Cụ thể, ngày 22/11, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) sẽ tổ chức 2 phiên đấu giá cho Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thoái vốn cổ phần tại Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex – mã cổ phiếu VCG).
Trong đó, phiên đấu giá của SCIC sẽ diễn ra trước lúc 14h40, còn của Viettel sẽ chậm hơn gần 1 tiếng, lúc 15h30.
Theo hình thức đấu giá trọn lô, Viettel bán 94.010.175 cổ phần, tương đương với phần vốn góp hơn 940 tỷ đồng (theo mệnh giá), chiếm 21,28% vốn điều lệ tại Vinaconex. Mức giá khởi điểm 2.002,4 tỷ đồng, tương đương 21.300 đồng/cổ phần.
Trong khi đó, SCIC bán đấu giá 1 lô gồm 254.901.153 cổ phần, tương đương với phần vốn góp hơn 2.549 tỷ đồng (theo mệnh giá), chiếm 57,71% vốn điều lệ tại Vinaconex với mức giá khởi điểm 5.429.394.558.900 đồng/lô, tương đương 21.300 đồng/cổ phần, bằng với giá mà Viettel rao bán.
Như vậy, kể từ năm ngoái, đây là lần thứ 2, SCIC đấu giábán vốn tại Vinaconex. Trước đó, ngày 7/12/2017, HNX thông báo về kết quả đăng ký mua cổ phần của VCG do SCIC chào bán. Chỉ có 3 nhà đầu tư đăng ký mua cổ phần, bao gồm 1 nhà đầu tư tổ chức và 2 nhà đầu tư cá nhân.
Tổng số lượng cổ phần nhà đầu tư tổ chức đăng ký mua là 5 triệu cổ phần, nhà đầu tư cá nhân mua 350.000 cổ phần. Có thể thấy, số lượng cổ phần đăng ký mua chỉ bằng 5,55% số lượng cổ phần SCIC chào bán là 96.235.310 (tương đương 21,79% vốn điều lệ) tại VCG.
Cùng ngày, SCIC cũng có thông báo giá đặt mua hợp lệ thấp nhất tại cuộc chào bán cạnh tranh cổ phần của SCIC tại Vinaconex ngày 8/12/2017 là 25.600 đồng/cổ phần. Như vậy, nếu bán được hết 5.350.000 cổ phần mà nhà đầu tư đặt mua, SCIC sẽ thu về ít nhất 136,96 tỷ đồng.
SCIC cũng đã có lưu ý về phiên đấu giá lần trước. Nếu như trước đây, chỉ có 1 nhà đầu tư đăng ký mua hợp lệ, SCIC sẽ tuyên bố cuộc đấu giá thất bại. Tuy nhiên, với trường hợp của VCG, nếu có 1 nhà đầu tư hợp lệ và đăng ký, SCIC sẽ thực hiện thỏa thuận ngay nhằm tạo điều kiện cho nhà đầu tư tham gia đấu giá. Nhà đầu tư trúng giá theo giá nào thì phải thanh toán tiền mua cổ phần theo giá đó. Tuy nhiên, theo thông báo đấu giá lần này thì SCIC đã không bán số cổ phần trong lần đấu giá cuối năm 2017 và vẫn giữ 57,71%.
Còn nhớ, sau phiên đấu giá gây thất vọng trên, mã cổ phiếu VCG đã giảm sàn ngay từ đầu phiên giao dịch và đóng cửa với khối lượng dư bán sàn trên 3 triệu cổ phiếu. Trao đổi với báo chí, có lần lãnh đạo SCIC cho biết phiên đấu này đúng là không diễn ra như mong đợi. Cổ phiếu VCG đúng là không thể hấp dẫn "kéo" khối ngoại tham dự vào trong khi nhà đầu tư trong nước sẽ không đủ tiềm năng. Đại diện SCIC cũng nói chắc sẽ phải tính phương án từ từ vì đợt này có quá nhiều doanh nghiệp thoái vốn, nên không thể đòi hỏi hấp thụ ngay hết được.
Trên thị trường chứng khoán, hiệu ứng từ phiên thoái vốn VCG còn tác động tiêu cực đến diễn biến ở hàng loạt mã cổ phiếu thuộc diện thoái vốn Nhà nước trong phiên hôm nay như SAB, BMP, BHN, NTP, FPT…
Như vậy, có thể nói, đấu giá lần một cổ phần Vinaconex đã không thành công. Lần 2 này, cổ đông lớn của Vinaconex đưa giá chào bán thấp hơn 15% so với 10 tháng trước và cao hơn 15% so với giá thị trường hiện nay. Lần trước, giá VCG trúng thầu cao hơn 10% so với giá thị trường.
Được biết, Vinaconex tiền thân là Công ty Dịch vụ và Xây dựng nước ngoài, được thành lập năm 1988. Năm 2006 công ty chuyển đổi thành Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam, là tổng công ty nhà nước đầu tiên thí điểm cổ phần hóa, cổ phiếu của Vinaconex chính thức niêm yết trên HNX vào năm 2008.
Vinaconex có 7.864 cổ đông, gồm 53 tổ chức và 7.697 cá nhân trong nước; 31 tổ chức và 83 cá nhân nước ngoài. Cũng chốt đến ngày này, tỷ lệ sở hữu của khối ngoại ở Vinaconex đạt 10,78%. Trong đó, Vinaconex có 3 cổ đông lớn gồm: SCIC sở hữu 57,71% vốn cổ phần, Viettel sở hữu 21,28% và quỹ PYN Elite Fund (Non-Ucits) sở hữu 7,54%.
Hoạt động kinh doanh chính của Vinaconex là xây lắp, đây là hoạt động kinh doanh truyền thống và chủ yếu, chiếm trên 60% doanh thu của công ty. Các hoạt động kinh doanh khác gồm kinh doanh bất động sản, sản xuất công nghiệp, dịch vụ cho thuê, tư vấn thiết kế, xuất khẩu lao động, xuất nhập khẩu, giáo dục đào tạo.
VCG cũng vừa công bố báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất quý 3/2018 với doanh thu thuần 2.222 tỷ đồng, giảm 8,7%. Lợi nhuận sau thuế đạt 185,4 tỷ đồng, giảm 29% so với cùng kỳ năm trước. Việc lợi nhuận quý 3 Vinaconex giảm mạnh bên cạnh nguyên nhân doanh thu giảm còn đến từ doanh thu tài chính giảm sâu 56% xuống còn 54,45 tỷ đồng. Ngoài ra, hoạt động liên doanh, liên kết cũng chỉ đem về cho Vinaconex 10,5 tỷ đồng, giảm 37 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, Vinaconex ghi nhận 368 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 40% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ đạt 274,3 tỷ đồng. Thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) 9 tháng đạt 621 đồng.
Reatimes sẽ tiếp tục thông tin về giá trị cốt lõi của Vinaconexcũng như tính toán nhà đầu tư nào có đủ lực để mua trọn 79% cổ phần của Vinaconex,...