Mới đây, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo, tình hình sản xuất lúa gạo toàn cầu trong niên vụ 2021 - 2022 sẽ đạt mức kỷ lục, lên tới 505,4 triệu tấn gạo xay xát, tăng 1,9 triệu tấn so với niên vụ trước.

Trong đó, các nước được dự báo sản xuất lúa gạo tăng mạnh trong niên vụ này, bao gồm Bangladesh, Malaysia, Campuchia, Trung Quốc, Bờ Biển Ngà, Hàn Quốc, Paraguay, Đài Loan, Thái Lan.

Sau 2 năm liên tiếp giữ vị trí quốc gia xuất khẩu gạo thứ 2 thế giới, có thể thời gian tới, Việt Nam sẽ bị “tụt hạng”, xuống vị trí thứ 3 với 6,3 triệu tấn gạo xuất khẩu. (Ảnh: Việt Vũ)
Sau 2 năm liên tiếp giữ vị trí quốc gia xuất khẩu gạo thứ 2 thế giới, có thể thời gian tới, Việt Nam sẽ bị “tụt hạng”, xuống vị trí thứ 3 với 6,3 triệu tấn gạo xuất khẩu. (Ảnh: Việt Vũ)

Ngược lại, các nước như Colombia, Ecuador, Ấn Độ, Iraq, Madagascar, Philippines, Sri Lanka, Mỹ và Việt Nam dự báo sẽ đạt sản lượng thấp hơn trong niên vụ 2021-2022.

Đối với gạo xuất khẩu, trong năm 2022, USDA dự báo sẽ đạt 46,4 triệu tấn gạo xay xát, tăng nhẹ 0,1 triệu tấn gạo so với năm 2021. Tuy nhiên, sản lượng gạo xuất khẩu trong năm 2022 thấp hơn nhiều so với mức kỷ lục 48,4 triệu tấn gạo của năm 2017.

Các nước xuất khẩu gạo dự kiến sẽ tăng là Australia, Myanmar, Campuchia, EU, Paraguay, Thái Lan và Uruguay. Ngược lại, xuất khẩu năm 2022 tại Ấn Độ, Mỹ và Việt Nam được dự báo sẽ giảm.

USDA cho biết, sau 2 năm liên tiếp giữ vị trí nhà xuất khẩu gạo thứ 2 thế giới, có thể trong năm 2022, Việt Nam sẽ tụt xuống vị trí thứ 3, sau Ấn Độ và Thái Lan với 6,3 triệu tấn.

Theo nhận định của giới chuyên gia, việc sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam “tụt hạng” trong năm 2022 là điều đã được dự báo từ trước. Bởi, Việt Nam đang thực hiện tái cơ cấu ngành lúa gạo đến năm 2025 và 2030, nhằm tập trung nâng cao giá trị và thương hiệu gạo Việt Nam trên trường quốc tế.

Chủ trương này đang được các thương nhân xuất khẩu gạo hưởng ứng tích cực qua chuyển dần tỷ trọng các loại gạo trắng sang gạo thơm chất lượng cao, có giá trị tốt hơn, đồng thời tập trung vào những thị trường có nhu cầu cao hơn về gạo chất lượng cao như EU, Mỹ, Nhật Bản…

Việt Nam sẽ tụt xuống vị trí thứ 3, sau Ấn Độ và Thái Lan với 6,3 triệu tấn.
Việt Nam sẽ tụt xuống vị trí thứ 3, sau Ấn Độ và Thái Lan với 6,3 triệu tấn.

Theo bảng thống kê giá xuất khẩu gạo từ dữ liệu của Oryza.com trong 5 tháng đầu năm nay, giá gạo của Ấn Độ hiện có mức cạnh tranh nhất trong các nhà xuất khẩu ở khu vực Châu Á.

Cụ thể, trong phiên giao dịch 11/6/2021, gạo 5% tấm của nước này chỉ ở mức 388 USD/tấn, thấp hơn nhiều so với Pakistan (443 USD/tấn), Thái Lan (443 USD/tấn) và Việt Nam (483 USD/tấn); gạo 25% tấm của Ấn Độ cũng chỉ ở mức 358 USD/tấn, trong khi Pakistan là 383 USD/tấn, Thái Lan ở mức 423 USD/tấn còn Việt Nam là 463 USD/tấn…

Việc giá gạo của Ấn Độ thấp đã khiến các nhà mua hàng có xu hướng chuyển sang mua gạo của Ấn Độ, gây áp lực cạnh tranh cho các nhà xuất khẩu gạo như Thái Lan và Việt Nam.

Do đó xu hướng ngày càng nhiều thương nhân xuất khẩu gạo Việt chú trọng tới phân khúc gạo cao cấp để vừa gia tăng giá trị lại có thị trường ổn định hơn.

Theo Việt Vũ/Congluan.vn

Nguồn: https://congluan.vn/san-luong-gao-xuat-khau-cua-viet-nam-co-the-tut-hang-trong-nam-2022-post139066.html