ tôm đều đã có kết quả phủ định hoặc lý giải hợp lý cho hiện tượng mốc hoặc có sinh vật lạ song khi sử dụng các sản phẩm mỳ tôm người tiêu dùng vẫn nên cẩn thận kiểm tra để đảm bảo VSATTP.