Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID) vừa công bố báo cáo định kỳ về chất lượng không khí quý I/2017 ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM. Theo đó, Hà Nội tiếp tục là thành phố có mức độ ô nhiễm không khí cao hơn trong quý đầu năm qua.

Cụ thể, Thủ đô Hà Nội đã trải qua 3 tháng đầu năm 2017 với nồng độ bụi cao trong không khí với 37 ngày nồng độ PM 2.5 cao hơn so với giới hạn Quy chuẩn Quốc gia (50 μg/m3) và 78 ngày vượt quá giới hạn theo Hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là 25 μg/m3.

Còn tại TP Hồ Chí Minh, trong 3 tháng đầu năm 2017, nồng độ trung bình PM 2.5 thấp hơn ở Hà Nội. So với Hà Nội, chất lượng không khí ở thành phố Hồ Chí Minh thực sự tốt hơn. Tuy nhiên, cũng có đến 78 ngày không khí tại đây có mức độ bụi cao hơn so với tiêu chuẩn của WHO (25 μg/m3).

PM viết tắt cho Particulate Matter (vật chất dạng hạt): bao gồm một hỗn hợp các hạt vật chất rắn và lỏng trong không khí.

Ô nhiễm dạng hạt bao gồm:

PM10: Bụi có thể hít phải với đường kính từ 10 micrometers trở xuống, có thể bị con người hít vào khi thở, những hạt này tích tụ trên phổi, gây ra nguy hại cho sức khỏe con người. 

PM2.5: Bụi mịn có thể hít phải với đường kính từ 2.5 micrômét trở xuống. Những hạt này đặc biệt nguy hiểm bởi vì chúng xâm nhập trực tiếp vào các túi phổi.

Chỉ số PM2.5 là mật độ số hạt PM2.5 có trong 1 mét khối không khí, mức tiêu chuẩn và an toàn là 10, tức là 10 hạt trong 1 mét khối không khí. Chỉ số này càng cao mức độ ô nhiễm không khí càng nguy hiểm.


Tình trạng ô nhiễm không khí đang gây tác động tiêu cực tới sức khỏe con người

Nhìn chung chất lượng không khí quý I ở Hà Nội đã có cải thiện so với cùng kỳ năm ngoái (quý I/2016) nhưng số ngày chất lượng không khí ở mức “rất có hại cho sức khỏe” lại gia tăng. Còn tại TP Hồ Chí Minh, tình hình lại trái ngược khi chất lượng không khí quý I/2017 kém hơn so với cùng kỳ năm 2016.

Tuy nhiên, cũng giống như trong năm 2016, mức độ ô nhiễm không khí ở Hà Nội hiện vẫn nghiêm trọng hơn so với TP Hồ Chí Minh.

Báo cáo hiện tượng môi trường quốc gia về không khí trươc đó cũng nhận định rằng Hà Nội có mức độ ô nhiễm hơn hẳn TP Hồ Chí Minh dù mật độ dân số và phương tiện cơ giới ít hơn.

Theo ông Nguyễn Trọng Đông, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, quá trình đô thị hóa kéo theo sự gia tăng dân số, số lượng phương tiện giao thông cơ giới tăng mạnh... đã gây ra ô nhiễm môi trường không khí, đặc biệt là ô nhiễm bụi và tiếng ồn là những nguyên nhân khiến chất lượng không khí tại thành phố Hà Nội trong thời gian gần đây có biểu hiện suy thoái.

Theo Minh Chuyên/Reatimes