Liên tiếp ngộ độc vì đồ chơi “chất nhờn ma quái”
Cô Nguyễn Thanh Nữ, Hiệu trưởng Trường THCS Bình Tân (xã Bình Tân, H.Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang) cho biết sức khỏe của những em học sinh bị ngộ độc, dị ứng với đồ chơi “chất nhờn ma quái” đã ổn định và các em đã đi học bình thường trở lại.
Trước đó trong 2 ngày 13/9 và 18/9, tại trường này đã có 38 học sinh của các lớp 6/1, 6/2 và 8/2 bị choáng, nhức đầu, buồn nôn, mệt, mặt mũi nhợt nhạt. Tất cả các học sinh đều được đưa đến Trạm y tế xã Bình Tân cấp cứu, sau đó chuyển lên Bệnh viện đa khoa khu vực Gò Công (TX.Gò Công, tỉnh Tiền Giang) điều trị.
Chất nhờn ma quái bán tràn lan với giá siêu rẻ.
Điều đáng chú ý là trong 38 học sinh bị ngộ độc ngày 18.9 có 16 em của các lớp 6/1 và 6/2 đã bị ngộ độc lần 1 vào ngày 13/9. Cô Nữ cho biết, sau khi xảy ra vụ 19 học sinh bị ngộ độc lần thứ 2 vào ngày 18/9 thì Trung tâm Y tế H.Gò Công Tây phối hợp với UBND và Trạm y tế xã Bình Tân xuống trường kiểm tra, tìm hiểu nguyên nhân gây ngộ độc tập thể đối với học sinh.
Lúc này giáo viên các khối lớp 6 đến 9 đều nói có ngửi thấy mùi thuốc trừ sâu từ bên ngoài hắt vào trường. Nhưng trong quá trình điều tra dịch tễ tại trường thì các cán bộ y tế không phát hiện mùi thuốc trừ sâu. Vì vậy đoàn kiểm tra đưa ra nhận định: các em học sinh bị ngộ độc với hiện tượng nhạy cảm hóa chất không rõ nguồn gốc, không có dấu hiệu của các triệu chứng ngộ độc thực phẩm.
Cô Nữ cho biết, ngay sau khi có kết luận của đoàn kiểm tra y tế, các thầy cô giáo trong trường cố gắng tâm tình, chia sẻ và hỏi các học sinh bị ngộ độc xem buổi sáng trước khi vào trường thì các em có sử dụng thức ăn gì lạ hay không? Cuối cùng các em khai thật, không có em nào sử dụng thức ăn lạ mà chỉ mua món đồ chơi làm bằng chất dẻo mà các em hay gọi là “chất nhờn ma quái” do những người lạ mặt bán trước cổng trường, đem vào trường chơi thì sau đó bị dị ứng.
Điều đáng nói, đây không phải lần đầu xảy ra những vụ việc đáng tiếc mà nguyên nhân là do các em chơi những món đồ chơi bán trôi nổi trên thị trường. Cách đây không lâu, một phụ huynh ở Tây Ninh cũng chia sẻ chuyện con chơi slime đã bị sưng và lở loét 10 ngón tay. Sau đó vị này phải đưa con đi khám bác sĩ và được chẩn đoán bị viêm da mủ.
Chất nhờn ma quái siêu rẻ bán tràn lan
“Chất nhờn ma quái” hay còn gọi là “xà lam” xuất phát từ tên gọi Slime được các học sinh ở nhiều địa phương, đặc biệt là học sinh cấp tiểu học và THCS rất ưa thích, do có nhiều màu sắc bắt mắt và có thể sử dụng để chế tác thành nhiều hình thù theo ý thích của người chơi.
Nguyên liệu để làm slime không nguồn gốc, nhãn mác.
Với giá rất rẻ, chỉ cần 5 nghìn đồng là các em có thể mua một hộp xà lam ngay tại các quán bán hàng rong trước cổng trường học. Nguyễn Minh Sơn, học sinh trường THCS Sài Đồng (Hà Nội) cho biết, hầu hết các bạn của Sơn đều đã từng chơi xà la. Thậm chí, có những bạn nhịn ăn sáng dành tiền để mua xà lam chơi cùng bạn bè. Do slime có độ mềm mại như nước nhưng lại dai như cao su nên các cậu bé có thể thỏa sức nhào nặn thành hình những con vật yêu thích. Xà lam rất độc hại nhưng nhiều bạn nhỏ vừa chơi xà lam, vừa vô tư bốc quà vặt ăn.
Vốn là đồ chơi bắt nguồn từ nước ngoài. Lấy ý tưởng từ câu chuyện về những quái vật biết biến hóa muôn hình vạn trạng để thoát khỏi sự truy đuổi của con người, mặc dù có hình dáng quái dị nhưng slime lại rất đáng yêu, chỉ muốn chơi đùa và làm bạn với mọi người chứ không có ý làm hại ai. Theo quảng cáo, loại đồ chơi này giúp trẻ em và những ai chơi chúng thư giãn, kích thích sự sáng tạo, tạo phản xạ linh hoạt, rèn luyện sự khéo tay… Tuy nhiên, đó là những sản phẩm của các hãng đồ chơi uy tín và có giá bán khá đắt, khoảng 100 nghìn đồng/hộp. Còn đối với xà lam bán trôi nổi bán trên thị trường không rõ nguồn gốc, thành phần rất nguy hiểm.
PGS.TS Bùi Thị An (Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội) cho biết, về cơ bản, slime là một loại chất nhựa, mà các chất nhựa thì luôn có phụ gia. Phụ gia luôn có hai mặt, mặt tốt là để đảm bảo tính năng cho sản phẩm, còn mặt xấu thì có khả năng gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Theo TS An: “Slime có loại phụ gia gì chưa thể trả lời vì chưa có nghiên cứu chính thức. Tuy nhiên, trẻ em thường cho đồ chơi vào miệng để ngậm, hoặc tiếp túc bằng tay rồi mút tay khiến các loại chất phụ gia này xâm nhập vào cơ thể và có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Việc sản xuất các loại đồ chơi sẽ có kiểm soát phụ gia trong giới hạn cho phép, tuy nhiên nhiều đơn vị sản xuất không đảm bảo tiêu chuẩn trên khiến các loại đồ chơi này không đảm bảo sức khỏe cho người sử dụng".
Từ đó, TS Bùi Thị An đưa ra lời khuyên, phụ huynh khi chọn đồ chơi cho con em mình thì nên lựa chọn những loại có thương hiệu, đảm bảo tiêu chuẩn. Bên cạnh đó cần phải tìm hiểu loại đồ chơi của con em mình là gì để có sự hướng dẫn chơi sao cho hiệu quả, tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.