Theo thông tin cho biết, liên quan đến phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển (phí hạ tầng cảng biển) tại TP.HCM, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái yêu cầu UBND TP.HCM sớm trình HĐND Thành phố xem xét, điều chỉnh mức phí hạ tầng cảng biển trong tháng 7 tới.
Ngày 8/6, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo số 619/TB-VPCP về thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại cuộc họp diễn ra ngày 30/5/2022 về phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển tại TP.HCM. Thông báo cho biết, sau khi nghe ý kiến của các đại biểu dự cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái kết luận như sau:
Luật Phí và Lệ phí đã được Quốc hội thông qua ngày 25/11/2015 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2017. Theo ý kiến của các bộ, cơ quan, HĐND TP.HCM ban hành Nghị quyết quy định mức thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn TP.HCM (gọi tắt là phí hạ tầng cảng biển) để cụ thể hóa pháp luật về phí, lệ phí và hoàn thiện hệ thống khung pháp lý là đúng thẩm quyền.
Về thời gian, TP.HCM đã ban hành Nghị quyết sau gần 5 năm có Luật Phí và Lệ phí là tương đối chậm. Mặc dù TP.HCM đã 2 lần lùi thời điểm triển khai thu phí hạ tầng cảng biển và bắt đầu thu phí từ ngày 1/4/2022.
Tuy nhiên, giai đoạn hiện nay, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19 và tác động bởi nhiều yếu tố khác trong nước và thế giới. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp, hiệp hội có kiến nghị về việc thu phí hạ tầng cảng biển của TP.HCM.
Theo ý kiến của các bộ: Tài chính, Giao thông Vận tải, Công thương, Tư pháp và các cơ quan tại cuộc họp, một số nội dung về mức thu, đối tượng thu phí hạ tầng cảng biển TP.HCM cần lưu ý như:
Việc quy định mức thu phí khác nhau đối với hàng hóa mở tờ khai tại TP.HCM và hàng hóa mở tờ khai tại địa phương khác cần đảm bảo nguyên tắc công bằng, minh bạch, bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của công dân theo quy định Luật Phí và Lệ phí.
Rà soát mức thu của hàng tạm nhập tái xuất, hàng quá cảnh, hàng chuyển khẩu.
Rà soát sự phù hợp với các cam kết quốc tế, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trong đó có hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Campuchia về vận tải đường thủy.
Đồng thời xem xét điều chỉnh mức thu phí hợp lý đối với hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu được vận chuyển bằng đường thủy nội địa theo Chỉ thị số 37/CT-TTg ngày 29/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển vận tải thủy nội địa và vận tải ven biển bằng phương tiện thủy nội địa.
Đề nghị UBND TP.HCM nghiên cứu tiếp thu ý kiến của các bộ, các cơ quan, sớm trình HĐND TP xem xét, điều chỉnh trong tháng 7/2022. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, giải thích đến doanh nghiệp, hiệp hội, các cơ quan hữu quan để tạo sự đồng thuận khi thực hiện thu phí hạ tầng cảng biển TP.HCM.
Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan theo dõi tình hình tổ chức điều chỉnh thu phí hạ tầng cảng biển TP.HCM của UBND TP.HCM, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo.
Mức thu phí cảng biển trên địa bàn TP.HCM
Đối với hàng nhập tái xuất, hàng gửi kho ngoại quan, hàng chuyển khẩu, mức phí là 2,2 triệu đồng/container 20 feet; 4,4 triệu đồng/container 40 feet và 50.000 đồng/tấn hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container.
Đối với hàng xuất, nhập khẩu mở tờ khai ngoài TP.HCM, mức phí là 500.000 đồng/container 20 feet; 1 triệu đồng/container 40 feet; và 30.000 đồng/tấn hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container.
Trước đó, Tạp chí Kinh tế Môi trường đã đăng tải rất nhiều bài viết về việc thu phí hạ tầng cảng biển của Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, việc thu phí cảng biển với hàng quá cảnh của TP.HCM đang làm giảm lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp. Ông Ngô Khắc Lễ, Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam từng chia sẻ: “Theo tôi thì khả năng rất lớn là các doanh nghiệp sẽ phải suy nghĩ về việc chi phí tăng như vậy thì người ta phải thay đổi việc mà giống như trước đây Hải Phòng đã làm. Nếu mà thu phí rõ ràng hệ lụy đối với doanh nghiệp sẽ là rất lớn, Quốc hội và Chính phủ luôn muốn đồng hành cùng doanh nghiệp, tháo gỡ cho doanh nghiệp và đang tìm cách để giảm bớt các chi phí để phục hồi doanh nghiệp phát triển hơn nữa, sâu xa hơn là nguồn thu của quốc gia là đóng góp của doanh nghiệp rất lớn, nếu thu phí rõ ràng doanh nghiệp bị ảnh hưởng lớn, đó là một hệ lụy mà ta thấy”.
Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/dieu-chinh-muc-thu-phi-cang-bien-o-tphcm-trong-thang-7-67990.html