Theo đó, nội dung Dự thảo quy chế có khá nhiều điểm mới về phương thức tuyển sinh cũng như tổ chức nhiều đợt tuyển sinh trong năm, không giới hạn số lượng nguyện vọng thí sinh được đăng ký,...
Điểm mới về phương thức tuyển sinh
Theo dự thảo, các trường có thể tuyển sinh theo các phương thức: Sử dụng kết quả kỳ thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia để sơ tuyển, xét tuyển hoặc không sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia.
Đối với trường không sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia, Giám đốc các đại học, học viện, Hiệu trưởng nhà trường chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các khâu: Ra đề thi, coi thi, chấm thi (nếu tổ chức thi tuyển); xét tuyển và triệu tập thí sinh trúng tuyển; giải quyết các khiếu nại, tố cáo liên quan đến tuyển sinh.
Trường nào sử dụng kết quả thi tuyển sinh của các trường khác để xét tuyển thì phải quy định cụ thể trong đề án tuyển sinh của trường.
Ngoài ra, có thể tổ chức tuyển sinh riêng từng phần cho một số khoa, ngành. Trường sử dụng phương thức này phải đảm bảo các yêu cầu: Không để phát sinh hiện tượng các tổ chức và cá nhân là cán bộ, công chức, viên chức, nhà giáo của nhà trường tổ chức luyện thi; đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch trong tuyển sinh; không gây khó khăn, bức xúc đối với thí sinh và xã hội.
Các trường sử dụng đồng thời nhiều phương thức tuyển sinh cho một ngành hoặc nhóm ngành phải xác định và công bố công khai chỉ tiêu cho từng phương thức tuyển sinh.
Việc tuyển sinh có thể tổ chức nhiều đợt tuyển sinh trong năm học, báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo kết quả tuyển sinh của năm học trước ngày 31/1 của năm kế tiếp.
Đối với các trường tuyển sinh sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia: Những trường sử dụng tổ hợp các môn thi/bài thi mới ngoài các khối thi truyền thống (khối thi mà trường đã sử dụng từ năm 2014 trở về trước) để xét tuyển cho một ngành cần dành ít nhất 25% chỉ tiêu của ngành đó để xét tuyển theo các khối thi truyền thống.
Theo đó, quy định này chỉ thực hiện trong năm 2017.
Việc thêm các tổ hợp môn thi/bài thi mới để xét tuyển được thực hiện theo nguyên tắc: Sử dụng kết quả của 3 môn thi/bài thi, trong đó có ít nhất một trong hai môn thi độc lập Toán, Ngữ văn để xét tuyển. Các môn thi/bài thi đưa vào tổ hợp để xét tuyển phải gắn với yêu cầu của ngành đào tạo; không sử dụng nhiều hơn 4 tổ hợp môn thi/ bài thi để xét tuyển cho một ngành.
Đối với các trường, ngành năng khiếu, sử dụng kết quả của 3 bài thi/môn thi, trong đó, có ít nhất một bài thi Toán hoặc Ngữ văn kết hợp với kết quả thi năng khiếu để xét tuyển. Tùy theo yêu cầu của ngành đào tạo, các trường có thể quy định bài thi/môn thi chính được nhân hệ số khi xét tuyển.
Đặc biệt, theo dự thảo này, thí sinh không bị giới hạn số nguyện vọng đăng ký xét tuyển, số trường và phải sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp (nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất).
Trong hoạt động tuyển sinh năm 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo không quy định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào (điểm sàn).
Dự thảo quy chế chỉ qui định điều kiện cần chung nhất là thí sinh tốt nghiệp THPT, còn điều kiện đủ do các trường tự chủ qui định. Các trường phải công bố công khai cho xã hội biết điều kiện đầu vào trong đề án tuyển sinh.