Tại hội thảo “An toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng nước đá trên địa bàn TP.HCM” diễn ra sáng 22/7 ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM cho biết: “Với 22 mẫu nước đá được lấy tại cơ sở sản xuất thì có 12 mẫu (54,5%) bị phát hiện nhiễm vi sinh E.coli, Coliforms, Feacal streptoccoc, Pseudomonas aeruginosa”.
Trong sáu tháng đầu năm 2015, nhiều cơ sở chưa chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh nước đá như không thực hiện công bố hợp quy sản phẩm (35,8%), không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm hoặc hết hiệu lực (25,6%). Đã có 22 cơ sở sản xuất đá vi phạm bị chi cục kiểm tra và xử lý, phạt tiền gần 154 triệu đồng.
Nước đá bẩn “lộng hành”
TP.HCM sử dụng nước đá hàng ngày trong khi đó Hà Nội cũng đang trải qua những ngày nắng nóng cực điểm, nên nhu cầu giải khát của người dân tăng cao. Chủ một quán trà đá vỉa hè cho biết, mỗi ngày phải mua tới 10 túi đá viên (mỗi túi 5kg) và nhiều loại nước tinh khiết ướp lạnh. Tại các quán càphê, giải khát thì lượng đá viên tiêu thụ mỗi ngày cũng không hề nhỏ. Nhiều gia đình mua 1-2 túi đá viên về để sẵn trong tủ để sử dụng... Chỉ khoảng 3.000-5.000 đồng một túi đá viên tinh khiết 5kg, chai nước mang theo người đã mang lại tiện lợi lớn cho người sử dụng.
Nhiều người đã từng bị đau bụng, đi ngoài do uống phải nước đá, nước bẩn, nhưng đều không mấy quan tâm viên đá được bỏ vào cốc nước có sạch hay không. Sau khi có thông tin phát hiện nước đá viên, nước tinh khiết có nhiễm khuẩn gây bệnh tiêu chảy, không ít người lo ngại.
Trên địa bàn Hà Nội có 69 cơ sở sản xuất nước đá sạch có công bố sản phẩm và hơn 370 cơ sở sản xuất nước tinh khiết đóng chai được cấp phép. Ngành y tế Hà Nội cũng thừa nhận, vẫn có những cơ sở sản xuất nước đá, nước tinh khiết hoạt động chui, nhái nhãn mác của những hãng nước tinh khiết nổi tiếng, có uy tín trên thị trường... chưa được phát hiện và kiểm soát. Vì thế, ngành y tế khuyến cáo người tiêu dùng chỉ nên chọn mua và sử dụng nước đá viên, nước tinh khiết đóng chai của các hãng đã được cấp phép, có uy tín, có thương hiệu...
Theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chi cục phó Chi cục ATVSTP TP HCM, nước là nguyên liệu duy nhất để sản xuất nước đá nhưng nhiều nhà máy không kiểm soát được chất lượng nguồn nước. Kết quả tổng kiểm tra 193 cơ sở sản xuất nước đá trên địa bàn (tỉ lệ 100%) thì có 114 cơ sở sử dụng nước giếng khoan, trong đó có đến 64 cơ sở không thực hiện việc xét nghiệm sau xử lý nước và 13 cơ sở không xét nghiệm đầy đủ các chỉ tiêu theo quy định. Trong khi theo quy định, cơ sở phải xử lý đạt 109 chỉ tiêu (riêng chi phí thực hiện xét nghiệm này đã trên dưới 20 triệu đồng/lần) mới được đưa vào sản xuất nước đá.
Ra quân ngăn chặn nước đá bẩn
Theo các chuyên gia y tế, sử dụng nước nhiễm vi sinh (E.coli và Coliforms, Feacal streptoccoc) có thể gây bệnh về đường ruột, tiêu chảy cấp, một số có thể gây suy thận, nhiễm khuẩn huyết. Pseudomonas aeruginosa (còn gọi trực khuẩn mủ xanh) nếu xâm nhập vào phổi, thận, đường tiết niệu... sẽ gây chết người. Với các cơ sở sản xuất nước đá chưa xử lý nguồn nước còn có nguy cơ tồn dư kim loại nặng, hóa chất (thủy ngân, chì, asen, kẽm,...), nhiều loại có khả năng gây ung thư cho người dùng.
Tại hội thảo, các đại biểu đã nêu ra nhiều ý kiến nhằm thực hiện an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng nước đá; trao đổi những khó khăn, vướng mắc của các cơ sở trong thực hiện quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ông Huỳnh Lê Thái Hòa cho biết sắp tới sẽ ra quân chấn chỉnh ngành nước đá, đối với các đại lý sẽ có cuộc khảo sát toàn diện và đề xuất đây phải là cơ sở kinh doanh có điều kiện, phải được kiểm tra điều kiện ATVSTP. Chi cục cũng tiến hành chặn đầu ra của nước đá bẩn bằng việc buộc các cơ sở dịch vụ ăn uống phải sử dụng nước đá từ những cơ sở bảo đảm quy định.
Ông Hòa cũng phủ nhận việc nước đá chưa từng gây ngộ độc thực phẩm và cho biết lo nhất là các vấn đề ngộ độc mãn tính khi sử dụng nước đá không an toàn. Ông Hòa khuyến cáo người dân nên tự sản xuất nước đá từ tủ lạnh tại nhà, khi ra ngoài nên dùng thức uống ướp lạnh thay vì uống trực tiếp nước đá để tránh nguy cơ ngộ độc
Hiện nhiều cơ sở đã thực hiện đóng gói nước đá tự động và sử dụng bao bì PE thay cho bao bì PP nên đã có giải pháp về công nghệ để đảm bảo vệ sinh. Theo các đại biểu, việc đầu tư dây chuyền đóng gói tự động tuy có vốn đầu tư lớn, nhưng hiệu quả mang lại cao, giảm số lượng nhân công làm việc trực tiếp và giảm nguy cơ nước đá bị nhiễm bẩn. Tuy nhiên, do giá thành cao hơn nên các cơ sở đầu tư công nghệ gặp nhiều khó khăn khi cạnh tranh trên thị trường.
Bà Dương Thị Thu Dung, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Sản xuất-Thương mại Hồng Phúc, cho rằng quan trọng nhất là tìm đầu ra cho sản phẩm, làm sao để khách hàng chấp nhận mua nước đá bao bì PE với giá đắt hơn nhưng an toàn hơn. Để an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, các cơ quan quản lý cần có lộ trình cụ thể về chuyển đổi bao bì từ PP sang PE để các nhà máy sản xuất nước đá chấp hành đúng theo quy định.
Đồng thời, tăng cường truyền thông cho người dân về tác hại của việc sử dụng các loại nước đá không hợp vệ sinh trên thị trường hiện nay.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, hiện nay có đến 80% bệnh tật ở các quốc gia đang phát triển có liên quan đến nguồn nước và môi trường. Ở Việt Nam, mỗi năm có đến 9.000 trường hợp tử vong, 200.000 người mắc bệnh ung thư có nguyên nhân liên quan từ ô nhiễm nguồn nước./.