Trong số 4.053 cuộc gọi được tiếp nhận, có 1.193 cuộc gọi liên quan đến yêu cầu hỗ trợ giải quyết khiếu nại hoặc phản ánh vi phạm quyền lợi người tiêu dùng.
Những yêu cầu giải quyết khiếu nại của NTD được gửi đến qua 4 phương thức cơ bản.
Thứ nhất, qua tổng đài tư vấn, hỗ trợ NTD 1800.6838 (miễn phí cước gọi), thứ hai, qua hòm thư điện tử: [email protected].
Thứ ba, qua trang web bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: www.bvntd.vca.gov.vn.
Và thứ tư, qua đường văn thư đến: Cục Quản lý cạnh tranh - 25 Ngô Quyền, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Cục QLCT cho biết, đa số các vụ việc hoặc yêu cầu tư vấn của người tiêu dùng đã được các tổng đài viên tư vấn ngay khi tiếp nhận.
Đối với các khiếu nại có tình tiết phức tạp hoặc theo đề nghị của người tiêu dùng, tổng đài viên đã hướng dẫn người tiêu dùng gửi đơn khiếu nại bằng các hình thức khác (văn bản, email, đến trực tiếp, gửi bưu điện) tới các Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng/Sở Công Thương hoặc Cục Quản lý cạnh tranh – Bộ Công Thương.
Tháng 1, tháng 4, tháng 7 và tháng 11 năm 2016 là những tháng có số lượng vụ việc lớn, tương ứng 114, 130, 137 và 116 vụ việc được tiếp nhận và xử lý.
Đặc biệt, theo Cục QLCT, kể từ sau sự kiện Lễ Công bố Ngày Quyền người tiêu dùng Việt Nam được tổ chức vào tháng 3/2016, số lượng người tiêu dùng biết đến Tổng đài ngày càng nhiều, dẫn tới việc phản ánh lên Tổng đài nhiều hơn thời gian trước.
Trong năm 2016, ngành hàng được yêu cầu tư vấn giải quyết khiếu nại và được phản ánh tới Cục nhiều nhất là hàng hóa tiêu dùng thường ngày (237 trường hợp, chiếm khoảng 19.86%).
Sau đó là nhóm điện thoại, viễn thông (166 trường hợp, chiếm 13,91%) và nhóm đồ điện tử gia dụng (136 trường hợp, chiếm 11.4%).
Đây là 3 nhóm ngành hàng thường xuyên nằm trong nhóm bị khiếu nại, phản ánh nhiều nhất. Bên cạnh hàng hóa tiêu dùng hàng ngày (do tính chất tiêu dùng thường xuyên làm phát sinh nhiều vi phạm và phản ánh), thì trong năm 2016, đáng chú ý là Tổng đài nhận được rất nhiều cuộc gọi phản ánh các hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng liên quan đến nhóm “điện thoại, viễn thông”, cụ thể là việc tính phí các dịch vụ giá trị gia tăng trên điện thoại di động của các nhà mạng.
Điểm đáng chú ý tại báo cáo, thống kê của Cục QLCT là: Trong năm 2016, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh chính là 2 thành phố có nhiều phản ánh, khiếu nại nhất về vi phạm quyền lợi người tiêu dùng, tương ứng với 371 và 326 vụ việc.
Hai thành phố này chiếm tỉ lệ phản ánh nhiều hơn hẳn so với các tỉnh, thành xếp sau đó như Bình Dương, Thanh Hóa, Đồng Nai, Nghệ An, Bà Rịa – Vũng Tàu.