Đến nay, Tổng cục Dự trữ Nhà nước mới ký nhập kho được 7.700 tấn trên tổng số 190.000 tấn mà Thủ tướng giao.

Hàng loạt doanh nghiệp hủy thầu

Thông báo được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục dự trữ Nhà nước thuộc Bộ Tài chính cho thấy, Cục Dự trữ Nhà nước các vùng đã có quyết định hủy bỏ kết quả lựa chọn nhà thầu cung cấp gạo dự trữ quốc gia. Cụ thể, Cục dự trữ Nhà nước khu vực Nam Trung bộ thông báo hủy kết quả lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu số 4, 5, 6 và 7 thuộc dự án mua 9.000 tấn gạo nhập kho dự trữ quốc gia năm 2020.

Giá gạo tăng khiến nhiều doanh nghiệp từ chối bán gạo cho Nhà nước.

Theo đó, 4 gói thầu nêu trên do: Công ty cổ phần xuất nhập khẩu lương thực Thành Sang (gói 4 và 6); Công ty cổ phần lương thực Hà Tĩnh (gói 5) và Công ty cổ phần Thương mại và Du lịch Bắc Hà Tĩnh (gói 7) là những đơn vị đã trúng đầu. Tuy nhiên, cả 4 đơn vị này đều từ chối hoàn thiện và ký kết hợp đồng nên có quyết định hủy.

Cục Dự trữ Nhà nước khu vực TP Hồ Chí Minh cũng đã thông báo hủy 6 gói thầu (từ 1 đến 6) cung cấp gạo nhập kho dự trữ quốc gia năm 2020. Trong đó, các doanh nghiệp đã trúng thầu trước đó gồm: Công ty cổ phần lương thực Đông Bắc; Công ty TNHH xuất nhập khẩu lương thực Bình Minh Hai và Công ty cổ phần Lương thực Cao Lạng. Riêng gói thầu số 5 và 6 (trong số 6 gói thầu đã được đề cập) bị hủy do không có nhà thầu trúng thầu. Bởi, giá dự thầu vượt giá gói thầu và không tham gia chào lại giá.

Trong khi đó, Cục dự trữ Nhà nước khu vực Tây Nam bộ thông báo hủy thầu và hủy kết quả lựa chọn nhà thầu của gói thầu cung cấp gạo dự trữ quốc gia năm 2020 đối với Tổng công ty lương thực miền Bắc (Vinafood 1) với gói thầu số 1 và 6; Công ty TNHH lương thực Bình Minh Hai với gói 2, 3 và 4; Công ty cổ phần lương thực Cao Lạng với gói thầu số 5.

Tương tự, Cục dự trữ Nhà nước khu vực Bình Trị Thiên thông báo hủy kết quả lựa chọn nhà thầu cung cấp 10.500 tấn gạo nhập kho dự trữ quốc gia năm 2020 đối với các công ty tham gia đấu thầu. Trong đó, Công ty TNHH Phát Tài đã đấu thầu gói thầu số 1, 7 và 8; Công ty cổ phần lương thực Cao Lạng đấu thầu gói thầu số 2; Công ty cổ phần lương thực Hà Tĩnh gói thầu số 3 và 5; Công ty cổ phần xuất nhập khẩu lương thực Thành Sang gói thầu số 4; Công ty cổ phần lương thực Hà Nam Ninh gói thầu số 6 và Công ty cổ phần lương thục Thanh Nghệ Tĩnh gói thầu số 9.

Ông Huỳnh Quang Hải, Thứ trưởng Bộ Tài chính trong một văn bản mới đây cho biết, Tổng Cục dự trữ Nhà nước đã đấu thầu 190.000 tấn gạo kế hoạch dự trữ quốc gia năm 2020 và có 178.000 tấn gạo được các doanh nghiệp tham gia đấu thầu đã trúng thầu. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đã được phê duyệt kết quả trúng thầu và thông báo kết quả trúng thầu nhưng có văn bản từ chối hoặc không đến ký hợp đồng với tổng số lượng lên đến 160.300 tấn.

Từ chối bán gạo cho nhà nước, tích cực đăng ký xuất khẩu

Thống kê có 4 doanh nghiệp nằm trong danh sách nhà thầu trúng thầu cung cấp gạo dự trữ quốc gia năm 2020. Ví dụ: Tổng Công ty lương thực miền Bắc trúng thầu 4.500 tấn, đến thời điểm hiện nay chưa ký hợp đồng. Tuy nhiên, doanh nghiệp này lại đăng ký xuất khẩu 8 tờ khai với số lượng 7.200 tấn.

Công ty TNHH Phát Tài trúng thầu 17.940 tấn gạo dự trữ nhưng doanh nghiệp cũng đăng ký 5 tờ khai xuất khẩu, tổng khối lượng hơn 13.000 tấn.

Công ty Cổ phần Vĩnh Tường và Công ty CP xuất nhập khẩu Thuận Ninh cũng nằm trong danh sách trúng thầu nhưng chưa ký hợp đồng với Tổng Cục dự trữ Nhà nước. Tuy nhiên, 2 doanh nghiệp này cũng đăng ký tờ khai xuất khẩu trên 10.000 tấn.

Theo ông Đỗ Việt Đức, Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước, do các doanh nghiệp đơn phương hủy hợp đồng bán gạo nên đơn vị này sẽ tổ chức đấu giá lại. Cũng bởi nhiều doanh nghiệp hủy thầu nên đến nay, Tổng cục Dự trữ Nhà nước mới ký hợp đồng mua gạo của doanh nghiệp trúng thầu 7.700 tấn gạo (đạt 4% mục tiêu 190.000 tấn gạo mà Thủ tướng giao).

Trong khi các doanh nghiệp đang đẩy mạnh xuất khẩu gạo nhưng lại hủy thầu bán gạo cho Nhà nước.

Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Bộ Công thương) Âu Anh Tuấn cho rằng, hiện nay chưa có chế tài buộc doanh nghiệp phải ký hợp đồng đối với lượng gạo đã trúng thầu khi đấu thầu lượng gạo dự trữ quốc gia thì mới được xuất khẩu. Do vậy, theo Tổng cục Hải quan, Bộ Công Thương cần xem xét lại quy định quản lý xuất khẩu gạo. Thay bằng phân bổ hạn ngạch tổng lượng hàng tháng thì có thể đấu giá hạn ngạch như mặt hàng đường mà Bộ Công Thương đang thực hiện. Bên cạnh đó, việc đấu giá hạn ngạch dựa trên nguyên tắc doanh nghiệp tham gia đấu giá phải đáp ứng điều kiện xuất khẩu theo quy định tại Nghị định 107/2018/NĐ-CP quy định về kinh doanh xuất khẩu gạo. Ngoài ra, doanh nghiệp phải thực hiện hợp đồng cung ứng gạo cho dự trữ quốc gia và doanh nghiệp phải ký hợp đồng với một siêu thị liên kết để cam kết đảm bảo dự trữ lưu thông tối thiểu 5% tổng lượng hàng hóa xuất khẩu của doanh nghiệp trong 6 tháng trước. Nếu doanh nghiệp đảm bảo các yếu tố này mới được tham gia vào đấu giá hạn ngạch. Từ đó, doanh nghiệp sẽ chủ động hơn, khi có hạn ngạch rồi doanh nghiệp sẽ thực hiện ký hợp đồng và thực hiện đăng ký tờ khai xuất khẩu.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, theo Luật Đấu thầu, việc các doanh nghiệp trúng thầu mà không thực hiện sẽ mất từ 1 - 3% tiền bảo lãnh dự thầu tùy theo quy mô gói thầu mà sẽ không bị xử lý gì khác bởi họ chưa thực hiện ký hợp đồng. Vì thế, các doanh nghiệp này sẵn sàng chấp nhận mất tiền đặt cọc để dành gạo cho xuất khẩu. Điều này có thể ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia trong bối cảnh tình hình dịch bệnh và xâm nhập mặn diễn biến phức tạp.

Theo Báo Dân Sinh