Tại miền Bắc, lễ hội thi nấu cơm duy nhất diễn ra vào sáng ngày mùng 8 âm lịch đầu năm mới tại làng Thị Cấm (xã Xuân Phương - quận Nam Từ Liêm - Hà Nội). Lễ hội đã trở thành nét đẹp văn hóa của người dân trong làng và thu hút hàng nghìn người từ khắp nơi đổ về chiêm ngưỡng.
Để nấu được những niêu cơm ngon, dẻo và thơm mùi rơm rạ mỗi đội thi phải tự tay giã gạo, sàng sảy, nhóm lửa bằng bùi nhùi và đun theo kiểu truyền thống. Sau khi các đội thi nấu cơm xong, các bô lão trong làng sẽ tiến hành chấm thẩm định, những đội đoạt giải phải có niêu cơm chín, trắng, mùi thơm và cơm dẻo.
Hội thi nhằm tưởng nhớ công ơn của tướng quân Phan Tây Nhạc, đời vua Hùng Vương thứ 18. Ông từng đóng quân tại nơi đây và thường tổ chức thi thổi cơm để tìm người nuôi quân giỏi.
11h, phần thi kéo lửa bắt đầu. Bộ kéo lửa là chiếc bùi nhùi đã chuẩn bị sẵn gồm rơm, đoạn tre đực già dùi sẵn những khe nhỏ và một que giang đánh lửa. 4 thanh niên trai tráng, 2 người ghì chặt thanh tre già vào bó rơm, 2 thanh niên còn lại dùng tay kéo thanh giang cưa nhanh và mạnh liên tục vào thanh tre để tạo ma sát.
Số lượng rơm cũng được phân chia cho mỗi đội với mục đích để nhóm lửa cũng như làm "mồi" khi đun nấu.
Sau khi hết thời gian, các bô lão trong làng sẽ tiến hành dâng lên Thành Hoàng Làng, sau đó sẽ thẩm định những niêu cơm của từng đội. Niêu cơm ngon được đánh giá theo nhiều tiêu chí như: Nồi cơm nào trắng, dẻo, thơm ngon nhất sẽ giành chiến thắng.
Mộc Trà