Vì biến động giá và chờ Bộ Tài chính thẩm định nên thời gian vận hành đoàn tàu bị lùi khoảng một năm.
Trong khi người dân dọc tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông mong chờ đại công trường này sớm được giải toả như tiến độ mà Bộ GTVT từng hô quyết tâm, thì dự án này một lần nữa lại lùi thời điểm vận hành chính thức dù tiến độ được cho là không còn chậm nữa.
Chiều 29/9, Thứ trưởng Trường cho hay, biến động giá rất lớn về mọi mặt dẫn đến trượt giá thiết bị nên năm 2013, Tổng thầu Trung Quốc đã đề nghị phải điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông.
Trên cơ sở tính toán, Bộ Giao thông và Tổng thầu Trung Quốc đã thống nhất bổ sung 250,62 triệu USD cách đây 3 năm.
Nhân chuyến thăm của Thủ tướng sang Trung Quốc làm việc mới đây, hai bên ký kết để lấy vốn cho dự án, chứ không phải là vốn tăng thêm và vay mới.
Về tiến độ, trước đó Bộ Giao thông dự định đưa vào vận hành thử nghiệm đường sắt Cát Linh – Hà Đông vào cuối năm 2016.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Trường, đến cuối năm 2016 mới hoàn thành xây lắp, hết quý 1/2017 lắp đặt xong đoàn tàu, sau đó sẽ vận hành thử trong 3 tháng và đến cuối tháng 9/2017 đường sắt Cát Linh – Hà Đông mới có thể khai thác thương mại.
Lý giải nguyên nhân chậm tiến độ, Thứ trưởng Trường cho biết, từ năm 2013 đến nay dự án được kiểm soát tốt về tiến độ.
Phía Trung Quốc vẫn quyết tâm hoàn thành phần xây lắp như nhà ga, đường tàu, khu bảo dưỡng Depot vào cuối năm 2016.
Bộ Giao thông đang đàm phán mua gói thiết bị khoảng 200 triệu USD nhằm đảm bảo có được công nghệ mới nhất cho dự án. Bộ cũng đã mời Bộ Tài chính tham gia thẩm định giá.
Theo báo Lao động, những công trường như dự án Cát Linh – Hà Đông, sự tăng trưởng nóng của phương tiện cá nhân cùng tình trạng “loạn” xe taxi ngoại tỉnh được cho là một số nguyên nhân khiến tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội dù có cải thiện nhưng chưa đáng kể.
Cụ thể, phát biểu trong hội nghị tổng kết quý III của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) ngày 29.9, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện nhận định tình hình trật tự an toàn giao thông ở Hà Nội còn nhiều khó khăn, dù trong 9 tháng giảm 13/44 điểm ùn tắc và việc ứng phó tại một số điểm có sự cố giao thông chưa tốt dẫn tới tình trạng kẹt cứng mà trong đó, cầu Tó là một điển hình.
Sự bị động và ứng phó cũng như phối hợp kém của các lực lượng chức năng khi xảy ra tắc nghẽn giao thông dễ gây ùn tắc giao thông.