Tuy nhiên, thực hư thế nào khi chỉ có những tài khoản mạng xã hội Facebook không đáng tin rao bán và chưa có bất kỳ doanh nghiệp, cửa hàng nào nhập về loại sản phẩm này?
Giá cả và chất lượng có tương xứng?
Sản phẩm xe điện đang làm mưa làm gió các diễn đàn và trang mạng xã hội được người bán "tung hô" với những công dụng vô cùng tuyệt vời: Mùa đông mưa phùn gió bấc đã đến, ai cũng ngại ra đường vì lạnh. Trước đây, nhiều gia đình không đủ điều kiện để sở hữu một chiếc ô tô có giá hàng trăm triệu đồng thì nay đã có giải pháp tháo gỡ. Ô tô điện loại tốt dành cho người lớn, nhỏ, gọn, tiện lợi nhưng giá chỉ tương đương giá xe máy. Hơn thế nữa, xe không cần đăng ký và cũng không cần bằng lái.
Theo lời quảng cáo, xe này có 3 loại: Loại 3 bánh, 4 bánh và mui trần.
Khả năng leo dốc của xe từ 25 - 35°, xe có phanh bánh sau ổ đĩa. Ngoài ra, pin xe được bảo trì miễn phí.
Thời gian sạc đầy pin là 5h, quãng đường di chuyển tối đa 60km.
Trong trường hợp người sử dụng muốn chạy xe với quãng đường dài hơn thì cần mua thêm pin dự phòng.
Người bán hàng còn khẳng định như đinh đóng cột rằng "Xe được nhập là xe chính hãng, xe chính hãng, đủ điều kiện tham gia giao thông ở Việt Nam giống như xe đạp điện. Xe có đầy đủ giấy tờ bảo hành sửa chữa chính hãng và đặc biệt người điều khiển xe không cần bằng lái."?
Nhưng trên thực tế, không có giấy tờ nào chứng minh cho việc loại xe này là chính hãng và đảm bảo an toàn cho người sử dụng cũng như đủ điều kiện để lưu thông tại Việt Nam.
Ngoài ra, để sở hữu sản phẩm này, người mua cần phải đặt cọc tiền trước và chờ từ 10 - 15 ngày mới có xe.
Chưa nói đến nguồn gốc và chất lượng sản phẩm, riêng sự đảm bảo và uy tín có lấy được xe hay không đã là một điều "mập mờ" của các hộ kinh doanh online này.
Thực hư về sản phẩm ra sao?
Ngay khi thị trường xôn xao về chiếc xe này thì Báo Diễn đàn đầu tư đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Hương Quỳnh, Đoàn Luật sư Hà Nội.
Theo đó, loại xe điện 3 bánh này nên phân loại là xe mô tô 3 bánh, được quy định tại khoản 18, Điều 3 Luật Giao thông đường bộ.
Tuy nhiên, để được tham gia giao thông thì chiếc xe phải đáp ứng các điều kiện quy định về chất lượng, an toàn kỹ thuật tại điều 53 Luật giao thông đường bộ, chủ sở hữu phải đăng ký và gắn biển số do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.
Vì vậy, các doanh nghiệp chưa nên kinh doanh mặt hàng ô tô điện mà cần đợi các văn bản hướng dẫn để có cơ sở thi hành vì sẽ có những rủi ro về mặt pháp lý.
Bên cạnh đó, mỗi người dân cũng cần cân nhắc kỹ, không nên vì ý thích nhất thời mà bỏ tiền ra sở hữu một loại phương tiện chưa biết có được lưu hành hay không.
Không chỉ tạo cơn sốt trong thời gian gần đây, mà vào khoảng cuối năm 2014, tại 1 số diễn đàn thị trường Hà Nội cũng đã rộ lên việc rao bán ô tô điện 3, 4 bánh với giá từ 25 - 50 triệu đồng/chiếc.
Tuy nhiên, hầu như là hình thức bán hàng online và không có sản phẩm cụ thể. Khách hàng sẽ phải đặt cọc 1 khoản tiền trước rồi chọn mẫu qua ảnh và chờ đợi để nhận đồ.
Với lý do sợ tình trạng xe nhập về bị tồn nên người bán chỉ nhập xe khi có người đặt cọc trước. Về chất lượng xe thì bên bán hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Như vậy, trên thực tế loại xe ô tô điện này chưa có giấy phép được lưu thông tại Việt Nam cũng như chưa có các quy định đảm bảo về an toàn chất lượng. Do đó, người tiêu dùng cần cân nhắc kỹ trước khi lựa chọn hay quyết mua bất kỳ sản phẩm xe điện nào.