Đảm bảo chất lượng nông sản
Phó GĐ Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết,10 tháng năm 2021, các kênh phân phối, siêu thị, chuỗi thực phẩm ở Hà Nội đã tiêu thụ 220.000 tấn nông sản của các tỉnh, TP. Tuy nhiên, vấn đề bảo đảm chất lượng nông sản vẫn còn nhiều thách thức.
Theo đó, trong 9 tháng của năm 2021, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội đã kiểm tra, giám sát và phát hiện 45/736 mẫu vi phạm chất lượng an toàn thực phẩm. Ngoài ra, các đơn vị của ngành Nông nghiệp phát hiện, tiêu hủy 7.233kg hàng hóa nông, lâm, thủy sản vi phạm với tổng số tiền hơn 224,7 triệu đồng.
Theo Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT Hà Nội Phạm Khắc Diến, từ đầu năm đến nay, Thanh tra Sở đã xử phạt vi phạm hành chính 10 tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản (không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ...) với số tiền gần 190 triệu đồng.
“Điển hình như lực lượng Thanh tra Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với các đơn vị chức năng bắt quả tang vụ bơm tạp chất vào tôm từ nguồn tỉnh ngoài ở phường Yên Sở (quận Hoàng Mai)...”, ông Phạm Khắc Diến thông tin.
Theo ông Diến, nguyên nhân dẫn đến vi phạm an toàn thực phẩm là do sản xuất nông nghiệp của Hà Nội còn nhỏ lẻ, manh mún. Chưa hình thành được nhiều vùng sản xuất tập trung bảo đảm an toàn thực phẩm. Việc xây dựng các cơ sở sản xuất an toàn ở một số địa phương chưa được chú trọng.
Đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc
Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội cho rằng, việc liên kết, kết nối sản xuất - tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi còn thiếu bền vững nên tỷ lệ nông sản hàng hóa được tiêu thụ thông qua hợp đồng và truy xuất được nguồn gốc còn thấp. Chất lượng sản phẩm của từng vùng sản xuất, từng mùa vụ chưa đồng đều... Nguyên nhân là do một số tỉnh, TP chưa quan tâm đúng mức đến việc xây dựng vùng sản xuất tập trung, sản phẩm không có nhãn mác, thương hiệu...
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó GĐ Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, để giảm thiểu vi phạm an toàn thực phẩm, một trong những giải pháp quan trọng là cần tập trung kiểm soát chặt từ nguồn gốc, xuất xứ các sản phẩm sản xuất trên đồng ruộng và trang trại trước khi đưa vào hệ thống phân phối, bán ra thị trường. Cơ quan quản lý cần có sự phối hợp với Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam để tuyên truyền, vận động, giám sát người dân và DN tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm.
Trong đó, các đơn vị chú trọng giám sát vật tư nông nghiệp. Tăng cường việc lấy mẫu để phát hiện vi phạm. Bên cạnh đó, cần xây dựng và ban hành đầy đủ quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về an toàn thực phẩm để các tổ chức, cá nhân có căn cứ tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ với nhau, tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm những vi phạm trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ thực phẩm để công tác bảo đảm chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm từng bước được kiểm soát chặt chẽ và hiệu quả.
Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục để nâng cao nhận thức của toàn xã hội về các chủ trương, chính sách, pháp luật và những kiến thức về an toàn thực phẩm. Từ đó, khơi dậy và phát huy tính trung thực, đạo đức kinh doanh, ý thức trách nhiệm vì cộng đồng của DN, hộ gia đình, người dân trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Theo Phó GĐ Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, để kiểm soát chất lượng nông sản của các tỉnh, TP đưa về Hà Nội, thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ tăng cường kiểm tra, lấy mẫu các sản phẩm có nguy cơ cao như rau, thịt, thủy sản… Đồng thời thông tin hai chiều về những vấn đề “nóng” như tình hình dịch bệnh, các hiện tượng, hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm… để các địa phương cùng chủ động phối hợp trong công tác quản lý.
Nguồn: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ha-noi-kiem-soat-chat-cac-chuoi-cung-ung-dip-cuoi-nam-267216.html