Ông Nguyễn Việt Hùng, Phó Giám đốc phụ trách Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho biết, thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, đơn vị liên quan phối hợp với các Cục, đơn vị liên quan thuộc Bộ Công an thực hiện kết nối thành công Hệ thống dịch vụ công trực tuyến với CSDL quốc gia về dân cư sau khi đã được các Cục thuộc Bộ Công an xác nhận bảo đảm bảo mật, an ninh, an toàn thông tin.
Đến nay, việc khai thuế điện tử trên địa bàn TP đã được áp dụng phổ biến với tỷ lệ 99,5% doanh nghiệp đang hoạt động khai thuế qua mạng; trên 99,1% doanh nghiệp thực hiện nộp thuế điện tử. Triển khai ứng dụng eTax Mobile đáp ứng nhu cầu tra cứu, nộp thuế trên thiết bị thông minh của người nộp thuế với tổng số lượng tài khoản sử dụng là 61.917.
Bên cạnh đó, hóa đơn điện tử đã có 161.854/163.228 tổ chức doanh nghiệp đang hoạt động đăng ký thành công (đạt tỷ lệ 99,16%). 10.113/10.115 hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai trên địa bàn TP đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử thành công (đạt tỷ lệ 99,98%).
“Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) được xem là dấu mốc đặc biệt quan trọng trong tiến trình phát triển, xây dựng chính phủ số, công dân số, xã hội số hiện đại. Qua 1 năm triển khai Đề án 06, Ủy ban Chuyển đổi số quốc gia đi vào hoạt động, nhiều thành tựu vững chắc đã được Chính phủ triển khai, ban hành, đi vào cuộc sống trên nền tảng dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an xây dựng”, ông Nguyễn Việt Hùng nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, nhận thức ý nghĩa, tầm quan trọng của Đề án 06, UBND TP Hà Nội đã quán triệt, chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện Đề án quyết liệt, có trọng tâm.
Đến nay, kinh tế số, xã hội số của Thủ đô đang phát triển khá mạnh mẽ, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực thương mại điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt, xếp hạng chỉ số thương mại điện tử của Hà Nội đứng thứ 2 trên toàn quốc, tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 78%...
“Việc triển khai các nhiệm vụ của Đề án 06 của Chính phủ về phát triển dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử trên địa bàn TP Hà Nội đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, được Chính phủ đánh giá cao với vai trò là đơn vị làm điểm của cả nước. Đề án được người dân, doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, góp phần thay đổi phương thức quản trị xã hội, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quản lý thông tin công dân”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn nhấn mạnh.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn, TP Hà Nội sẽ tiếp tục hoàn thiện các dịch vụ công trực tuyến với chất lượng tương xứng và quy trình thuận lợi, đơn giản; chỉ dạo các đơn vị tăng cường và rà soát, xây dựng Hệ thống thông tin dữ liệu theo đúng quy định và hướng dẫn, bảo đảm chuẩn kết nối; giao các đơn vị nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền việc ưu tiên hỗ trợ chữ ký số miễn phí cho công dân khi sử dụng các dịch vụ công trực tuyến; miễn hoặc hỗ trợ, ưu tiên một phần phí, lệ phí đối với công dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến.
“Để nâng cao nhận thức và sự vào cuộc của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, nhân dân về tính cấp thiết của chuyển đổi số, xây dựng TP thông minh, xứng tầm vị thế Thủ đô thì việc ban hành Nghị quyết của Thành ủy về chuyển đổi số, xây dựng TP thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 là cần thiết”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn cho hay.
Theo dự thảo Nghị quyết, mục tiêu tổng quát đến năm 2025, thực hiện chuyển đổi số phát triển Thủ đô theo hướng đô thị xanh, TP thông minh, hiện đại; Hà Nội phấn đấu thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số.
Đến năm 2030, xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành TP thông minh, hiện đại, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới. TP Hà Nội duy trì và phấn đấu vị trí cao trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số; hình thành nền tảng dữ liệu cho các ngành kinh tế trọng điểm dựa trên dữ liệu của các cơ quan nhà nước, phát triển các dịch vụ sáng tạo dựa trên dữ liệu phục vụ người dân, doanh nghiệp, khai thác dữ liệu như một nguồn tài nguyên mới để phát triển kinh tế, xã hội.
Năm 2022, công cuộc chuyển đổi số quốc gia tiếp tục được lan toả sâu rộng. Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 10/10 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia. Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10 đánh dấu ý nghĩa của chuyển đổi số như là một phương thức phát triển mới của đất nước trong thời gian tới, mở ra những không gian mới cho sự phát triển. Cùng với các tỉnh, TP, TP Hà Nội đã nỗ lực triển khai nhiều hoạt động cụ thể hoá chỉ đạo của Chính phủ về chuyển đổi số, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp.
Nguồn: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ha-noi-phan-dau-thuoc-nhom-dan-dau-ca-nuoc-ve-chuyen-doi-so-320736.html