Reatimes đã có cuộc trò chuyện với nhà báo Nguyễn Hoàng Linh, nhà văn Nguyễn Thành Phong, nhà báo Bùi Văn Doanh.
PV: Là người làm việc trong lĩnh vực truyền thông báo chí, đã từng đồng hành cùng với doanh nhân, doanh nghiệp, theo các nhà báo, giới doanh nhân, doanh nghiệp đã được xã hội đánh giá như thế nào trong thời gian gần đây?
Nhà báo Bùi Văn Doanh: Theo tôi, sự nhìn nhận, đánh giá của xã hội đối với giới doanh nhân, doanh nghiệp gần đây đã có sự thay đổi rất lớn theo chiều hướng tích cực. Xã hội đã có sự nhìn nhận, đánh giá công bằng hơn đối hơn đối với giới thương mại, không còn coi họ là những người không làm ra của cải mà chỉ kiếm lãi bằng “nước bọt”. Xã hội cũng dần dần từng bước quen với việc làm giàu của các doanh nhân. Nếu như trước đây, xã hội thường nhìn các doanh nhân giàu lên nhanh chóng bằng con mắt nghi ngờ, đố kỵ, thậm chí đến mức “kỳ thị” thì bây giờ, thái độ đó đã giảm đi rất nhiều. Đặc biệt, nhiều người đã có tư tưởng đánh giá cao sự đóng góp cho xã hội của giới doanh nhân, còn sự giàu có của cá nhân họ là tất yếu, bởi đó là kết quả của tài năng, trí tuệ, nghị lực, bản lĩnh và sự làm việc không biết mệt mỏi.
Nhà văn Nguyễn Thành Phong: Có lẽ, chưa bao giờ chúng ta được nói, được nghe nói và bàn nhiều về lập nghiệp, khởi nghiệp và làm giàu như bây giờ. Trong thành ngữ, tục ngữ, ca dao, là những áng văn học truyền miệng để truyền dạy con người ta, thì chủ yếu đều hướng đến “thanh bần lạc đạo”, tìm cái đẹp trong nghèo khó gian nan, ung dung tự tại trong nghèo khó gian nan, chứ rất ít câu ca tụng giàu có sang trọng, thôi thúc người ta hướng đến giàu có và sang trọng. Điều này dẫn đến một tâm lý thâm căn cố đế của người Việt là ghét người giàu, coi khinh người giàu, trong khi chính bản thân mình thì luôn luôn mơ trở thành người giàu.
May sao hiện nay, tâm lý ấy đang được giải tỏa dần. Dân giàu nước mạnh, “thực túc” thì “binh cường”, đã trở thành chủ đạo. Doanh nhân đã trở thành nhân vật được ngưỡng mộ. Phát triển kinh tế tư nhân, tức là làm giàu cho cá nhân, được bảo hộ. Giàu có chân chính không còn phải giấu nữa. Doanh nhân, doanh nghiệp đã được tôn trọng, đề cao. Làm giàu chân chính trở thành tấm gương cho cả cộng đồng học tập, noi theo...
Tuy nhiên, chưa phải đã là hoàn hảo hết đâu. Vẫn còn nhiều rào cản và tâm lý ngăn trở việc làm giàu, trở thành người giàu lắm. Nhưng tôi tin vào xu hướng ngày càng tốt hơn để mọi người hướng đến sự giàu có, dân chủ và văn minh chung cho cả xã hội.
PV: Thưa nhà báo Nguyễn Hoàng Linh, như nhà văn Nguyễn Thành Phong đã nói, vẫn đang còn nhiều rào cản và tâm lý ngăn trở việc làm giàu. Mặt khác, mặc dù dân số của chúng ta khá đông nhưng nhiều năm nay, doanh nhân Việt Nam lọt vào danh sách tỷ phú thế giới do Forbes bình chọn lại chỉ đếm trên đầu ngón tay. Điều này cũng đồng nghĩa với việc chúng ta có quá ít doanh nhân "đẳng cấp thế giới”. Theo ông nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này?
Nhà báo Nguyễn Hoàng Linh: Bạn đã bao giờ dành thời gian để ngẫm nghĩ đến việc người ta “bứng” cả gốc lẫn ngọn những cây rừng lớn về trồng tại thành phố chưa? Tại sao họ lại làm như vậy? Bởi vì theo quy luật tự nhiên, mọi sự sinh trưởng phải trả giá bằng thời gian. Nếu ở thành phố mà trồng cây giống to bằng cổ tay thì biết bao giờ nó mới tỏa bóng mát như mong muốn?
Với các doanh nghiệp cũng vậy thôi, cũng phải từ nhỏ rồi mới đến lớn, và cũng phải trả giá theo quy luật sinh tồn.
Điểm mặt các “anh tài” trong giới doanh nhân Việt Nam hiện nay, không ít người đã thành công sự nghiệp ở nước ngoài và mang vốn liếng, kể cả vật lực và trí lực, về Việt Nam làm ăn rồi sinh con đẻ cái. Cũng không ít người phải có những nguồn lực ngoại vi để hỗ trợ nội lực của mình. Còn đại đa số các doanh nghiệp Việt Nam là từ những hạt giống nhỏ lẻ, tự phát; rồi tự sinh, tự diệt, muốn lớn lên thành tỷ phú để được “chui” vào danh sách của Forbes thì có thể nhận xét là không thể.
Còn nguyên nhân nữa, đó là nhiều chục năm, nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp đã triệt hạ nền kinh tế tư nhân của nước nhà một cách tàn nhẫn. Không những triệt hạ từ mầm cây giống mà còn triệt hạ cả môi trường sống của chúng. Một hệ thống quản lý kinh tế quốc gia mà từng cái kim, sợi chỉ cũng “mua theo lệnh, bán theo lệnh” thì làm sao kích thích sự sáng tạo của khối kinh tế tư nhân? Một dòng chảy tư duy từ trên xuống dưới coi kinh tế tư nhân là mầm mống nảy sinh ra kinh tế tư bản, coi đây là một hình thái kinh tế đối lập, thì làm sao các doanh nghiệp tư nhân nước nhà có đất phát triển?
Chỉ cần với những lý do ấy, bạn có thể dễ dàng nhận thấy, Việt Nam ta có thể “đếm trên đầu ngón tay” số tỷ phú trong Forbes cũng đã là niềm tự hào rồi.
Đó cũng là kết quả bước đầu của công cuộc đổi mới, và cũng là thành quả của suốt 30 năm chứ không ít đâu!
PV: Vậy theo ông, doanh nhân Việt Nam ngày nay còn gặp những khó khăn gì?
Nhà báo Nguyễn Hoàng Linh: Theo số liệu Tổng cục Thống kê, trong9 tháng đầunăm 2018, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới chỉ tăng 2,8% và tăng 6,7% về vốn so với cùng kỳ năm 2017. Trong khi đó, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và giải thể thì không ngừng tăng mạnh, lần lượt là 48,1% và 32,1%. Con số ấy nói lên điều gì? Đó là đội ngũ doanh nghiệp của chúng ta quá yếu, quá dễ bị tổn thương, dễ bị nhiễm bệnh và dẫn đến tử vong. Ta cứ thử liên tưởng đến việc trồng cây thôi, thí dụ như câu “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” thì sẽ thấy rằng, sự tồn tại và phát triển của các doanh nghiệp cần phải có sự hỗ trợ nhiều như thế nào?
Môi trường kinh doanh hiện nay đã được cải thiện hơn rất nhiều so với trước đây, nhưng vẫn còn rất nhiều trở ngại và sách nhiễu. Vừa mới hôm qua, tôi được xem trên mạng một clip quay cảnh mấy ông công an xã ở tỉnh Phú Thọ quân phục chỉnh tề ra chặn đường, không cho máy gặt lúa xuống đồng trong khi lứa chín vàng rũ, mà bắt phải vào UBND xã để ký hợp đồng (!?).
Bạn thấy không, chính quyền mà lại can thiệp đến từng hợp đồng của nông dân và doanh nghiệp một cách phũ phàng, bất chấp luật pháp, “vác” cả công an xã ra để gây áp lực với doanh nghiệp thì hết chỗ nói. Với những rào cản như thế, doanh nghiệp dễ dàng tan tành ngay trong trứng nước chứ chưa nói sẽ trở thành tỷ phú.
Đấy là mới nói đến môi trường kinh doanh được ví như là nước đối với cây trồng. Còn các yếu tố khác, như vốn liếng, công nghệ, quản trị, nguồn nhân lực..., tất cả những thứ đó đều là những thử thách không dễ vượt qua của doanh nghiệp Việt Nam.
PV: Theo các ông, để doanh nghiệp Việt thực sự lớn mạnh đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp quốc tế cần có những hỗ trợ như thế nào từ phía nhà nước?
Nhà báo Bùi Văn Doanh: Điều đầu tiên và quan trọng nhất là Nhà nước phải coi cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân là đối tượng mình phục vụ chứ không phải là đối tượng quản lý. Chỉ có như thế mới có cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển và khuyến khích, động viên đội ngũ doanh nhân hào hứng sáng tạo, tập trung cho phát triển doanh nghiệp để phục vụ xã hội. Cũng chỉ có như thế thì các thủ tục hành chính mới vì doanh nghiệp và người thực thi ở các cấp mới không còn “hành” doanh nghiệp, thì doanh nghiệp mới không còn cảnh lo làm ăn thì ít mà lo “bôi trơn” thì nhiều…
Tôi cứ nghĩ, nếu bây giờ chúng ta nhanh chóng giải quyết được nút thắt trong khâu tổ chức thực hiện, doanh nhân, doanh nghiệp thực sự được “cởi trói”, không còn phải lao tâm khổ tứ bởi các thủ tục hành chính, bởi phải chạy vạy lo “bôi trơn”. Do đó, tập trung được sức sáng tạo vào phát triển sản xuất kinh doanh thì cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt sẽ còn lớn mạnh biết chừng nào.
Nhà báo Nguyễn Hoàng Linh: Ai cũng biết, cách đây ít lâu, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đặt ra mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam sẽ có 1.000.000 doanh nghiệp. Số liệu Tổng điều tra kinh tế 2017 (được thực hiện 5 năm một lần) cho hay, tính đến 1/7/2017, cả nước có hơn 517,9 nghìn doanh nghiệp nhưng số lượng hoạt động thực tế là 505,1 nghìn. Lượng doanh nghiệp tăng thêm hướng đến mục tiêu đề ra chủ yếu từ nguồn thành lập mới và khuyến khích hộ kinh doanh cá thể đăng ký lên doanh nghiệp.
Để đạt con số 1 triệu doanh nghiệp, từ nay, mỗi năm cả nước phải có thêm 120 nghìn doanh nghiệp, và điều này chưa tính đến việc không có doanh nghiệp nào phá sản, giải thể.
Bạn đã thấy khó chưa?
Trên Chính phủ thì nóng bỏng, quyết tâm như thế, xuống mỗi cấp thì quyết tâm ấy lại tụt đi dăm độ, rồi nhiều chỗ, nhiều nơi trở thành lạnh băng và vô cảm. Bạn nên hiểu rằng cụm từ Nhà nước là “bà đỡ” thì phải tính từ cấp Chính phủ tới cấp xã. Cả một bộ máy hành chính cồng kềnh và nặng nề đã khiến “tính cách nhiệt” trong những công chức vô cảm ngày càng tăng lên. Trên nóng, dưới lạnh là một căn bệnh phổ biến hiện nay của nền kinh tế nước nhà, mà câu chuyện công an xã ở Phú Thọ kia là một ví dụ.
PV: Có thể nói, doanh nhân Việt hiện không chỉ phát triển kinh doanh, làm giàu cho mình, mà còn làm ra ngày càng nhiều của cải, vật chất, sản phẩm cho xã hội, đóng góp cho cộng đồng. Các ông nhận định thế nào về quan điểm “Doanh nhân phải đi cùng người dân?”
Nhà báo Bùi Văn Doanh: Theo tôi, quan điểm này có bao hàm hai luận điểm chính: Thứ nhất là bám sát, đón bắt nhu cầu của người tiêu dùng và thứ hai là phải vì lợi ích người tiêu dùng theo đúng phương châm “khách hàng là thượng đế”, “khách hàng là người nuôi sống doanh nghiệp”, là người “đem lại lợi ích cho doanh nghiệp”…
Luận điểm thứ nhất người ta dễ dàng thống nhất với nhau, vì khách hàng chính là người tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa do doanh nghiệp sản xuất, bán hàng. Vì vậy người ta thường nói với nhau câu châm ngôn: “Bán cái khách hàng cần chứ không phải cái mình có”. Tuy nhiên, còn có vế thứ hai mà những doanh nghiệp nhỏ thường ít để ý và khó làm được, đó là vai trò định hướng tiêu dùng. Không có sản phẩm, hàng hóa nào tự nhiên tồn tại mà đều do nhà sản xuất hoặc người tiêu dùng sáng tạo ra. Nhưng sáng tạo ra sản phẩm mới đã khó, việc làm sao để sản phẩm tồn tại và đi vào cuộc sống còn khó khăn gấp bội.
Về luận điểm thứ hai, doanh nghiệp phải đặt lợi ích của người tiêu dùng lên trên hết. Doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển tất nhiên phải có lãi. Nhưng nếu lúc nào doanh nghiệp cũng chỉ nhăm nhăm vào lợi ích của mình mà không đếm xỉa đến lợi ích của khách hàng, kiếm lời bằng mọi giá thì sẽ khó có thể phát triển bền vững.
Nhà văn Nguyễn Thành Phong: Doanh nhân đi cùng người dân ư? Theo tôi có một định nghĩa mới, rất đúng và rất hay, gọi là "Doanh nhân dân tộc". Đó là những người biết làm giàu, đã làm được giàu cho mình, nhưng còn có thêm tinh thần dân tộc, có đóng góp để mang lại sự phát triển chung của đất nước và vinh danh dân tộc Việt. Một định nghĩa mang tính định tính thôi, nhưng được biểu hiện bằng rất nhiều cách thức phong phú trong đời sống thực tiễn. Những doanh nhân không chỉ giàu có, thành đạt, mà còn mang lại đươc niềm vui, niềm tự hào, làm tăng lên vị thế cho người Việt Nam chúng ta, thì đó chính là doanh nhân dân tộc. Để trở nên được như thế, không chỉ từ bản lĩnh, phẩm chất, tâm huyết, tấm lòng của mỗi doanh nhân, mà còn cần cả sự vun đắp và cổ vũ từ cộng đồng người Việt chúng ta nữa!
Thiết kế: Đức Anh