Hạn sử dụng của thuốc được xác định như thế nào?
Để xác định hạn dùng của một thuốc, không phải nhà sản xuất ấn định bừa mốc thời gian nào đó mà trải qua công việc nghiên cứu gọi là thử độ ổn định của thuốc. Đó là tập hợp các thí nghiệm với độ tin cậy cao được thiết kế để xác định tuổi thọ và hạn dùng của thuốc.
Phương pháp thử độ ổn định thường dùng là phương pháp thử độ ổn định cấp tốc. Gọi là cấp tốc vì phương pháp chỉ thử thuốc trong vòng 3 tháng ở điều kiện môi trường khắc nghiệt (với nhiệt độ cao đến 500C, độ ẩm 75%) để suy diễn ra tuổi thọ và hạn dùng của thuốc trong thực tế.
Bên cạnh đó còn có phương pháp thử độ ổn định dài hạn, tức người ta theo dõi dộ ổn định của thuốc với điều kiện tồn trữ, bảo quản trong thực tế cho đến khi thuốc bị sút giảm chất lượng để xác định hạn dùng (có thể theo dõi đến 2, 3 năm). Phương pháp thử dài hạn cho kết quả tin cậy và một số thuốc có yêu cầu bảo quản đặc biệt như chế phẩm vắc-xin hay thuốc là hoóc-môn cần chọn điều kiện thích hợp để thử theo phương pháp này.
Như vậy, ta thấy hạn dùng được tìm ra dựa vào nghiên cứu khoa học đàng hoàng và đúng quy cách và cũng vì thế, phải tuyệt đối tuân thủ hạn dùng.
Tầm quan trọng của hạn dùng thuốc
Hạn dùng của thuốc là thời gian sử dụng được ấn định cho một lô thuốc mà trước thời hạn đó thuốc còn đảm bảo các yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng nếu được bảo quản đúng quy định. Sau thời gian (hạn dùng) này, thuốc sẽ không được phép lưu thông trên thị trường hay sử dụng được. Tùy mỗi loại thuốc khác nhau mà hạn dùng có thể dài hay ngắn, từ 2 đến 5 năm.
Để xác định hạn dùng của thuốc, phải dựa trên cơ sở các số liệu nghiên cứu thời gian ổn định (tuổi thọ) của thuốc và hạn dùng này không được dài hơn tuổi thọ được nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và tuổi thọ theo dõi trên thực tế. Như vậy, hạn dùng chính là tiêu chí quan trọng nhất để nói một thuốc có còn chất lượng hay không.
Hậu quả khi dùng thuốc hết hạn
Đa số các sản phẩm thuốc khi hết hạn sẽ không còn nguyên hiệu lực, thậm chí không còn hiệu lực như ban đầu. Khi thuốc đã hết hạn sử dụng, thông thường nhất là thuốc không còn đảm bảo chất lượng (không đủ tiêu chuẩn) để chữa bệnh. Thuốc sẽ kém hiệu quả hoặc không còn tác dụng trong điều trị, nguy hiểm hơn còn gây độc cho cơ thể. Độc ở đây là do biến chất của hoạt chất thuốc hoặc do biến chất của chất bảo quản thuốc, độc do hư hỏng dạng bào chế, do nhiễm tạp chất, nhiễm khuẩn... gây dị ứng, sốc phản vệ, thậm chí tử vong.
Người bệnh không may sử dụng phải thuốc quá hạn sẽ làm cho bệnh không khỏi mà còn nặng hơn, nguy hiểm đến tính mạng nhất là đối với người bệnh có bệnh mạn tính như tim mạch, đái tháo đường...
Đối với người bệnh tăng huyết áp, việc dùng thuốc là rất quan trọng với người bệnh để kiểm soát huyết áp hàng ngày. Vì vậy thuốc cần uống đều đặn, hàng ngày và thậm chí là trong suốt cuộc đời để kiểm soát huyết áp, tránh tai biến... Nếu uống phải thuốc hết hạn, nghĩa là thuốc không còn đủ khả năng hoặc mất tác dụng điều trị làm cho huyết áp không được kiểm soát, sẽ tăng cao đột ngột dễ gây ra các tai biến nặng nề như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, đột quỵ...
Người bệnh đái tháo đường cũng phải uống thuốc hàng ngày để kiểm soát đường máu. Nếu chẳng may uống phải thuốc hết hạn, người bệnh sẽ không kiểm soát được đường huyết dễ dẫn đến biến chứng nguy hiểm có thể dẫn tới mù lòa, tàn phế, thậm chí dẫn tới tử vong...
Ngoài ra, đối với các bệnh nhiễm khuẩn phải dùng kháng sinh, nếu dùng thuốc không đủ nồng độ diệt khuẩn hoặc không còn tác dụng diệt khuẩn như thuốc hết hạn sẽ làm cho bệnh nặng hơn. Nguy hiểm hơn nữa là gây ra vi khuẩn kháng thuốc trong cộng đồng, làm cho việc chữa trị bệnh do vi khuẩn ngày một khó khăn hơn./.