Hội nghị các nước thành viên công ước CITES hôm nay đã đồng ý bảo vệ hươu cao cổ bằng cách nhất trí đưa hươu cao cổ vào phụ lục II của công ước CITES. Những nhà hoạt động bảo vệ động vật hoang dã hoan nghênh quyết định của CITES bởi điều này có nghĩa là việc buôn bán quốc tế hươu cao cổ và các bộ phận của chúng như da, xương, thịt sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn.

huou cao co chinh thuc duoc dua vao danh sach dong vat hoang da can bao ve
Hươu cao cổ chính thức được đưa vào danh sách động vật hoang dã cần bảo vệ. Ảnh minh họa

Việc đưa hươu cao cổ vào phụ lục II của công ước CITES là một quyết định sống còn cho loài sinh vật này khị bị đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng thầm lặng trong nhiều năm nay. Có tên trong phụ lục II sẽ đảm bảo rằng các bộ phận của hươu cao cổ chỉ được buôn bán quốc tế khi có giấy tờ chứng nhận hợp pháp và không gây nguy hại đến sự tồn vong của loài này.

Ông Philip Muruthi, đại diện Tổ chức động vật hoang dã châu Phi, cho biết: Số hươu cao cổ toàn cầu đã giảm đến 40% chỉ trong vòng 30 năm qua, xuống chỉ còn 97.500 cá thể. Những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này gồm hạn hán khắc nghiệt, nạn săn bắn trái phép cũng như môi trường sống ngày càng bị thu hẹp.

Ông Muruthi khẳng định, việc bảo tồn và quản lý hươu cao cổ tương đối ít được quan tâm hơn các loài khác. Trong một phát biểu tại hội nghị, ông kêu gọi các quốc gia tăng cường nỗ lực bảo tồn loài động vật này, nhất là học hỏi từ những kinh nghiệm đằng sau sự gia tăng dân số của hươu cao cổ Angolan và Nam Phi.

Theo số liệu của Mỹ mà Tổ chức Quốc tế đối xử nhân đạo với động vật (HSI) có được thì từ năm 2006 đến 2015, ít nhất 33.000 mẫu vật hươu cao cổ đã được nhập khẩu cho mục đích thương mại và hầu hết đều có nguồn gốc hoang dã. Chúng bao gồm các sản phẩm chạm khắc từ xương, xương, các miếng da và xương. Một cuộc điều tra bí mật được HSI và tổ chức Quốc Đối xử nhân đạo của Mỹ đồng thực hiện trong năm 2018 đã chỉ rõ các tác động của việc buôn bán hươu cao cổ này.

HSI tán thành việc các Chính phủ của Cộng hoà Trung Phi, Chad, Kenya, Mali, Nigeria và Senegal đã gửi đề xuất bổ sung hươu cao cổ vào phụ lục II nhằm bảo vệ chúng tốt hơn và các quốc gia khác trong liên minh voi châu Phi đã hỗ trợ mạnh mẽ cho các đề xuất này được thông qua. 

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/huou-cao-co-chinh-thuc-duoc-dua-vao-danh-sach-dong-vat-hoang-da-can-bao-ve-9009.html
 

Theo Kinh Tế Môi Trường