Trong bối cảnh nước ta đang bước vào một giai đoạn phát triển mới, với khát vọng hùng cường, tầm nhìn đến năm 2045 và những đột phá mạnh mẽ trong cải cách thể chế, phát triển kinh tế tư nhân, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tái cấu trúc bộ máy quản lý nhà nước, vấn đề phát triển nhà ở thương mại vừa túi tiền không chỉ là một nhu cầu cấp thiết của thị trường, mà còn là chính sách an sinh quan trọng góp phần ổn định và phát triển bền đô thị bền vững.

Nhận thức sâu sắc về ý nghĩa đó, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã giao nhiệm vụ cho TS. LS. Đoàn Văn Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội, Chủ tịch Tập đoàn CEO và Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam thực hiện Đề tài khoa học: "Phát triển nhà ở thương mại vừa túi tiền ở Việt Nam: Thực trạng và đề xuất chính sách, pháp luật". Đề tài hướng tới xây dựng một hệ khung lý luận và thực tiễn nhằm đề xuất các giải pháp chính sách có tính khả thi cao, phục vụ công tác tư vấn chính sách cho Chính phủ và các cơ quan chức năng.

Trên cơ sở đó, sáng 24/7, dưới sự chỉ đạo của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam và Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam phối hợp với Tập đoàn CEO tổ chức họp Hội đồng tư vấn và thực hiện đề tài khoa học: "Phát triển nhà ở thương mại vừa túi tiền ở Việt Nam: Thực trạng và đề xuất chính sách, pháp luật".

Buổi họp Hội đồng chuyên gia nhằm rà soát, hoàn thiện nội dung đề cương và tiến trình nghiên cứu; bổ sung các định hướng lớn trong bối cảnh đất nước có nhiều đổi thay, đặc biệt là các cải cách thể chế mạnh mẽ, đồng thời thảo luận các nhóm chính sách tài chính và phi tài chính, góp phần hình thành khung chính sách, pháp lý phù hợp cho phân khúc nhà ở thương mại vừa túi tiền đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

TS. LS. Đoàn Văn Bình, Chủ nhiệm đề tài phát biểu tiếp thu ý kiến

Thay mặt Ban Chủ nhiệm đề tài, tôi xin cảm ơn những chỉ đạo và ý kiến đóng góp quý báu từ các đại biểu Quốc hội, đại diện Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội và các nhà khoa học, khách mời. Chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện đề tài và nỗ lực hoàn thành một cách nhanh nhất để kịp thời kiến nghị chính sách trong bối cảnh các cơ quan có thẩm quyền đang quyết liệt sửa đổi Luật Đất đai và các luật liên quan.

Chúng tôi rất mong sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ của Bộ Xây dựng, các thành viên Hội đồng cũng như các nhà khoa học và chuyên gia để hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian tới.

Liên quan đến đề tài nghiên cứu khoa học "Phát triển nhà ở thương mại vừa túi tiền ở Việt Nam: Thực trạng và đề xuất chính sách, pháp luật", từ góc độ của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, chúng tôi đặt ra 3 vấn đề:

Thứ nhất, trong quy hoạch, kế hoạch của các địa phương, luôn có một chỉ tiêu quan trọng là chỉ tiêu dân số. Với nguồn cung nhà ở hiện tại, liệu đã đáp ứng được nhu cầu của số lượng dân số đó chưa?

Thứ hai, trong giai đoạn vừa qua, nguồn cung bất động sản có đến 80% là bất động sản cao cấp.

Thứ ba, đại đa số người dân có thu nhập trung bình vẫn khó khăn trong việc tiếp cận được nhà ở.

Họp Hội đồng tư vấn và thực hiện đề tài khoa học “Phát triển nhà ở thương mại vừa túi tiền ở Việt Nam: Thực trạng và đề xuất chính sách, pháp luật”- Ảnh 1.

Từ góc độ cá nhân tôi cho rằng: Thứ nhất, phân khúc nhà ở trung bình, vừa túi tiền rất hấp dẫn;

Thứ hai, các đơn vị phân tích cần làm rõ các điều khoản về đất đai, cơ chế ưu đãi là gì, lãi suất ra sao;

Thứ ba, Nhà nước phải điều tiết chính sách đất đai thông qua kế hoạch sử dụng đất, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của từng địa phương. Cùng với đó điều tiết nguồn tài chính cho thị trường bất động sản thông qua công cụ thuế và tín dụng.

Thứ tư là vấn đề cải cách thủ tục hành chính, cụ thể là thủ tục đầu tư. Hiện nay, thủ tục đầu tư phức tạp có thể gây khó khăn và mất thời gian cho doanh nghiệp.

Thứ năm, vấn đề kiểm soát giá. Tôi muốn đề xuất một yếu tố quan trọng trong đề tài để các doanh nghiệp có thể chủ động hơn và không bị bất ngờ khi giá cả và yếu tố trượt giá trong xây dựng biến động.

Tôi đề nghị nghiên cứu và đề xuất giải pháp cho phép điều chỉnh giá khi có biến động, đồng thời xác định rõ mức độ biến động được phép điều chỉnh. Điều này sẽ giúp chúng ta dự đoán được giá. Tôi cũng còn phân vân với phương pháp "giá trần" vì khó xác định giá thế nào là cao hay thấp. Thay vào đó, khi có biến động ở các yếu tố nhất định, chúng ta nên cho phép điều chỉnh theo hệ số của yếu tố đó.

Giai đoạn từ năm 2007 - 2017 là thời kỳ mà nhà ở xã hội đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Mặc dù chất lượng có thể chưa hoàn hảo, nhưng chúng ta phải thừa nhận rằng trong giai đoạn đó, khi nhà ở cao cấp đang phát triển rầm rộ, phân khúc nhà ở giá rẻ đã được bán rất chạy ở nhiều tỉnh, thành phố. Điều đó cho thấy nhu cầu thực sự của thị trường đối với phân khúc này.

Chúng ta cần nghiên cứu kỹ lưỡng về thành công của phân khúc này ở giai đoạn trước để rút ra bài học.

Với đề tài nghiên cứu này, tôi mong rằng các chuyên gia, nhà khoa học sẽ tiếp tục đóng góp tâm sức, trí tuệ để đề tài được hoàn thiện theo đúng định hướng, đồng thời kết quả nghiên cứu sẽ thực sự có giá trị, có thể được tiếp thu và đưa vào các văn bản pháp luật, hiện thực hóa trong thực tế.

TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia

Việc phân định giữa phân khúc nhà ở thương mại vừa túi tiền với các phân khúc khác phải đi cùng với việc xác định đối tượng phù hợp. Do vậy, khi hoàn thiện đề xuất chính sách, cần phải làm rõ vấn đề này.

Trong bối cảnh mới, chúng ta cần lưu ý tốc độ tăng trưởng của bất động sản bằng tốc độ tăng trưởng GDP cộng với tốc độ tăng lạm phát và đô thị hóa. Hiện nay, Việt Nam đang hướng đến tăng trưởng kinh tế 2 con số, lạm phát cũng sẽ tăng theo không dừng ở mức 3,5% mà có thể lên tới 4 - 5%; kéo theo tốc độ tăng giá bất động sản trong tương lai từ năm 2026 trở đi có thể lên tới khoảng 12 - 15%. Đây là vấn đề cần quan tâm và phải tính giải pháp kịp thời để kiềm chế đà tăng này.

Nhiều chuyên gia bất động sản trên thế giới đều đồng tình rằng giá bất động sản trên toàn cầu sẽ không bao giờ giảm, kể cả Trung Quốc. Đặc biệt, giá bất động sản của Việt Nam cao gấp đôi Trung Quốc trong giai đoạn hiện tại. Điều này dẫn đến nguy cơ bong bóng bất động sản rất rõ. Chính vì vậy, tôi cho rằng cần đẩy nhanh đề tài để có thể kịp thời đưa ra các chính sách, nhằm ngăn chặn nguy cơ nổ bong bóng và ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế.

TS. Lê Xuân Sang: Đầu tiên, tôi cho rằng chúng ta cần làm rõ mục đích trực diện của Báo cáo này để các đối tượng người đọc đều hiểu được rõ về đề tài.

Thứ hai, chúng ta thể hiện rõ trong nội dung báo cáo là chúng ta đang hướng đến nhà ở thương mại cho thuê và mua bán hay chỉ nhà ở thương mại cho thuê.

Thứ ba, cần phân tích kỹ các kịch bản có thể xảy ra, đặc biệt là cần tính đến kịch bản về chính sách thuế bất động sản. Bởi các chính sách thuế mới ban hành sẽ tác động đến phân khúc nhà ở thương mại vừa túi tiền và khả năng tiếp cận của người mua.

TS. Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam và Thế giới

Cơ bản, tôi đồng tình với các ý kiến mà LS. Đoàn Văn bình đưa ra. Khi thực hiện đề tài, một vấn đề quan trọng, chúng ta cần xác định là hướng đến đối tượng với mức thu nhập như thế nào. Đây là thước đo để xác định tiêu chí, từ đó mới có thể đưa ra những chính sách hỗ trợ phù hợp.

Để thực hiện nhà ở thương mại giá rẻ, chúng ta cũng cần quan tâm đến các yếu tố góp phần hạ giá thành sản phẩm, là các động lực mới như: Khoa học công nghệ giúp giảm giá thành nguyên vật liệu, xây dựng, thi công…

Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu: Tôi cho rằng, đây là một đề tài vừa có tính chất khoa học, vừa tiếp cận với những vấn đề của thực tiễn.

Theo tôi, thứ nhất về vấn đề lý luận, chúng ta phải xác định, trên thế giới các thuật ngữ được sử dụng như thế nào? Cùng với đó, ở các nước, họ tiếp cận nhà ở vừa túi tiền như một sản phẩm riêng hay là tiếp cận theo cách thức của người có nhu cầu với các loại nhà? Phải trả lời rất rõ để xác định với loại hình nhà ở này, nên để doanh nghiệp làm sản phẩm hay để người dân làm nhà cho thuê?

Bên cạnh đó, cần xác định về mặt lý luận, cách tiếp cận của Nhà nước ra sao, tiếp cận từ phía cung, cầu, sản phẩm hay cách tạo một sản phẩm. Chúng ta cần xác định rõ, nếu không sẽ rất dễ lẫn.

Thứ hai, phải xác định với bối cảnh ở Việt Nam có cần một sản phẩm nhà ở bình dân giá rẻ hay không.

Nếu là một sản phẩm nhà ở thương mại nói chung thì xác định rõ, những yếu tố nào tác động đến nguồn cung, nguồn cầu; yếu tố nào tác động mạnh nhất đến giá; yếu tố nào cản trở cách tiếp cận nhà ở tại Việt Nam…

Thứ ba là về kiến nghị. Tôi cho rằng, đề tài nghiên cứu khoa học này có thể không nhất thiết phải kiến nghị nhiều, nhưng phải chỉ rõ ràng những vấn đề quan trọng, sâu sắc nhất, rằng hiện nay Việt Nam phải lựa chọn cách tiếp cận nào?

Chúng ta phải trả lời 2 câu hỏi: Một là có cần tiếp tục tạo ra sản phẩm mới có tên là nhà ở thương mại vừa túi tiền hay không, sản phẩm do một chủ đầu tư phát triển, người dân phát triển hay cả hai đối tượng cùng phát triển? Như vậy sẽ phát sinh vấn đề là nếu người dân xây nhà cho thuê thì sao, an toàn phòng cháy thế nào… Tiếp cận theo hướng huy động mọi nguồn lực phát triển hay ra sao…

Hai là tiếp cận từ góc độ nguồn cung, tức là can thiệp vào thị trường sơ cấp, thứ cấp ra sao và có nên hay không.

Tóm lại phải thống nhất cách thức tiếp cận, từ đó đưa ra kiến nghị thủ tục đầu tư, đất đai, vay vốn… Nếu có thể trả lời tất cả những vấn đề trọng yếu nhất thật ngắn gọn thì sẽ là lý tưởng để cơ quan quản lý Nhà nước có thể dễ đọc, dễ hiểu.

Ông Hoàng Việt Cường: Tôi chia sẻ thêm một số ý kiến sau:

Thứ nhất, bao giờ phát triển nhà ở cũng cần có sự phối hợp của các bên: Nhà nước cần có quy hoạch gắn với khu công nghiệp và gắn với doanh nghiệp bất động sản công nghiệp. Doanh nghiệp phát triển khu công nghiệp ở đâu thì sẽ gắn với nhu cầu nhà ở cho chuyên gia, người lao động... Khi đó, doanh nghiệp bất động sản phát triển nhà ở sẽ căn cứ vào nhu cầu để phát triển các dự án. Như vậy, các doanh nghiệp bất động sản phát triển nhà ở và doanh nghiệp bất động sản phát triển khu công nghiệp cần có sự hợp tác với nhau để đáp ứng nhu cầu nhà ở của thị trường.

Cùng với đó, ngân hàng sẽ có chính sách hỗ trợ dòng tài chính đảm bảo người lao động mua được sản phẩm ngay với sự bảo đảm nguồn thu từ doanh nghiệp công nghiệp.

Thứ hai, ở các quốc gia như: Singapore, Malaysia có quy định khung giá sản phẩm, giá bán tối đa nên chúng ta có thể tham khảo kinh nghiệm của họ khi phát triển nhà ở thương mại vừa túi tiền.

TS. Vũ Đình Ánh: Tôi cho rằng khi bàn đến khái niệm nhà ở vừa túi tiền, cần xem xét mô hình của nó thực sự như thế nào, cần có tiêu chí, tiêu chuẩn ra sao.

Ưu điểm lớn nhất của đề tài là đã ghi nhận được nhiều kinh nghiệm quốc tế, từ đó chúng ta cần xác định kinh nghiệm nào là phù hợp và áp dụng được với bối cảnh Việt Nam? Theo tôi về vấn đề này chúng ta cần lưu ý:

Thứ nhất, chúng ta đặt sản phẩm này ở đâu trong thị trường bất động sản Việt Nam?

Thứ hai, chúng ta phải phân loại, tức là đặt vấn đề sở hữu, hay hướng tới cho thuê, không thể đặt lẫn sản phẩm vừa bán, thuê và thuê mua. Chúng ta phải phân loại rõ, từ đó mới có thể ban hành các chính sách hỗ trợ khác nhau.

Thứ ba là vấn đề "túi tiền". Chúng ta phải làm rất rõ, thời điểm năm 2014, thời điểm hiện tại, giai đoạn 2030 - 2045 túi tiền của người dân Việt Nam đã, đang và sẽ như thế nào? Qua đó để thấy rằng giá có phải là vấn đề lớn nhất của sản phẩm này hay không?

Ngoài ra còn có một số vấn đề khác như khoảng cách chất lượng sống, chất lượng công trình phải làm rất rõ. Chúng ta cũng phải bàn đến câu chuyện chất lượng công trình, chi phí vận hành trong đề tài nghiên cứu khoa học này. Cách tiếp cận túi tiền phải thực tế với người Việt Nam.

Đặc biệt, tôi muốn nhấn mạnh rằng, đầu ra của đề tài nghiên cứu khoa học này chúng ta cần kiến nghị sửa Luật nào, phân loại chính sách, cơ chế và ai là người làm? Nhất là trong bối cảnh hiện nay, chúng ta có cấp Trung ương, cấp tỉnh, cấp xã thì mỗi cấp sẽ chịu trách nhiệm xây dựng những chính sách nào. Và cuối cùng là tác động của phân khúc này đến các phân khúc khác của thị trường ra sao.

GS. TSKH. Đặng Hùng Võ: Chúng ta thắc mắc "vừa túi tiền" là như thế nào? Tôi cho rằng, vừa túi tiền là vừa thu nhập. Phân khúc này phù hợp với người có thu nhập trung bình.

Tôi chỉ lưu ý một điều, phân tích kinh nghiệm của nhiều nước là tốt nhưng cũng cần xem xét kỹ lưỡng. Ví dụ như Singapore có hỗ trợ ngân sách của Nhà nước cho loại hình sản phẩm này, nhưng ở Việt Nam lại không có ngân sách hỗ trợ. Tôi cho rằng, Việt Nam có những điều kiện, tính chất khác biệt so với các nền kinh tế nhiều quốc gia trên thế giới.

Về thị trường bất động sản Việt Nam, nguồn cung từ sơ cấp không có nhiều người tiếp cận được mà chủ yếu là tiếp cận ở giai đoạn thứ cấp, tức là giá đã tăng một lần. Ngay tiếp sau đó, ở thị trường thứ cấp, sản phẩm có khi trải qua 5 - 7 chặng chưa chắc đến được với người có nhu cầu ở thực. Như vậy, giá bất động sản Việt Nam cao vì nguồn cung chưa gặp cầu.

Tại sao giá nhà ở lại cao đến thế, sau 10 năm giá nhà ở xã hội tăng gấp đôi? Tôi cho rằng, khó khăn là chưa đặt được giá trần khi bán ra nhà ở xã hội. Nhà nước phải đặt ra một giá trần cho nhà ở xã hội, nhà ở thương mại và tuỳ mỗi dự án sẽ đưa ra mức giá bán khác nhau.

Ngoài ra, chi phí đất đai còn đang khá cao cũng khiến giá bất động sản tăng cao, nhất là khi bảng giá đất ngày càng tiệm cận giá thị trường.

Để giải quyết bài toán nhà ở vừa túi tiền, tôi cho rằng cần xử lý 2 vấn đề: Thứ nhất, giá nhà phải thấp; thứ hai, "túi tiền phải to", tức là giải quyết vấn đề thu nhập của người dân.

GS. TS. Hoàng Văn Cường: Tôi đánh giá cao đề cương khi đưa ra cách tiếp cận bằng việc sử dụng các mô hình định lượng. Trong đề cương có phần dự báo, phần này nếu không sử dụng phương pháp định lượng sẽ rất khó để dự báo được. Điểm "trúng" thứ hai của nghiên cứu là đưa ra mô hình cung - cầu. Nếu dự báo được vấn đề này, chúng ta sẽ dễ nắm được vấn đề giá cả. Tôi rất đồng tình khi đề cương đã tách biệt được 2 vấn đề cung riêng, cầu riêng.

Tôi xin có thêm một số góp ý sau:

Trong phần kinh nghiệm quốc tế, chúng ta nên có thêm phần tham khảo xem những công trình, những người nghiên cứu trước đã đo cung - cầu bằng mô hình tuyến tính như thế nào, để chứng tỏ mô hình này đã được kiểm định rồi.

Thêm nữa, cần tính thêm xu thế vận động, đặc biệt là xu thế thay đổi thị hiếu tiêu dùng của giới định cư. Chẳng hạn như nhóm trẻ đang có sự thay đổi về tâm lý, cách lựa chọn, phong cách sống, khác nhiều so với thế hệ trước. Vậy điều gì sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu sở hữu nhà ở của đối tượng này? Một yếu tố nữa có thể đưa vào cả 2 nhóm cung và cầu, đó là sự phát triển phân bố định cư. Diễn biến ở đây là về hạ tầng, phát triển không gian.

Về yếu tố hàng cung, nên tính thêm yếu tố về độ trễ trong bất động sản. Đồng thời, tính thêm yếu tố rủi ro trong đầu tư.

Về nội dung từng phần trong đề cương, cần nhấn mạnh tiêu chí nhà ở vừa túi tiền. Theo tôi cần quan tâm đến 2 nhóm tiêu chí: Đáp ứng nhu cầu ở, nhu cầu tiêu dùng của người dân; và đáp ứng khả năng chi trả của người dân.

Trong chương 1, tôi cũng mong muốn nghiên cứu về thị trường cần nói thêm về ý nghĩa cung và cầu; đồng thời nghiên cứu về giá cả.

Ở chương 2, về kinh nghiệm quốc tế, cần tập trung vào 3 nội dung: (1) Nhà ở vừa túi tiền nằm trong phân khúc nào trong thị trường nhà ở nói chung; (2) Chính sách của Nhà nước đề cập đến vấn đề này thế nào để tạo ra được phân khúc đó; (3) Vấn đề đặt ra.

Ở chương 3, về thực trạng, cần lưu ý quan trọng 3 vấn đề chính: (1) Thực hiện thực trạng phát triển thông qua quy hoạch như thế nào; (2) Cần nhìn nhận tại sao hiện nay không có nhà ở vừa túi tiền, từ đó cần đánh giá yếu tố cấu thành chi phí nhà ở; (3) Yếu tố tạo ra sự thay đổi về giá.

PGS. TS. Nguyễn Quang Tuyến: Theo tôi, chúng ta cần bám vào từ khóa "phát triển nhà ở thương mại vừa túi tiền", cần làm như thế nào để có thể thực hiện được mục tiêu này. Tiếp đó, cần nghiên cứu về thực trạng và chính sách, pháp luật ở Việt Nam đã đầy đủ chưa; đã có gì để thực hiện mục tiêu và còn thiếu ở điểm nào.

Nhìn vào đề cương đề tài, tôi cho rằng tính cấp thiết của đề tài có thể rút ngắn lại.

Bên cạnh đó, cần khuôn lại mục đích nghiên cứu đề tài và đề xuất những chính sách, pháp luật cụ thể để phát triển nhà ở thương mại vừa túi tiền. Phạm vi nghiên cứu cũng cần được xem xét thêm để đảm bảo tính khả thi khi thực hiện.

Về chính sách, pháp luật, cần tập trung 3 vấn đề: (i) chính sách, pháp luật về tài chính; (ii) chính sách, pháp luật về đất đai; (iii) chính sách, pháp luật khác có liên quan.

Ở chương 1, cần luận thêm nhà ở thương mại vừa túi tiền ở Việt Nam cần phát triển bằng công cụ gì, cách thức ra sao và tại sao chính sách pháp luật lại là yêu cầu quan trọng nhất để thúc đẩy phát triển nhà ở thương mại giá vừa túi tiền?

Thêm nữa, cần định vị phân khúc nhà ở thương mại vừa túi tiền trong các phân khúc thị trường bất động sản hiện như thế nào?

Trên cơ sở đầu ra của đề tài, cần có bản báo cáo tóm tắt cô đọng lại; khuôn lại những chính sách quan trọng. Đặc biệt, cần làm rõ chính sách, pháp luật này tác động đến cả nhà cung cấp và người tiêu dùng như thế nào, cần có sự tách bạch rõ ràng.

Ngoài ra, cần xem xét việc đề xuất ưu đãi đối với doanh nghiệp liên quan đến chính sách cho loại nhà ở thương mại này liệu có phá vỡ cấu trúc bình đẳng trong kinh doanh không? Tôi cho rằng, đây là những vấn đề trong đề tài cần đề cập rõ.

PGS. TS. Nguyễn Thị Nga: Tôi xin góp ý đề xuất một số ý kiến sau.

Thứ nhất, cần đảm bảo quy chuẩn nhà ở giá vừa túi tiền nhưng vẫn đạt đúng tiêu chuẩn về chất lượng và an sinh xã hội.

Thứ hai, cần xác định tiêu chí nhận diện ở khía cạnh đối tượng thụ hưởng, không chỉ nhắm đến những đôi vợ chồng trẻ mà đối tượng tiềm năng nhất là lực lượng lao động thu nhập thấp đóng góp nhiều cho xã hội, những người tham gia trên hầu hết các lĩnh vực kinh tế xã hội cũng cần là đối tượng được ưu tiên.

Thứ ba, cần xác định rõ phân khúc này phục vụ đối tượng ở khu vực nào. Chẳng hạn, tại các đô thị lớn nơi nhu cầu về căn hộ cao cấp tăng cao, mô hình chung cư có thể phù hợp. Tuy nhiên, ở khu vực nông thôn – nơi người dân có xu hướng lựa chọn nhà ở riêng lẻ với mức chi phí hợp lý – thì chung cư lại không phải lựa chọn phù hợp. Vì vậy, cần cân nhắc kỹ xem nên triển khai phân khúc này ở đâu, tập trung tại các thành phố lớn hay mở rộng đồng đều trên khắp các tỉnh thành.

Thứ tư là về các loại hình giao dịch. Thực tế, giao dịch bất động sản bao gồm nhiều hình thức như mua bán, cho thuê, thuê mua… Mỗi loại hình này sẽ kéo theo những đặc điểm pháp lý khác nhau, đặc biệt là việc xác lập quyền sở hữu hay không sở hữu, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến cơ chế quản lý, vận hành sau giao dịch.

Thứ năm, về giá, nếu giá quá cao thì người dân không thể tiếp cận. Tuy nhiên, mức giá "vừa túi tiền" cũng không đồng nghĩa với nhà ở xã hội hay giá rẻ. Điều quan trọng là phải tạo ra mức giá phù hợp với khả năng chi trả của số đông, để người tiêu dùng yên tâm và thị trường có thể tiêu thụ được sản phẩm.

Cuối cùng, đề tài là "Phát triển nhà ở thương mại vừa túi tiền ở Việt Nam: Thực trạng và đề xuất chính sách, pháp luật", do đó tôi cho rằng cần đưa thực trạng trước rồi mới đến vấn đề chính sách pháp luật.

09:30 ngày 24/07/2025

Bà Tống Thị Hạnh - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng phát biểu định hướng

Theo chỉ đạo, Nhà nước đang ưu tiên phát triển nhà ở xã hội cho thuê ổn định, để những người có nhu cầu về nhà ở nhưng không có chỗ ở có thể sinh sống ổn định, hạn chế tình trạng đầu cơ. Khi nhà ở xã hội cho thuê tăng lên thì sẽ không còn chỗ cho nhà ở xã hội cho thuê mua, nhà ở thương mại vừa túi tiền.

Do vậy, điểm rơi của đề tài nghiên cứu khoa học này rất hợp trong bối cảnh hiện nay. Dưới góc độ quản lý nhà nước, chúng tôi mong muốn nhóm nghiên cứu có những nghiên cứu sâu hơn, phạm vi mở rộng hơn. Nhóm nghiên cứu đã có tìm hiểu về kinh nghiệm quốc tế ở nhiều nước, chúng tôi mong muốn nhóm sẽ tiếp tục lọc ra những chính sách nào phù hợp với việc phát triển nhà ở thương mại giá vừa túi tiền ở Việt Nam.

Tôi cho rằng việc phát triển nhà ở vừa túi tiền này cần có sự can thiệp của Nhà nước. Trong đề án quy hoạch chung mới đây, Nhà nước đã đưa ra quy hoạch những khu vực nào phù hợp để phát triển nhà ở thương mại có giá rẻ. Với những công cụ của Nhà nước, chắc chắn sẽ kiểm soát được về quy hoạch, kế hoạch và giá bán, trong đó giá bán bao gồm giá vật liệu, giá nhân công…

Mục tiêu cuối cùng là phải kiểm soát được thị trường bất động sản, chứ không chỉ khống chế về giá bán ở thị trường sơ cấp. Có nghĩa, cả thị trường thứ cấp chúng ta cũng cần lưu ý để có sự kiểm soát. Cùng với chính sách quy hoạch, giá bán thì đối tượng thụ hưởng loại nhà ở này cũng cần được nghĩ đến.

Chúng tôi mong muốn nhóm thực hiện đề tài sẽ có thêm những nghiên cứu, từ đó đề ra được những giải pháp có tính khả thi, góp phần kiểm soát tốt thị trường bất động sản.

09:20 ngày 24/07/2025

Nhà báo Nguyễn Thành Công - Phó Viện trưởng VIRES, Phó Tổng biên tập Tạp chí Reatimes, Thư ký Đề tài trình bày báo cáo tóm tắt kết quả triển khai và định hướng hoàn thiện đề tài NCKH

Triển khai đề tài nghiên cứu khoa học "Phát triển nhà ở thương mại vừa túi tiền ở Việt Nam: Thực trạng và đề xuất chính sách, pháp luật", thời gian qua, cơ quan thực hiện đề tài đã thành lập Hội đồng chuyên gia tham gia thực hiện đề tài khoa học (gồm 15 thành viên); Tổ thư ký gồm 03 thành viên.

Đồng thời tổ chức các Hội thảo, Tọa đàm triển khai và lấy ý kiến các chuyên gia trong và ngoài nước.

Theo đó, trong khuôn khổ sự kiện thường niên Diễn đàn Bất động sản Mùa Xuân lần thứ IV và Lễ Vinh danh thương hiệu Bất động sản dẫn đầu năm 2023 - 2024, ngày 15/3/2024 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã công bố triển khai đề tài nghiên cứu khoa học và hội thảo khoa học: "Tạo lập thị trường nhà ở thương mại vừa túi tiền: Kinh nghiệm quốc tế và đề xuất chính sách cho Việt Nam". Tham dự chương trình có các đại biểu Quốc hội; lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam và nhiều chuyên gia, nhà khoa học.

Qua đó đã tạo lập cơ sở pháp lý và truyền thông cho đề tài; xác nhận tính cấp thiết và phạm vi đa ngành (bất động sản - kinh tế - tài chính - luật - truyền thông…); thống nhất phạm vi, mục tiêu, phương pháp và khung nghiên cứu; kết nối và phân nhóm chuyên gia (pháp luật, tài chính, khảo sát, quốc tế…).

Chiều 18/5/2024, tại Wyndham Garden Sonasea Vân Đồn (Quảng Ninh), Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức Tọa đàm triển khai Đề tài nghiên cứu khoa học.

Tham dự tọa đàm có các đại biểu Quốc hội; lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam và nhiều chuyên gia, nhà khoa học. Qua đó đã hoàn thiện đề cương; chốt nội dung khảo sát 3 nhóm đối tượng (doanh nghiệp - người mua - quốc tế); thống nhất mô hình phân tích định tính và định lượng (Linear Regression, mô hình cung - cầu đồng thời…).

Ngày 15/2/2025, trong khuôn khổ cuộc họp Hội đồng Chủ tịch Liên minh mạng lưới bất động sản ASEAN (ARENA COP) lần thứ 13 được tổ chức tại Novotel Phuquoc Resort, đã diễn ra "Tọa đàm quốc tế về Nhà ở vừa túi tiền - Kinh nghiệm ASEAN cho Việt Nam".

Tại Tọa đàm, TS. LS. Đoàn Văn Bình đã thay mặt VNREA chia sẻ về thực trạng phát triển thị trường nhà ở Việt Nam nói chung, phân khúc nhà ở vừa túi tiền nói riêng và hướng nghiên cứu đề tài. Tọa đàm có sự tham dự và đóng góp ý kiến tư vấn của ông Soma Sundram - Tổng Thư ký, Đồng sáng lập ARENA; ông Tan Kian Aun - Chủ tịch Viện Môi giới Bất động sản Malaysia (MIEA); ông Peter Koth - Chủ tịch và ông Jeffery Foo - Đồng sáng lập Viện Môi giới Bất động sản Singapore (IEA); Bà Teresita L Domingo - Chủ tịch và ông Nelson Arquiza - Đồng sáng lập Hội đồng Bất động sản Philippines (PAREB); ông Clement Francis - Chủ tịch Hiệp hội Môi giới Bất động sản Indonesia (AREBI); ông Khin Maung Than - Chủ tịch Hiệp hội Dịch vụ Bất động sản Myanmar (MRESA); ông Sorn Seap - Chủ tịch Hiệp hội Định giá và Môi giới Bất động sản Campuchia (CVEA); ông K Pretcha Suphapetuporn - Chủ tịch Hiệp hội Tiếp thị và Mua bán Bất động sản (RESAM).

Tọa đàm đã giúp bổ sung thêm kinh nghiệm từ các nước ASEAN (Singapore, Malaysia, Philippines…) và so sánh, đối chiếu với thực trạng của Việt Nam; rút ra bài học theo từng nhóm chính sách; mở rộng góc nhìn quốc tế, đồng thời khẳng định tầm vóc và tính cấp thiết của đề tài trong tương quan khu vực và thế giới.

Về các nội dung đã và đang triển khai, thứ nhất là xây dựng và hoàn thiện đề cương đề tài. Theo đó, lấy ý kiến các chuyên gia 3 lần trực tiếp và 5 lần online; hoàn thiện và cập nhật các vấn đề mới nhất liên quan đến bối cảnh mới của đất nước (kỷ nguyên vươn mình, sắp xếp bộ máy và đơn vị hành chính; tăng trưởng 2 con số, bộ tứ trụ cột, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật cho thị trường bất động sản…) và những yêu cầu đặt ra đối với phát triển nhà ở thương mại vừa túi tiền.

Về những kết quả đạt được, đã bước đầu xây dựng nền tảng học thuật cho khái niệm "nhà ở thương mại vừa túi tiền" thông qua đối chiếu với các thuật ngữ quốc tế như affordable housing, attainable housing.

Định hình khái niệm theo hướng không phải nhà ở xã hội, nhưng có tính hỗ trợ gián tiếp và phục vụ nhu cầu mua - sở hữu của nhóm thu nhập trung bình, người lao động đô thị.

Đã xác định phân khúc có vai trò quan trọng trong đảm bảo an sinh xã hội, giảm áp lực cho nhà ở xã hội, điều tiết thị trường bất động sản.

Về hệ giải pháp tài chính, đã nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về chính sách tài chính hỗ trợ phân khúc này (Hoa Kỳ, Singapore, Đức, Malaysia…); triển khai khảo sát, đánh giá các yếu tố hình thành giá thành và cơ chế huy động vốn ở Việt Nam.

Đã có khung chính sách tài chính trong nước, bao gồm: Ưu đãi tín dụng cho người mua (gói tín dụng dài hạn, lãi suất thấp); cơ chế tín dụng cho doanh nghiệp phát triển phân khúc này; mô hình Quỹ nhà ở quốc gia, theo chỉ đạo của Tổng Bí thư và Thủ tướng Chính phủ; chính sách thuế, phí ưu đãi cho doanh nghiệp phát triển phân khúc này.

Về giải pháp phi tài chính, đã bao gồm chính sách quy hoạch, đất đai, xây dựng, cải cách thủ tục hành chính, chính sách truyền thông - công nghệ - dữ liệu mở. Điển hình là giải pháp rút gọn, bỏ thủ tục giấy phép xây dựng với các dự án đạt chuẩn quy hoạch, thiết kế mẫu, hạ tầng kết nối. Đây là nội dung đã được đưa ra làm ví dụ điển hình để giảm chi phí và thời gian phát triển dự án nhà ở thương mại vừa túi tiền.

Thứ hai, về phân công và triển khai nghiên cứu cụ thể, đã nghiên cứu các tiền đề lý luận về thị trường nhà ở thương mại vừa túi tiền và lý luận chính sách, pháp luật về thị trường nhà ở thương mại vừa túi tiền;

Nghiên cứu về thực trạng phát triển nhà ở thương mại vừa túi tiền trên thế giới như: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Canada, Đức, New Zealand, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines… Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam về: Xây dựng và thực thi chính sách quy hoạch; chính sách đất đai; chính sách xây dựng; chính sách tài chính; công nghệ, thông tin, truyền thông; cải cách thủ tục hành chính; các chính sách phi tài chính khác…

Nghiên cứu về thực trạng chính sách, pháp luật về nhà ở thương mại vừa túi tiền ở Việt Nam giai đoạn 2014 - 2024.

Khảo sát chuyên sâu cấu thành chi phí phát triển các phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở thương mại vừa túi tiền và nhà ở thương mại cao cấp ở Việt Nam giai đoạn 2014 - 2024.

Xây dựng mô hình và nghiên cứu định tính dự báo về tiềm năng, nhu cầu và khả năng chi trả nhà ở thương mại vừa túi tiền đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Xây dựng xong bảng hỏi 3 nhóm đối tượng và đang tiến hành khảo sát: Phiếu khảo sát doanh nghiệp đầu tư, phát triển nhà ở thương mại vừa túi tiền (200 phiếu); Phiếu khảo sát người mua nhà ở thương mại vừa túi tiền (1.000 phiếu); Phiếu khảo sát doanh nghiệp nước ngoài đầu tư, phát triển nhà ở thương mại vừa túi tiền (200 phiếu).

Tạo hệ thống khảo sát về nhu cầu mua nhà ở thương mại vừa túi tiền trên Reatimes và một số báo điện tử;

Nghiên cứu chuyên sâu về giải pháp kiểm soát giá bất động sản trong tương quan mục tiêu và giải pháp phát triển nhà ở thương mại vừa túi tiền;

Nghiên cứu bước đầu về phương hướng và giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật phát triển nhà ở thương mại vừa túi tiền ở Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045: Chính sách tài chính và Chính sách phi tài chính…

Trong bối cảnh cải cách thể chế, việc sắp xếp bộ máy, nhập bộ, ngành; nhập tỉnh/thành; xây dựng mô hình chính quyền 2 cấp giúp giảm tầng nấc phê duyệt dự án, tiết kiệm thời gian và chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp đã tác động trực tiếp tới khâu chuẩn bị đầu tư các dự án nhà ở thương mại vừa túi tiền.

Cùng với đó là tác động từ "bộ tứ trụ cột" với 4 Nghị quyết lớn: Nghị quyết 57; Nghị quyết 59; Nghị quyết 66; Nghị quyết 68. Ví dụ như việc bỏ giấy phép xây dựng với nhà ở chuẩn mẫu, nếu được áp dụng, sẽ cắt giảm ít nhất 30-40% thời gian thủ tục, giúp giảm giá thành dự án. Tác động kỳ vọng đến Đề tài (cần lượng hóa trong nghiên cứu chi phí dự án) là có thể giúp rút ngắn vòng đời chuẩn bị đầu tư; giảm chi phí tuân thủ pháp lý (phí hồ sơ, chi phí tài chính do kéo dài thời gian vay cầu tạm); giảm rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp, từ đó khuyến khích tham gia phân khúc lợi nhuận thấp như nhà ở thương mại vừa túi tiền. Hay việc chuyển sang cơ chế hậu kiểm số hoá có thể giúp kiểm soát chất lượng và an toàn xây dựng với chi phí thấp hơn.

Theo đó, về nhiệm vụ chính và tiến độ trong thời gian tới:

Thứ nhất, giai đoạn tiếp theo cần ưu tiên hoàn thiện khung lý luận về đề tài; hoàn thiện dữ liệu khảo sát; phân tích định lượng và định tính từ dữ liệu khảo sát để đưa ra mô hình dự báo nhu cầu nhà ở thương mại vừa túi tiền đến 2030 và 2045. Hoàn thiện khung giải pháp tài chính - phi tài chính với tính khả thi cao, gắn với bối cảnh mới phát triển của đất nước và các đạo luật mới. Đề xuất chiến lược và kịch bản chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Thứ hai, Ban Chủ nhiệm hướng tới mục tiêu đảm bảo tiến độ, áp dụng phương châm "4 rõ" (rõ việc - rõ người - rõ tiến độ - rõ kết quả). Tiến độ tổng thể sẽ hoàn thành trong năm 2025 và công bố kết quả Đề tài vào quý I/2026.

09:10 ngày 24/07/2025

TS. LS. Đoàn Văn Bình, Phó Chủ tịch VNREA, Chủ tịch Tập đoàn CEO, Chủ nhiệm Đề tài phát biểu khai mạc, đề dẫn và trình bày báo cáo "Tổng quan tình hình toàn cầu về nhà ở thương mại vừa túi tiền: Kinh nghiệm quốc tế và giá trị tham khảo cho Việt Nam"

Hiện nay, nhà ở vừa túi tiền ngày càng khan hiếm ở hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới bởi nguồn cung thấp hơn nhiều so với nhu cầu, đặc biệt là với đối tượng mua lần đầu. Giá nhà và giá thuê nhà đang tăng nhanh chóng, đôi khi vượt quá ngưỡng 4 - 5%/năm, đẩy gánh nặng tài chính lên các gia đình trung lưu và lao động trẻ. Thế hệ Millennials và Gen Z phải chi trả tỷ lệ cao hơn thu nhập, dẫn đến giảm tích lũy của cải.

Nhiều quốc gia như Canada, Đức, Úc… đẩy mạnh xây dựng, mở rộng quỹ nhà nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Ví dụ, Mỹ hiện thiếu 7,1 triệu căn nhà ở thương mại vừa túi tiền; trong khi đó, Đức thiếu hơn 800.000 căn, còn mục tiêu xây 400.000 căn/năm chưa thể đạt được so với thực tế khi chỉ xây dựng được khoảng 245.000 căn.

Theo đó, chúng tôi cho rằng có 10 thách thức lớn đối với việc phát triển nhà ở thương mại giá vừa túi tiền:

Thứ nhất, thiếu hụt nguồn cung nghiêm trọng do các dự án nhà ở bị chậm hoàn thiện thủ tục pháp lý, ngân sách hạn chế gây nên khủng hoảng cung - cầu kéo dài.

Thứ hai, chi phí xây dựng và vật liệu tăng. Các nguyên vật liệu như thép, xi măng… tăng giá, chi phí nhân công khiến giá thành nhà ở tăng cao.

Thứ ba, quy định pháp luật còn vướng mắc. Tiêu chuẩn quy chuẩn, quy hoạch, quy định khắt khe làm tăng 40 - 50% giá nhà.

Thứ tư là thách thức về năng lượng khi hiệu quả sử dụng thấp và chi phí tiện ích cao. Đơn cử như nhà tái định cư thường dùng thiết bị cũ, thiếu cách nhiệt, dẫn đến gánh nặng điện nhiệt cao.

Thứ năm, liên quan đến chỉnh trang đô thị xanh (green gentrification), các dự án bất động sản xanh đôi khi làm giá bất động sản xung quanh tăng, làm giảm khả năng tiếp cận nhà ở của người thu nhập thấp.

Thứ sáu, thị trường tài chính hóa với các mô hình như REITs, quỹ đầu tư mua vào số lượng lớn nhà cho thuê, đẩy giá thuê tăng và hạn chế nhà xã hội.

Thứ bảy, thiếu quỹ nhà ở xã hội bền vững. Quỹ nhà này trên thực tế không đủ lớn và bị cắt giảm; hai vợ chồng có mức thu nhập trung bình khó có thể tiếp cận.

Thứ tám là tình trạng ô nhiễm và hạ tầng kém. Nhà ở giá rẻ hay khu ổ chuột thường rơi vào tình trạng thiếu nước sạch, môi trường ô nhiễm, thiếu trường học, bệnh viện, giảm chất lượng sống của người dân.

Thứ chín là tình trạng bất bình đẳng và phân biệt khu vực. Nhóm đối tượng thiểu số, người thu nhập thấp thường ở xa nơi làm việc với cơ hội thấp hơn và môi trường xấu hơn.

Thứ mười là lãi suất cao và rủi ro tài chính. Lãi vay cao gây cản trở cho người dân tiếp cận để mua, sửa chữa nhà ở; dễ dẫn đến vỡ nợ, buộc phải bán nhà; hoặc tình trạng vô gia cư – vấn đề đặc biệt nguy hiểm khi kinh tế suy giảm.

Họp Hội đồng tư vấn và thực hiện đề tài khoa học “Phát triển nhà ở thương mại vừa túi tiền ở Việt Nam: Thực trạng và đề xuất chính sách, pháp luật”- Ảnh 2.

Tại Việt Nam thời gian qua, giá vật liệu tăng 10%, giá nhân công tăng 15% và trong năm nay, nguy cơ thiếu nhân công sẽ là vấn đề lớn vì đầu tư công được đẩy mạnh, nhiều dự án lớn được triển khai, các dự án quy mô lớn được tháo gỡ pháp lý sẽ cần lượng nhân công rất lớn.

Trên thế giới, như tại EU, các sáng kiến hướng đến các nhóm thu nhập thấp bằng cách giảm giá thuê, ràng buộc nhà phát triển cung cấp nhà giá rẻ và hỗ trợ tài chính dài hạn. Cụ thể, tại Đức áp dụng chính sách PPP, khống chế giá năng lượng, bảo vệ người thuê; Pháp thực hiện áp chỉ tiêu; Anh có chính sách thuê…

Trong khi đó, Canada nỗ lực giảm rào cản hành chính. Ở Trung Quốc, có quỹ tiết kiệm bắt buộc, ưu tiên căn hộ cho thuê công cộng, cho thuê với sự hỗ trợ của Chính phủ. Hàn Quốc thực hiện giảm 30 - 80% tiền cho thuê, giảm lãi suất. Nhật Bản khai thác ngân sách địa phương, đầu tư vào cải tạo chỉnh trang, cho vay ưu đãi các khoản vay…

Qua nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, chúng ta có thể tham khảo nhiều kinh nghiệm cho Việt Nam.

Cụ thể đối với chính sách tài chính, có thể thực hiện ưu đãi thuế phí; hỗ trợ đất; đồng sở hữu với Nhà nước giữ 40% sở hữu, người thuê mua sở hữu 60% giá trị và khi có đủ tiền, Nhà nước bán lại 40% để giảm áp lực tài chính; hợp tác quốc tế để cho vay vốn giá thấp (mô hình Hàn Quốc, Nhật, Mỹ); khấu hao nhanh và miễn thuế bán nhà sau một thời gian nhất định (mô hình của Đức)…

Bên cạnh đó là gợi mở một số sáng kiến phi tài chính. Về quy hoạch (zoning), cho phép mật độ cao; ở những zone gần đầu mối giao thông, tỷ trọng cơ cấu nhà ở vừa túi tiền trong tổng thể kế hoạch phát triển nhà ở; quy định cụ thể tỷ lệ nhà ở vừa túi tiền trong các khu nhà ở, khu đô thị; đổi lợi ích quy hoạch (zoning bonus) như tăng hệ số xây dựng (FAR) cho nhà đầu tư; zoning có phần dành riêng để xây nhà ở thương mại vừa túi tiền với cam kết hạn chế chuyển nhượng (như tại Đào Viên, Trung Quốc); ban hành Luật quy hoạch bắt buộc chủ đầu tư dành tỷ lệ nhất định (thường là 10 - 30%) căn hộ giá rẻ trong các dự án mới, điển hình tại nhiều địa phương như Cambridge (Anh)…

Về tiêu chuẩn, quy chuẩn, thiết kế, có thể áp dụng thiết kế mẫu để giảm giá thành; cho phép căn hộ nhỏ 17m2 như Nhật Bản. Về vật liệu xây dựng, cần kiểm soát giá vật liệu, nhân công, thiếu hụt vật liệu. Về xây dựng và công nghệ, áp dụng các giải pháp nhà nhẹ, nhà không kiên cố, lắp ghép theo module, ứng dụng công nghệ.

Về hành chính, cắt giảm thủ tục hành chính như miễn phép xây dựng, cấp phép nhanh; khống chế giá cho thuê thấp hơn (tối thiểu 10%) so với giá thị trường; cộng điểm cho các nhà phát triển nhà ở vừa túi tiền khi phát triển dự án nhà ở thương mại (Mỹ); cho phép chuyển đổi không gian thương mại không hiệu quả (văn phòng, nhà kho) thành nhà ở vừa túi tiền. Nhà nước tham gia trực tiếp vào tạo lập, hình thành quỹ nhà ở vừa túi tiền để cho thuê, cho thuê mua.

09:05 ngày 24/07/2025

Công bố quyết định điều chỉnh kế hoạch thực hiện Đề tài

Căn cứ vào thực tế phát triển ngành kinh tế bất động sản tại Việt Nam trong thời gian qua và đề xuất của Ban Chủ nhiệm đề tài, TS. Nguyễn Văn Khôi - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã có Quyết định về việc điều chỉnh kế hoạch thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học và hội thảo khoa học quốc tế: "Phát triển nhà ở thương mại vừa túi tiền ở Việt Nam: Thực trạng và đề xuất chính sách, pháp luật".

Theo đó, Chủ tịch VNREA quyết định điều chỉnh tên đề tài khoa học và hội thảo khoa học quốc tế: "Tạo lập thị trường nhà ở thương mại vừa túi tiền: Kinh nghiệm quốc tế và đề xuất chính sách cho Việt Nam" (tại Quyết định số 11/QĐ-VNREA-BCH ngày 12 tháng 03 năm 2024 của Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam) thành: "Phát triển nhà ở thương mại vừa túi tiền ở Việt Nam: Thực trạng và đề xuất chính sách".

Chủ nhiệm đề tài là TS. LS. Đoàn Văn Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện đề tài. Đơn vị tổ chức thực hiện đề tài là Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam.

Thành viên tham gia thực hiện đề tài là các nhà khoa học, các chuyên gia, theo đề xuất và phê duyệt của Chủ nhiệm đề tài. Đơn vị bảo trợ truyền thông cho việc thực hiện đề tài là Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam.

Chủ tịch VNREA cũng quyết định điều chỉnh thời gian thực hiện đề tài, theo đó sẽ hoàn thành trong quý I/2026. Kinh phí thực hiện đề tài do Tập đoàn CEO tài trợ, đảm bảo kinh phí thực hiện đề tài thông qua Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam.

Chủ nhiệm đề tài có quyền hạn và trách nhiệm tổ chức thực hiện đề tài (bao gồm việc xây dựng đề cương, mời, điều chỉnh, bổ sung chuyên gia, nhà khoa học tham gia thực hiện đề tài, triển khai nhiệm vụ nghiên cứu và hoàn thành báo cáo khoa học); tổ chức phản biện và đảm bảo chất lượng của đề tài nghiên cứu khoa học; tổ chức công bố đề tài khoa học phù hợp với tình hình thực tế; phối hợp với Nhà xuất bản có uy tín tổ chức xuất bản sách dựa trên kết quả nghiên cứu; chủ nhiệm đề tài là chủ biên ấn phẩm sách.

09:00 ngày 24/07/2025

Các khách mời tham dự buổi họp

Về phía Đại biểu Quốc hội, cơ quan quản lý Nhà nước:

- Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu – Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội.

- GS. TS. Hoàng Văn Cường – Ủy viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách của Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo sư Nhà nước.

- Bà Tống Thị Hạnh – Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng.

Về phía các chuyên gia, nhà khoa học:

- TS. Lê Xuân Nghĩa – Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia.

- GS. TSKH. Đặng Hùng Võ – Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

- TS. Vũ Đình Ánh – Chuyên gia kinh tế cao cấp.

- TS. Lê Xuân Sang – Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam và Thế giới.

- PGS. TS. Nguyễn Quang Tuyến – Phó Chủ tịch Hội đồng Trường, Trưởng khoa Pháp luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội.

- PGS. TS. Nguyễn Thị Nga – Phó Trưởng khoa Pháp luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội.

- Ông Hoàng Việt Cường – Phó Tổng Giám đốc Dịch vụ Tư vấn Tái cấu trúc doanh nghiệp, PwC Việt Nam.

Về phía lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam và cơ quan thực hiện đề tài:

- TS. Nguyễn Văn Khôi – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Thành viên Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.

- TS. LS. Đoàn Văn Bình – Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn CEO, Chủ nhiệm Đề tài.

- Nhà báo Phạm Nguyễn Toan – Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam.

- Ông Bùi Văn Doanh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam.

- Nhà báo Nguyễn Thành Công – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam, Phó Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam, Thư ký Đề tài.

Trước khi bước vào nội dung chính của buổi họp, các đại biểu đã dành một phút tưởng niệm đến TS. Vũ Tiến Lộc - Đại biểu Quốc hội, nguyên Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), người đã đồng hành cùng Hiệp hội trong nhiều hoạt động chuyên môn và là thành viên Hội đồng tư vấn đề tài.

Theo reatimes.vn

Nguồn: https://reatimes.vn/hop-hoi-dong-tu-van-va-thuc-hien-de-tai-khoa-hoc-phat-trien-nha-o-thuong-mai-vua-tui-tien-o-viet-nam-thuc-trang-va-de-xuat-chinh-sach-phap-luat-202250724091600441.htm