Qua nhiều kênh kết nối, Trường Viễn đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội đã mời Giáo sư Arlo Griffiths (người Pháp) và cô Khom – Sreymom (người Campuchia) qua hỗ trợ dập, đọc mới dịch ra được.

Bia đá được xây mái che bằng tôn và tường rào để bảo vệ

Ngày 4/10/2019, huyện Đắk Pơ đã tổ chức họp báo để công bố bản dịch chữ Chăm Pa cổ trên bia đá sau nhiều năm dày công nghiên cứu. Bia đá Chăm Pa có niên đại năm 1438, thuộc thế kỷ XV (tức năm 1360 – niên đại Saka, dưới thời vua Yura Bhadravarman De va).

Phó Chủ tịch huyện Đắk Pơ (Gia Lai) - ông Nguyễn Trọng Thủy đã chủ trì cuộc họp báo công bố nội dung bản dịch chữ Chăm Pa cổ trên bia đá được khai quật tại thôn Tư Lương, xã Tân An, huyện Đắk Pơ (Gia Lai). Buổi công bố bản dịch còn có sự tham gia của Giáo sư, tiến sỹ, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Quang Ngọc – Phó Chủ tịch Hội khảo cổ học Việt Nam; Giáo Sư Andrew Hardy – Trưởng Văn phòng đại diện Trường Viễn Đông Bác cổ.

Những dòng chữ trên bia đá cổ được dịch với nội dung như sau: "Ngợi ca! Đã từng có một chúa tể tối cao của các vị vua, con trai hoàng thượng Jayasinhavarma thuộc dòng dõi Vrsu, quý tộc của thành phố hoàng gia Nauk Glaun Vijaya. Khi ông tuyên bố chủ quyền, Đại Việt và Campuchia công khai tấn công, muốn gây hấn trở lại. Vào (năm) ba mươi hai (thuộc triều đại của ông), ông được tôn phong là (tên) Indravarman, cai quản nhiều lãnh địa khác nhau, nhờ ân điển của ông đã có một hoàng tử đăng quang, xây dựng (cung điện của vị này gọi là) Samrddhipuri. Trong năm con hổ, ông ta lập Mandi Vanan, dựng những nhà chữ trên nhiều con đường khác nhau, đắp đập trên dãy Hayav, thành lập kinh đô.


Chữ viết trên đá

“Ông ta mada ka tmuv kirendra tới hai mươi lần tại Hayav… ông ta sắp đặt các thứ bậc khác nhau (của xã hội) trở lại trật tự một lần nữa. Ông ta mada ka tmuv trắng…điều này…Ông ta thanh tẩy mình ở cửa (sông) Air Lanuv. Vào (năm) ba mươi tám (đã xây dựng) nhà chữ của văn khắc đá này tại mvanna của nhà vua. [Đó là năm Saka] 1360". Qua gần 600 năm tồn tại, có ký tự bị phai mờ, phong hóa nên bản dịch chỉ dịch được khoảng 90% nội dung, một số ký tự không thể đọc rõ để dịch ra.

Phó trưởng phụ trách Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Đắk Pơ - ông Nguyễn Thanh Hiền cho biết, nội dung kể về một vị hoàng tử đã có ý định lấy thôn Tư Lương, xã Tân An, huyện Đắk Pơ tỉnh Gia Lai làm kinh đô. Vị này đã mở đường, đắp đập và đã sắp xếp các trật tự thứ bậc (quan lại, cấp chính quyền) ở đây, rất nhiều lần lui tới vùng đất để theo dõi tiến độ thành lập Kinh đô. Sau đó, khi kinh đô chưa hình thành, chưa biết vì lí do gì, vị hoàng tử đã tự vẫn ở cửa sông.

Sau nhiều năm liên hệ, đến tháng 1/2018, đại diện Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội đã cử 2 chuyên gia từ Pháp và Campuchia (Giáo sư Arlo Griffiths và bà Khom-Sreymom) sang giúp huyện Đắk Pơ tiến hành các công đoạn dập, đọc, dịch nội dung bia đá. Công tác này được tiến hành từ ngày 26-30/1/2018.

Khi rời Việt Nam, giáo sư Arlo Griffiths đã gửi tặng 2 bản dập bia đá Champa để lưu trữ tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai và Nhà truyền thống huyện Đắk Pơ, 1 bản dập được Giáo sư Arlo Griffiths gửi đến Paris để lưu trữ trong thư viện của EFEO (Viện Viễn Đông Bác cổ, là một Trung tâm nghiên cứu của Pháp về Đông phương học, chủ yếu trên thực địa).

Ông Nguyễn Trọng Thủy, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Đăk Pơ cho biết: Thời gian tới, Ủy ban Nhân dân huyện sẽ mời các chuyên gia về xử lý để tránh bia đá bị phong hóa, nứt vỡ do ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên. Để phục vụ công tác nghiên cứu, phát triển du lịch, Ủy ban Nhân dân huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn làm hệ thống bảng chỉ dẫn, cơ sở hạ tầng giao thông đến bia đá và đưa vào kế hoạch đề nghị cấp có thẩm quyền xếp hạng di tích. Hiện bia đá được huyện Đắk Pơ xây mái che bằng tôn và quây tường rào để bảo vệ thuộc thôn Tư Lương, xã Tân An, huyện Đắk Pơ, Gia Lai.

Theo Báo Dân Sinh