Chiến tranh biên giới phía bắc bùng nổ vào ngày 17/2/1979 và trong trận chiến này thì những người lính không chỉ là những người duy nhất xông ra trận mạc, còn có một lớp những người thầm lặng để thông qua đó ngày hôm nay chúng ta có được những bức ảnh, những thước phim, những tư liệu quý giá ghi lại những ngày tháng thảm khốc và tinh thần bất khuất chiến đấu anh dũng bảo vệ từng tấc đất quê hương của quân dân, chiến sĩ đồng bào ta trong cuộc chiến chống quân Trung Quốc xâm lược.

Những phóng viên chiến trường đã có mặt trên toàn tuyến biên cương. Nhà báo Huy Thắng khi đó đã được phân công lên mặt trận biên giới Quảng Ninh, ông đã có những câu chuyện kể lại về một thời đỏ lửa, ác liệt và đầy vinh quang trong cuộc đời làm báo của mình.

Nhà báo Huy Thắng tại mặt trận Quảng Ninh trong cuộc chiến tranh biên giới tháng 2/1979

Nhà báo Huy Thắng tại mặt trận Quảng Ninh trong cuộc chiến tranh biên giới tháng 2/1979

Một dải biên cương mịt mù khói súng

Trước khi phát động chiến tranh xâm lược tháng 2/1979, Trung Quốc đã dựng nên sự kiện “nạn kiều” khiến tình hình biên giới hai nước căng thẳng. Ngày 12/7/1978, nước này bất ngờ ra lệnh đóng cửa biên giới khiến hàng nghìn người Hoa bị dồn ứ ở cửa khẩu, gây náo loạn vùng biên.

Trong khi đó các cuộc khiêu khích phía Trung Quốc với ta ngày càng tăng. Nếu trong quý IV phía Trung Quốc gây khoảng 150 vụ khiêu khích biên giới thì chỉ trong 45 ngày đầu tiên của năm 1979 đã có hơn 300 vụ. Trong khi hai bên trao đổi công hàm ngoại giao về vấn đề này thì Trung Quốc âm thầm điều 9 sư đoàn áp sát biên giới Việt Nam.

Không chỉ bộ binh mà lực lượng không quân Trung Quốc cũng được tăng cường tại các căn cứ ở các tỉnh phía nam như Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam… Hải quân cũng tập trung quanh đảo Hải Nam để sẵn sàng tác chiến. Tóm lại, Trung Quốc đã chuẩn bị mọi mặt để thực hiện việc “dạy cho Việt Nam một bài học”. Phía Trung Quốc tập trung lực lượng mọi mặt trên một tuyến biên giới dài 200 km để chuẩn bị tấn công Việt Nam.

5 giờ sáng ngày 17 tháng 2 năm 1979, hơn 120.000 lính Trung Quốc tràn vào Việt Nam, mở đầu cho cuộc chiến nhà cầm quyền Bắc Kinh huy động tới hơn 600.000 quân tấn công toàn tuyến biên giới phía Bắc của Tổ quốc ta. Trong ngày đầu tiên, tổng cộng quân Trung Quốc tấn công trên 26 điểm. Một dải biên cương mịt mù khói súng.

Dự đoán trước sớm muộn thì Trung Quốc cũng tấn công, quân ta bắt đầu chuyển bộ đội lên tiếp viện rất đông, xe chạy cả ngày lẫn đêm. Có những đơn vị hành quân bộ, pháo to, pháo nhỏ, hỏa tiễn 40 nòng… tất cả trực chỉ hướng biên cương thẳng tiến. Đội ngũ phóng viên như tôi cũng đã có mặt trên tất cả các mặt trận. Tôi cũng hừng hực khí thế cùng những chuyến xe chở quân tăng cường cho biên giới và chúng tôi chỉ càng thêm quyết tâm khi thấy những chuyến xe ngược lại, những chuyến xe bịt bạt kín mít nhưng ai cũng hiểu đó là những xe chở thương binh, tử sĩ…

Hàng trăm chiến sĩ của đã vĩnh viễn nằm lại với đất mẹ. Họ đã hy sinh để bảo vệ từng tấc đất biên cương của Tổ quốc, và trong ký ức của những người đồng đội sau hơn 30 năm, họ thực sự là những anh hùng.

Là người được chứng kiến sự kiện, trong cuộc chiến này, tôi không quên được sự dã man của đội quân đến từ bên kia biên giới. Mìn, bộc phá được đặt tại các cột điện, đánh sập cầu, đánh sập cả trường học, bệnh viện. Không biết bao nhiêu người dân lành vô tội bỗng chốc bị sát hại. Cảnh những người già, trẻ thơ buộc phải dời bỏ ngôi nhà, dời bỏ làng xóm quê hương để tản cư rút về phía sau trong suốt những ngày chiến trận để tránh sự sát hại không sao có thể quên được.

Không chỉ dùng mìn, bộc phá, sự tàn bạo còn đến từ những chiếc rìu, những con dao quắm. Nhưng, sự tàn bạo ấy không khuất phục được những con người bền lòng vì nước. Hầu như tất cả thanh niên vùng biên giới phía bắc lúc bấy giờ, cả nam và nữ đều ở lại chiến trường. Họ vụt trở thành những người chiến sĩ qủa cảm. Họ bước vào cuộc chiến với tất cả sự hiến dâng cho đất nước không một chút so đo tính toán. Khi đất nước đã gọi tên mình thì không ai có thể đứng ngoài cuộc. Từng hốc đá, từng bụi cây, từng dòng suối vùng biên giới cũng biến thành trận địa chặn bước tiến của quân thù.

Giữa khói lửa chiến tranh

Khi tham gia cuộc chiến, những người chiến sĩ cũng như chúng tôi - những người lính trên mặt trận truyền thông - không một chút mảy may so đi tính lại thiệt hơn mà chỉ với tinh thần xả thân vì nhiệm vụ, nghe theo lời kêu gọi của tổ quốc thân thương và với lòng tự tôn là những người con đất Việt, chúng tôi thanh thản lên đường…

Tôi lúc đó tác nghiệp trong vùng quân của Trung đoàn 43, đã cùng anh em chiến sĩ cắm chông, gài mìn, bày chiến sự chiến hào, tay lăm lăm tay súng sẵn sàng. Ngày 16/2/1979, đứng trên cao điểm tôi cùng các chiến sĩ trung đoàn 43 phát hiện thấy những đoàn quân của quân đội Trung Quốc đã hành quân áp sát biên giới, đêm hôm đấy chúng tôi vẫn tổ chức biểu diễn văn nghệ, sáng sớm ngày 17/2 tiếng súng bắt đầu nổ, bắn vào đúng khu vực của đơn vị đóng quân, cuộc chiến được khai hỏa. Bộ đội ta nhanh chóng triển khai chiến thuật, nã đạn sang bên kia cầu Bắc Luân ngăn cho quân địch tràn qua tấn công.

Từ cứ điểm đơn vị tôi nhìn về phía thị trấn Móng Cái, đạn pháo quân địch sáng cả bầu trời, tôi chạy ngay về phía chiến sự. Lúc đó tôi đã mượn được một chiếc xe đạp của ông bà tên là Sinh, lao thẳng vào nơi lửa đạn để có thể chụp được bức ảnh chân thực nhất phản ánh sự tàn bạo và khốc liệt của cuộc chiến. Khi tôi vừa vào đến nhà máy men sứ Quảng Ninh cũng là lúc Trung Quốc dứt hồi pháo, nhà máy bắt đầu sập, tôi trên đà rơi xuống bể men sứ. Đúng lúc đó một hồi pháo nữa được Trung Quốc nhồi vào, chính nhờ viên đạn pháo bắn rất gần đó mà nhà máy nổ tiếp. Nhờ đó, tôi đã túm được cái xà dầm đang rung lên để thoát ra được. Sau đó tôi chạy lên đồn biên phòng 211 và chạy ra cửa khẩu để chụp tiếp những bức ảnh trong lửa đạn, một lần nữa nhờ nấp được sau gốc cây xà cừ cổ thụ mà tôi may mắn thoát được tay tử thần khi 3 quả đạn cối Trung Quốc đã lao thẳng về mình…

May mắn quả đạn cối đã không nổ, nếu không chắc chắn Nhà báo không còn sống đến hôm nay ( ảnh Tư liệu báo Quảng Ninh).

May mắn quả đạn cối đã không nổ, nếu không chắc chắn Nhà báo không còn sống đến hôm nay (ảnh Tư liệu báo Quảng Ninh).

Người lính có thể cầm súng bắn được giặc nhưng chúng tôi lúc đó thì không, tôi chỉ có máy ảnh và cây bút để ghi hình làm chứng cho lịch sử. Cái nguy hiểm của nhà báo là như vậy, bất cứ phóng viên chiến trường nào cũng thế, đã cầm máy thì phải đưa lên mới chụp được ảnh, có ra mặt trận thì mới nghe được tiếng súng mới ghi lại được những hình ảnh ác liệt của cuộc chiến đấu và khi người ta đi ra thì mình phải chạy vào giữa nơi bom rơi đạn nổ.

Lao vào nơi hiểm nguy, cái chết rình rập để trở thành “người thư ký trung thành của thời đại” mỗi nhà báo chúng tôi không còn nghĩ đến bản thân, mà xác định luôn sẵn sàng có mặt tại chiến tuyến. Bởi nhiệm vụ của chúng tôi không chỉ là phản ánh thông tin, mà qua thông tin đó phơi bày sự khốc liệt, phi nghĩa của chiến tranh từ đó thức tỉnh các quốc gia, dân tộc cùng đứng lên phản đối chiến tranh, bảo vệ hòa bình. 

Bông hoa đỏ trên vầng trán của Tổ quốc.

Cuộc chiến diễn ra tuy ngắn ngủi, nhưng sự tàn khốc của nó không bút nào tả hết. Tôi không bao giờ quên được những giờ phút cùng bộ đội Pò Hèn, dân quân tự vệ chiến đấu với quân địch tại lâm trường Hải Sơn. Và không bao giờ quên đây là nơi yên nghỉ của 86 chiến sỹ đã hy sinh anh dũng trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc tháng 2/1979.

Bài báo về những chiến sí đồn Pò Hèn

Bài báo về những chiến sí đồn Pò Hèn

Ngày 17/2/1979, quân xâm lược tràn đến Pò Hèn, chúng đã dùng pháo hạng nặng và nhiều loại hỏa lực bắn dữ dội vào các đồn biên phòng 209, 210, 211, 212 và các đội công nhân lâm nghiệp, khu dân cư dọc tuyến biên giới.

Đến 6 giờ 30 phút, địch sử dụng 1 trung đoàn và 5 tiểu đoàn, chia làm 3 hướng tấn công dồn dập đồn Pò Hèn. Quân số của đồn lúc đó chỉ có 92 người. Đồn phó Đỗ Sĩ Họa trực tiếp nắm bộ phận hỏa lực, chỉ huy chính. Cán bộ, chiến sỹ ở trong đồn và ba điểm chốt nhất loạt nổ súng quyết liệt. Địch dùng chiến thuật "biển người" ồ ạt tấn công.

Sau mấy lần tấn công thất bại, địch rút quân ra xa, gọi pháo bắn vào trận địa ta cấp tập 30 phút rồi mở cuộc tấn công mới, lần này chúng đánh mạnh vào chốt Đồi Quế. Dù đã kiên cường chiến đấu, tiêu diệt và bắn bị thương nhiều tên địch nhưng do lực lượng không cân sức nên đến 11 giờ cùng ngày, 45 chiến sỹ của đồn đã hy sinh cùng với nhóm công nhân Lâm trường Hải Sơn và nữ dân phòng Hoàng Thị Hồng Chiêm.

Bài viết về tấm gương anh dũng hy sinh - liệt sĩ Hoàng Thị Hồng Chiêm mà nhà báo đã thực hiện.

Bài viết về tấm gương anh dũng hy sinh - liệt sĩ Hoàng Thị Hồng Chiêm mà nhà báo đã thực hiện.

Khi làm phóng sự về Hoàng Thị Hồng Chiêm tôi đã không khỏi xúc động về tấm gương can trường và lòng dũng cảm. Từ khi được cấp trên thông báo bọn phản động trong giới cầm quyền Bắc Kinh đang ráo riết chuẩn bị xâm lược nước ta, tinh thần sẵn sàng chiến đấu của dân quân tự vệ Móng Cái rất cao. Cũng như chị em khác, đi đâu, Chiêm đều giắt bao đạn, lựu đạn, mang theo súng.

Chiêm cầm khẩu K54 chiến đấu. Lợi dụng thành hào, Chiêm bình tĩnh ngắm bắn từng tên giặc. Bọn giặc vẫn liều lĩnh xông tới, chúng bắn trung liên quét mặt đồi. Chiêm lại bị thương rất nặng ở cột sống. Khoảng 5h sáng tôi nghe tin Chiêm ngã xuống và không bao giờ tỉnh dậy nữa.

Máu xương của cha anh ta đã vùi lấp dưới lòng sông sâu và hòa vào dòng chảy đó. Tiếng reo muôn đời êm đềm nhưng vẫn đủ để nhắc nhở những người con dân đất Việt về lời thề bảo vệ độc lập, hòa bình và giữ gìn từng tấc đất biên cương:

Máu đã đổ khắp mặt trận biên giới

Hiệu triệu toàn dân ra mặt trận biên cương

Sông Ka Long vẫn chảy êm đềm dù sâu trong mặt hồ là sỏi đá, tiếng reo êm đềm nhưng vẫn đủ để nhắc nhở những người con đất Việt về lời thề bảo vệ độc lập, hòa Máu xương của cha anh ta đã vùi lấp dưới lòng sông sâu và hòa vào dòng chảy đó. Tiếng reo muôn đời êm đềm nhưng vẫn đủ để nhắc nhở những người con dân đất Việt về lời thề bảo vệ độc lập, hòa bình và giữ gìn từng tấc đất biên cương.

Chiến tranh biên giới phía Bắc để lại nhiều hậu quả nặng nề về vật chất và tinh thần, khắc sâu một vết hằn trong lịch sử quan hệ lâu đời giữa hai nước láng giềng Việt Nam - Trung Quốc. Thế nhưng một dân tộc đã trải các cuộc chiến tranh chống lại quân xâm lược thì không còn nguyện vọng nào hơn là xếp vũ khí lại, khôi phục sau sự đổ nát của chiến tranh, hướng tới một cuộc sống bình yên. Những người cầm bút như chúng tôi cũng không mong gì hơn sự bình yên trên mảnh đất quê hương hôm nay. Nhớ về những năm tháng xưa để hiểu hơn về những mất mát, để nhớ về những người đồng đội, những đồng nghiệp và một thời chúng tôi đã sống và tác nghiệp giữa làn bom rơi, đạn nổ như thế.

Nguyệt Hồ (ghi)

Theo congluan.vn