Theo thông tin trên tờ Tuổi trẻ, giấy mời do ông Lê Minh Đạo, Chánh văn phòng tỉnh Hà Tĩnh ký và đóng dấu hỏa tốc gửi tới các lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, thủ trưởng các sở ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh, chủ tịch các hội, hiệp hội trong tỉnh, lãnh đạo các huyện trên địa bàn… để tới tham gia chương trình lễ hội “Tôi yêu Bia Sài Gòn”.

Ảnh giấy mời của Chánh văn phòng UBND tỉnh Hà Tĩnh dùng dấu hỏa tốc yêu cầu lãnh đạo tham dự lễ hội bia - VĐ chụp lại.

Ảnh giấy mời của Chánh văn phòng UBND tỉnh Hà Tĩnh dùng dấu hỏa tốc yêu cầu lãnh đạo tham dự lễ hội bia - VĐ chụp lại.

Giấy mời nêu rõ đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực góp phần thực hiện hiệu quả cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam và đề nghị các đại biểu tham gia đầy đủ và đúng thời gian.

Thành phần được mời gồm rất nhiều như: các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh, Chủ tịch và các phó chủ tịch tỉnh, Chủ tịch UBMTTQVN, Giám đốc và thủ trưởng các sở ban ngành; Thường trực Thành ủy, Thị ủy, Huyện ủy và lãnh đạo UBND các thành phố, thị xã, huyện trong tỉnh…

Giấy mời nhấn mạnh: “Đề nghị các đại biểu tham gia đầy đủ và đúng thời gian”. 

Để tìm hiểu rõ việc sử dụng dấu hỏa tốc mời các lãnh đạo tham gia lễ hội bia, chúng tôi nhiều lần liên lạc, nhưng ông Lê Minh Đạo đều trả lời bận họp...

Trước đó ngày 27/8, tỉnh Hà Tĩnh gửi công văn tới các sở, ban ngành hỗ trợ, tạo điều kiện để buổi lễ đảm bảo hiệu quả tốt nhất.

Được biết, tại Hà Tĩnh cũng có một chi nhánh của Tổng công ty Bia – rượu – nước giải khát Sài Gòn.

Theo một lãnh đạo Sở Công thương Hà Tĩnh, bia Sài Gòn mỗi năm đóng góp cho ngân sách của Hà Tĩnh là 380 tỉ đồng. Lễ hội bia lần này là sản phẩm chiến lược truyền thông, tỉnh Hà Tĩnh phối hợp tổ chức lễ hội và việc ký giấy mời hỏa tốc là hợp lý, không có vấn đề gì...

Trước đó, trong công văn đăng tải ngày 25/8/2014, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh Nguyễn Văn Bổng yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, phòng, ban, đơn vị, UBND các xã, thị trấn, trong những cuộc hội thảo, hội nghị, tiếp khách phải ưu tiên sử dụng sản phẩm, đồ uống sản xuất trong tỉnh như: bia Sài Gòn của Nhà máy Bia Sài Gòn - Hà Tĩnh, nước khoáng Sơn Kim… và các sản phẩm khác được sản xuất trên địa bàn tỉnh.

Công văn do chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh ký được đăng tải trên trang kyanh.gov.vn. Ảnh chụp màn hình.

Công văn do chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh ký được đăng tải trên trang kyanh.gov.vn. Ảnh chụp màn hình.

Chủ tịch huyện cũng đề nghị chủ các nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở kinh doanh ở huyện Kỳ Anh ưu tiên giới thiệu, mời gọi và khuyến khích khách hàng sử dụng sản phẩm bia Sài Gòn sản xuất tại Hà Tĩnh như: bia lon Sài Sòn 333, bia chai Sài Gòn Lager, Export…; nước khoáng Sơn Kim.

Lý giải về sự việc, trưa 27/8/2014 ông Nguyễn Tiến Hùng, Phó chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh cho biết, công văn này nhằm thực hiện chủ trương của UBND tỉnh Hà Tĩnh. "Đó không phải là quảng cáo cho các sản phẩm mà là khuyến khích người dân ưu tiên việc người Việt dùng hàng Việt, tạo động lực cho các doanh nghiệp trên địa bàn sản xuất có hiệu quả", ông Hùng nói.

Ông Vũ Quang Huy, Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Y tế - người đứng đầu cơ quan dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia đã có một số ý kiến về vấn đề này.

“Từ khi làm nghề đến nay, đây là lần đầu tiên tôi thấy công văn lạ như vậy. Trong khi Bộ Y tế vừa đưa ra dự thảo Luật Phòng chống tác hại rượu bia, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) và tỉnh Nghệ An lại đưa công văn đẩy mạnh sử dụng, tiêu thụ sản phẩm rượu bia là đi ngược lại với chủ trương, chính sách” – ông Huy cho biết.

Ngoài ra ông Huy cũng nhận định thêm về việc UBND huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) và UBND tỉnh Nghệ An ra công văn đẩy mạnh tiêu thụ rượu bia là bất thường, không đúng  với vai trò của chính quyền cấp huyện và cấp tỉnh.

Việt Nam đạt “top” dùng bia, rượu nhiều nhất thế giới

Cuối năm 2014, trong một cuộc hội thảo về bia, rượu ông Nguyễn Thanh Long, thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, kể từ năm 2010 đến nay, Việt Nam luôn nằm trong top các nước có tăng trưởng tiêu thụ rượu bia cao nhất thế giới.

Mức tiêu thụ bình quân các loại rượu bia quy ra rượu của người Việt từ 15 tuổi trở lên là 6,6 lít/người/năm, cao hơn mức bình quân chung của thế giới.

Còn Bộ Y tế từng phát đi thông báo, mức độ tiêu thụ bia rượu của người Việt Nam trong 10 năm trở lại đây đã tăng gấp 2 lần. Dự báo đến năm 2025, sẽ tăng lên đến 7 lít/người/năm. Tỷ lệ tiêu thụ bia rượu của Việt Nam hiện nằm trong “top” 25 của thế giới.  

Trả lời báo chí về vấn đề này, ĐBQH Bùi Thị An cho rằng, "đây là niềm tự hào không đáng có, không nên cổ vũ cho phong trào bia rượu, kỷ lục đó lẽ ra phải dành cho những thành xuất sắc khác trong khoa học, kinh tế...".

Bà An cho rằng, cần phải thực hiện lộ trình tăng sớm hơn đồng thời cũng kiến nghị tăng thuế cao hơn nữa, có thể lên tới 90% vào năm 2018.

ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh cũng chia sẻ quan điểm cần phải đánh thuế cao hơn nữa đối với mặt hàng rượu bia nhằm ngăn chặn tình trạng lạm dụng và những hệ lụy kèm theo./.

Nhật Linh (Tổng hợp) / Theo Ngày nay Online